📞

Đối phó lạm phát, công thức chiến thắng của Fed có hiệu quả? Mỹ cần Trung Quốc ‘giúp một tay’?

Hải An 19:19 | 15/02/2022
Trong bài viết đăng trên SCMP, ngày 15/2, nhà bình luận kinh tế vĩ mô Neal Kimberley cho rằng, việc Fed tăng lãi suất để kìm chế lạm phát không phải là giải pháp tối ưu và Trung Quốc có thể giúp Mỹ giải bài toán khó.
Việc ngân hàng trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ làm xói mòn chênh lệch lãi suất giữa Mỹ-Trung Quốc, vốn từ lâu đã nghiêng về phía có lợi cho đồng Nhân dân tệ. (Nguồn: Reuters)

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trăn trở về việc tăng lãi suất bao nhiêu và nhanh như thế nào để chống lại lạm phát tăng vọt, thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có nhiều khả năng sẽ nới lỏng chính sách khi tìm cách hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế số 2 thế giới.

Sự tương phản trong các ưu tiên là rõ ràng, và các tác động đối với thị trường cũng khác nhau.

Tại Mỹ, áp lực buộc Fed phải hành động khi giá cả tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng của nước này đạt 7,5% mỗi năm vào tháng 1/2022, mức tăng hằng năm cao nhất kể từ tháng 2/1982.

Chính sách trái ngược

Thực tế, đây là một thống kê khá khó chịu đối với Fed và chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Cho đến gần đây, trước khi chỉ số lạm phát của tháng 12/2021 và tháng 1/2022 được công bố, cả Fed và ông Biden đều vẫn tìm cách mô tả áp lực lạm phát gia tăng của Mỹ chỉ là “nhất thời” và Mỹ sẽ nhanh chóng kiểm soát được tình hình.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed, những người trước đây có xu hướng “xem xét” bằng chứng về việc giá cả tăng cao, giờ đây đã thấy cần phải cấp bách phải hành động một cách quyết liệt trước những áp lực lạm phát ngày một gia tăng.

Thị trường ngay lập tức đã có những phản ứng đối với tình hình. Các nhà đầu tư nhận định khả năng Fed sẽ sớm tăng lãi suất, động thái nhằm ngăn chặn lạm phát gia tăng.

Các thị trường đặt kỳ vọng vào việc Mỹ dự kiến ít nhất 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022 và việc ngân hàng trung ương này tăng lãi suất vào tháng 3 hiện là điều chắc chắn. Câu hỏi duy nhất là liệu Fed sẽ chọn tăng 0,25 điểm phần trăm hay thận trọng hơn và thắt chặt thêm 50 điểm cơ bản.

Đối với Trung Quốc, một phần được thúc đẩy bởi phương pháp tiếp tục không khoan nhượng của nước này trong phòng chống dịch Covid-19, lập trường chính sách tiền tệ của PBOC vẫn hướng tới việc tạo ra các điều kiện giúp giữ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng.

Bằng chứng là ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng trước.

Thực tế trên chắc chắn sẽ làm xói mòn chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn từ lâu đã nghiêng về phía có lợi cho đồng Nhân dân tệ (NDT) và do đó có tác động đến cách các thị trường tiền tệ xem mức thích hợp cho tỷ giá hối đoái giữa USD và NDT.

Nhưng trong bối cảnh đại dịch, lãi suất của Mỹ cao hơn, trong khi Trung Quốc vẫn ổn định ở mức thấp hơn, không có nghĩa là đồng bạc xanh thu được lợi nhuận so với đồng NDT trên các sàn giao dịch nước ngoài.

Áp lực lạm phát mà Mỹ đang trải qua hiện nay là hậu quả trực tiếp của nhiều thập niên nước này chuyển nhượng sản xuất cho Trung Quốc. Trong khi đó, hoạt động sản xuất này đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi chính sách ‘zero-Covid’ của Bắc Kinh.

Tình trạng trên ở Trung Quốc đã dẫn đến các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu và gây áp lực tăng giá trên toàn thế giới. Xét cho cùng, như thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Toyoaki Nakamura đã nói gần đây: “Nền kinh tế Trung Quốc là thị trường và công xưởng của thế giới”.

Trung Quốc giúp gì được Fed?

Từ góc độ trên, điều tốt nhất đối với Fed là để nền kinh tế Trung Quốc trở lại trạng thái hàng đầu. Nếu không, có lẽ, việc Mỹ liên tiếp tăng lãi suất sẽ chỉ có thể giúp kiềm chế lạm phát gia tăng mà không liên quan đến sự chênh lệch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản xuất của Trung Quốc tăng lên sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi, chính sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã thúc đẩy chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao. (Nguồn: Shutterstock)

Thực tế, tăng lãi suất mạnh và nhanh có thể có ý nghĩa tốt đối với Fed trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của Mỹ, nhưng đó không nhất thiết là một “công thức chiến thắng”.

Trừ khi các chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại bình thường, tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ và cuối cùng nó có thể không nâng cao sức hấp dẫn của đồng bạc xanh.

Sẽ là tin vui cho Fed khi tổ chức này có thể nhận được sự giúp đỡ từ nền kinh tế hàng đầu châu Á. Tuần trước, PBOC công bố dữ liệu cho thấy, cho vay tín dụng ở Trung Quốc trong tháng 1/2022 đã tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,98 nghìn tỷ NDT (626 tỷ USD), gấp hơn 3 lần so với con số 1,13 nghìn tỷ NDT của tháng 12/2021.

Ngay cả khi trên thực tế là các ngân hàng Trung Quốc có xu hướng cho vay vào đầu năm, "bước nhảy vọt trong cho vay tín dụng của năm nay là đáng kể so với thành tích đạt được từ các năm trước đó".

Sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ từ PBOC kết hợp với hoạt động cho vay mới của ngân hàng có thể chứng minh những chính sách mà nền kinh tế Trung Quốc thực sự cần lúc này.

Điều đó một mặt khiến các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn trong các khoản đầu tư bằng đồng NDT, nhưng mặt khác, nó cũng có thể thúc đẩy thị trường đánh giá lại về mức độ mà ngân hàng trung ương Mỹ cần thắt chặt trong chính sách tiền tệ.

Sản xuất của Trung Quốc tăng lên sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi, chính sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã thúc đẩy chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao, vấn đề khiến Fed khó chịu.

Như vậy rõ ràng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể có tác động tích cực đối với mục tiêu giảm lạm phát, vốn đang tăng rất nóng tại Mỹ.

Fed dự kiến ​​bắt đầu tăng lãi suất, trong khi PBOC chắc chắn là không. Nhưng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, điều đó không tự động chuyển thành lợi thế của USD so với NDT.

(theo SCMP)