Quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong nhiều tháng qua vẫn chưa được cải thiện. (Nguồn: Craig Stephens) |
Sự cố có thể vượt tầm kiểm soát
Bắc Kinh và Washington hầu như không liên lạc với nhau trong nhiều tháng. Phía Trung Quốc cũng đã hủy bỏ một cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Mối quan hệ hai nước có thể tiếp tục đóng băng và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Cảnh báo từ Washington là rõ ràng. Phát biểu ngày 1/6 khi đề cập căng thẳng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ “lo ngại rằng đến một lúc nào đó có thể xảy ra một sự cố vượt khỏi tầm kiểm soát rất, rất nhanh".
Người đứng đầu Lầu Năm Góc “hoan nghênh mọi cơ hội để nói chuyện với giới lãnh đạo Trung Quốc”.
Cảnh báo khẩn cấp của Bộ trưởng Lloyd Austin được đưa ra khi ông trên đường tới dự Hội nghị an ninh quan trọng nhất châu Á - Đối thoại Shangri-La ở Singapore - khai mạc ngày 2/6.
Hội nghị kéo dài 3 ngày này có sự tham dự của nhiều bộ trưởng quốc phòng từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Bộ trưởng Austin muốn có cuộc thảo luận song phương với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-La, nhưng ông Lý Thượng Phúc đã từ chối.
Phía Mỹ cho rằng có nhiều vấn đề quan trọng cần thảo luận với Trung Quốc như tình hình ngày càng căng thẳng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Bắc Kinh đổ lỗi cho việc hủy cuộc gặp ở Singapore là do “những hành vi sai trái” từ phía Mỹ. Năm 2018, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Lý Thượng Phúc vì ông có vai trò lớn trong việc mua máy bay chiến đấu và vũ khí từ nhà sản xuất Nga Rosoboronexport.
Trong nhiều tháng, phía Trung Quốc đã từ chối các cuộc điện thoại từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Gần đây, Lầu Năm Góc xác nhận chưa có thay đổi gì về điều này.
Không giống như trong Chiến tranh lạnh giữa Moscow và Washington trước đây, hiện không có giao thức nào làm giảm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Các sự cố liên tục xảy ra cho thấy mức độ nguy hiểm thực sự. Mới đây, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã suýt va chạm với máy bay chiến đấu của Mỹ.
Sự ngắt liên lạc giữa hai cường quốc cũng đang gây ra bất an lớn ở các thủ đô châu Âu. Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Lằn ranh khó phá vỡ
Không chỉ giới chính trị mà các doanh nghiệp cũng lo ngại. Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Giám đốc điều hành hãng Tesla Elon Musk và Giám đốc điều hành ngân hàng JP Morgan Jamie Dimon đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Trung đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu nói chung và với nền kinh tế hai nước nói riêng.
Tuy nhiên, cho đến nay, các khuyến nghị như vậy vẫn không được chú ý.
Vài ngày sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên không phận Mỹ hồi tháng Hai năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm điện đàm với nhau.
Nhưng cho đến nay vẫn chưa có cuộc điện đàm nào giữa hai nhà lãnh đạo, quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa được khôi phục sau vụ việc. Ngoại trưởng Athony Blinken đã hủy chuyến công du tới Bắc Kinh và từ đó đến nay không có quan chức cấp cao nào của Mỹ tới Trung Quốc.
Gần đây, tại một cuộc họp ở Vienna (Áo), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã phá vỡ sự im lặng, thảo luận với nhau trong hơn 8 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, cuộc thảo luận này không đồng nghĩa với mối quan hệ hai bên tốt hơn.
Phản ứng dây chuyền nguy hiểm
Theo các nhà ngoại giao châu Âu tại Brussels, thế giới không nhận ra rủi ro lớn như thế nào. Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không cố tình hướng tới một cuộc đối đầu trực tiếp nhưng ngay cả việc hiểu sai ý định của phía bên kia cũng có thể gây ra phản ứng dây chuyền nguy hiểm.
Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Mỹ đang chuẩn bị cho xung đột, trong khi Mỹ cũng nghĩ về Trung Quốc như vậy.
Tại các thủ đô châu Âu, người ta nghi ngờ rằng chiến thuật đằng sau các hành động của Bắc Kinh là từ chối đàm phán, điều này sẽ mang lại lợi thế cho quốc gia châu Á trước Washington.
Hiện tại, khi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, quan hệ Mỹ-Trung có thể nguội lạnh hơn nữa. Tách rời khỏi Trung Quốc là một trong những vấn đề hàng đầu đối với Tổng thống Biden và những đối thủ tiềm năng của ông bên phía đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2024.
Chuyên gia thương mại Inu Manak thuộc tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng, “lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc” sẽ được củng cố trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Biden nếu ông tiếp tục đắc cử.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với một tổng thống từ đảng Cộng hòa.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng áp hàng tỷ USD thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông. Một ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cũng có thái độ rất cứng rắn với Bắc Kinh.