| |
Khai mạc Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương | |
Tầm nhìn về quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương cho thế kỷ 21 |
"Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai" là một trong những hoạt động quan trọng nhất về cả tầm vóc và quy mô trong dịp Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (SOM 2 APEC) và các cuộc họp liên quan, do Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế và Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tổ chức.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, và Diễn đàn APEC chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới, Đối thoại là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao năm 2016 và đóng góp vào nỗ lực chung của các thành viên trong việc chuẩn bị cho tương lai của Diễn đàn trong những thập kỷ tới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Với ý nghĩa đó, Đối thoại đã thu hút sự tham gia rộng rãi của khoảng 300 đại biểu là các quan chức cao cấp của APEC, Trưởng các cơ quan đại diện các nền kinh tế APEC tại Hà Nội, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả có uy tín, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng các tổ chức xã hội và giới truyền thông. Lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và địa phương của Việt Nam cũng đã tham dự.
Trong số khách mời có nhiều nguyên lãnh đạo, Bộ trưởng các nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế, như Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2006; Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu, Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Narongchai Akrasanee…
Đoàn chủ tọa tại Đối thoại nhiều bên APEC hướng tới 2020 và tương lai sáng ngày 16/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu chỉ đạo Đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định "Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi."
Chủ tịch nước nhấn mạnh "Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung."
Chủ tịch nước đề nghị các thành viên APEC "chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn". Mô hình đó là phải bảo đảm tính bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; phải góp phần đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội; thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số.
Buổi Đối thoại thu hút khoảng 300 đại biểu đến từ APEC, doanh nghiệp, học giả có uy tín, các tổ chức quốc tế và khu vực, tổ chức xã hội và giới truyền thông. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Về tương lai của Diễn đàn APEC, Chủ tịch nước nhận định "Trong hai đến ba thập niên tới, APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động, khả năng chống chịu và tính trách nhiệm. APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch…".
"Để làm được điều đó, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC phải là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả." - Chủ tịch nước kết luận.
Tại phiên khai mạc, đồng Chủ tịch của Hội đồng PECC Donald Campbell cũng có phát biểu chào mừng, nêu rõ "Châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm của những thay đổi và chuyển đổi nhanh chóng đang diễn ra trên thế giới. Các thành viên của Diễn đàn đang đứng trước cơ hội xác định tầm nhìn dài hạn nhằm định hướng cho việc hình thành các chính sách và quy định bảo đảm cho mọi người dân được hưởng lợi từ những thay đổi này”.
Chủ tịch của Hội đồng PECC Donald Campbell phát biểu tại buổi Đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tham dự 2 phiên toàn thể với chủ đề "APEC trong một thế giới thay đổi nhanh chóng" và "APEC hướng tới năm 2020 và tương lai".
Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ nhất, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định thương mại mở mang lại nhiều lợi ích, song để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân, cần có các chính sách xã hội phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong một "thế giới thương mại đang thay đổi".
Cũng tại phiên này, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận và tích cực tham gia thảo luận về triển vọng của thế giới đến năm 2050; những thay đổi trong trật tự và quản trị kinh tế toàn cầu cũng như của cục diện kinh tế khu vực và Diễn đàn APEC; những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các nền kinh tế và các khu vực, nhất là đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và APEC; các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Phiên thảo luận thứ hai đã tập trung vào việc thảo luận và chia sẻ các góc nhìn đa chiều về triển vọng của Diễn đàn APEC và châu Á - Thái Bình Dương, kết quả rà soát việc thực hiện các Mục tiêu Bogo…Các ý kiến nhìn chung đều nhất trí APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là cơ chế hợp tác linh hoạt, trên cơ sở tự nguyện, không ràng buộc, tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư mở nhằm đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực. Trong tình hình mới, để tiếp tục khẳng định vai trò của APEC, các nội dung hợp tác của Diễn đàn cần gắn hơn với các vấn đề phát triển bền vững và bao trùm. Diễn đàn cũng cần đẩy mạnh thông tin tới người dân và các doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực hợp tác giữa các thành viên mang lại.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự buổi Đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tiến hành thảo luận nhóm nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư, nội dung hợp tác của Diễn đàn sau năm 2020 và các bước chuẩn bị cần triển khai để tiến tới hình thành tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.
Đối thoại ngày hôm nay đã gợi mở nhiều ý tưởng và nêu ra những đề xuất cụ thể góp phần vào việc định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới. Trước mắt, các kết quả của Đối thoại sẽ được báo cáo lên các quan chức cao cấp APEC tại cuộc họp ngày mai 17-18 tháng 5 để thảo luận, trước khi trình lên các Bộ trưởng và Lãnh đạo APEC vào tháng 11 năm nay tại thành phố Đà Nẵng.
Cũng trong ngày hôm nay, các quan chức cao cấp APEC đã tổ chức Hội thảo về nghiên cứu và công nghệ, do nhóm Đối tác chính sách về khoa học, công nghệ và sáng tạo (PPSTI) chủ trì.
Nguyên PTT Vũ Khoan: APEC là một cầu nối để thúc đẩy xu thế hợp tác “Các nền kinh tế thành viên APEC phải hợp tác với nhau, giải quyết vấn đề toàn cầu, vấn đề khu vực đang ngày càng ... |
APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển Tiếp nối các cuộc đối thoại đầu tiên về tầm nhìn APEC sau 2020 và tương lai tháng 8/2016, phiên họp Đối thoại nhiều bên ... |
Kết thúc ngày làm việc thứ bảy trong khuôn khổ SOM 2 Sáng 15/5, trong khuôn khổ Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan diễn ra hai hoạt động quan trọng gồm Hội nghị ... |