Đức vốn là thị trường khí đốt sinh lợi nhất của Nga. Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ làm tăng gấp đôi kim ngạch xuất nhập khẩu khí đốt giữa hai nước. (Nguồn: Getty) |
Trong một bài đăng trên tạp chí National Interest, nhà báo John Ruehl cho rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tạo ra mối đe dọa cho nền kinh tế, năng lượng và an ninh quốc gia của các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn đã cảm thấy vô cùng hài lòng với kết quả cuộc gặp giữa một thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm và tân Tổng thống Mỹ.
Sự miễn cưỡng thừa nhận của Mỹ
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với đường ống dài 764 dặm nay chỉ còn 60 dặm cần thi công trước khi hoàn tất.
Trong khi đó, Đức và Mỹ vừa qua đã đạt thỏa thuận, trong đó Mỹ lần đầu tiên ngầm chấp thuận đường ống vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức đi qua Biển Baltic.
Dự án này được cho là sẽ khiến châu Âu trở nên phụ thuộc nguồn khí đốt từ Nga, khiến Nga trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho khu vực này.
Mặt khác, Dòng chảy phương Bắc 2 làm dấy lên một số quan ngại rằng, dự án có thể đe doạ nền kinh tế, năng lượng và an ninh quốc gia của các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine.
Chính quyền Mỹ nhận định, việc tiếp tục bày tỏ sự bất đồng với đường ống đã gần hoàn thành chỉ làm căng thẳng quan hệ của nước này với Đức trong khi lợi ích thu được không đáng kể.
Thay vào đó, giải pháp có thể cứu lấy thể diện là hiệp định cam kết thành lập một quỹ hàng tỷ USD để đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và các sáng kiến năng lượng bền vững trên khắp châu Âu.
Khoảng 250 triệu USD đã được ứng trước để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và cải thiện cơ sở hạ tầng an ninh năng lượng của Ukraine.
Hiệp định cũng đồng thời tuyên bố rằng nếu Nga sử dụng năng lượng làm công cụ chính trị hoặc gây hấn quân sự ở Ukraine, Đức sẽ "thúc đẩy các biện pháp hiệu quả ở cấp độ châu Âu", bao gồm cả các biện pháp trừng phạt.
Nhưng dường như chính phủ Ukraine không thực sự được trấn an. Thay vào đó, sự mơ hồ của thỏa thuận này dường như là chủ ý về mặt ngoại giao của chính quyền ông Biden, nhằm miễn cưỡng thừa nhận một dự án có lợi cho cả Nga và Đức.
Một dự án, nhiều mối lo
Đức vốn là thị trường khí đốt sinh lợi nhất của Nga. Đường ống mới sẽ còn tăng gấp đôi kim ngạch xuất nhập khẩu khí đốt giữa hai nước. Đức được nhập khẩu khí đốt với số lượng lớn với giá rẻ hơn, đồng thời biến mình thành trung tâm khí đốt cho Trung và Tây Âu.
Cam kết của Đức đối với dự án là sự tiếp nối cách tiếp cận Ostpolitik (Chính sách hướng Đông) đối với Moscow. Từ cuối những năm 1960, nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Đức tìm cách tăng cường thương mại giữa nước này và Liên Xô, đặc biệt là thông qua các thỏa thuận năng lượng.
Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng lên tiếng phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc ngay sau khi nó được công bố vào năm 2005.
Năm 2015, dự án mở rộng Dòng chảy phương Bắc 2 tiếp tục được “ra mắt” kéo theo sự chỉ trích từ chính quyền ông Barack Obama.
Dự án này làm dấy thêm lo ngại của Washington rằng, đường ống sẽ cung cấp kinh phí cho “chủ nghĩa quân phiệt” của Nga và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của các quốc gia Đông Âu.
Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine vì những bất đồng chính trị nhưng lấy lý do tranh chấp về giá cả, gây ra sự hoang mang khắp châu Âu.
Việc Nga tăng cường nguồn cung khí đốt ở châu Âu đồng thời khiến xuất khẩu khí đốt tự nhiên lỏng (LNG) của Mỹ trở nên khó cạnh tranh hơn ở thị trường này.
Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì các hành động được cho là gây tổn hại tới Ukraine cách đây 7 năm. Đi kèm với đó, EU cũng cam kết giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, nói thì dễ làm thì khó, khối này vẫn liên tục gia tăng phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Và Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ thúc đẩy điều này đi xa hơn nữa.
Berlin hay Washington cũng khó có thể kháng cự được chiến lược dài hạn của Điện Kremlin với mục đích gia tăng ảnh hưởng trên toàn châu Âu.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện trừng phạt đối với các công ty liên quan đến Dòng chảy phương Bắc vào năm 2018, nhưng cũng không thể ngăn cản dự án tiến gần hơn đến ngày hoàn thành.
Tổng thống Joe Biden gần đây đã thừa nhận rằng: “Dòng chảy phương Bắc đã hoàn thành 99%. Bất kì hành động nào cũng không thể dừng nó lại được”.
Tuy nhiên các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn mô tả đó là “một thỏa thuận tồi tệ đối với Đức, một thỏa thuận tồi tệ đối với Ukraine và nói rộng hơn là cả châu Âu”.
Thỏa thuận chứng tỏ Washington ngày càng thấy rõ những nỗ lực nhằm ngăn cản Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ chỉ phá hoại quan hệ với Berlin. Với thỏa thuận mới, Nhà Trắng hy vọng điều này sẽ chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa Berlin và Washington.
Đặc biệt khi bà Angela Merkel rời cương vị Thủ tướng Đức vào tháng 9 tới, đồng nghĩa với việc Mỹ đang tránh việc phải thiết lập lại mối quan hệ với nhà lãnh đạo mới của Đức trong một bối cảnh khó khăn.
Đối với Nga, lợi ích của Dòng chảy phương Bắc 2 khi hoàn thành là vô cùng lớn. (Nguồn: Reuters) |
Nga "hưởng lợi"
Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2 đồng thời làm gia tăng căng thẳng giữa Đức và các nước láng giềng Đông Âu. Cả hai mạng lưới đường ống này đều đi vòng so với các tuyến đường ống hiện có chạy qua Ukraine và các quốc gia Đông Âu khác.
Trước đây, khoảng 40% khí đốt của Nga đến châu Âu đi qua Ukraine trước và EU thường dẫn đầu các nỗ lực đàm phán để hoá giải các tranh chấp. Tuy nhiên, khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, Nga sẽ sớm có thể trừng phạt Ukraina bằng cách hạn chế trung chuyển khí đốt qua nước này mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các khách hàng quan trọng ở Tây Âu, mong muốn của EU thực hiện vai trò trung gian cũng sẽ giảm.
Với việc giảm đáng kể lượng trung chuyển khí đốt của Nga, Kiev không chỉ đối mặt với nguy cơ thiệt hại về kinh tế mà còn khiến chính họ mất đi quyền tiếp cận với một nguồn năng lượng quan trọng. Ngoài ra, các nước Đông Âu kết nối với đường ống của Ukraine cũng phải đối mặt với tình huống khó xử tương tự.
Đối với Nga, lợi ích của Dòng chảy phương Bắc 2 khi hoàn thành là vô cùng lớn. Nó sẽ giúp Moscow trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Tây Âu và gia tăng ảnh hưởng của Điện Kremlin ở khu vực này. Ngoài ra, dự án còn giúp Nga “thu lời” nhiều hơn khi vận chuyển khí đốt trực tiếp đến Đức mà không cần đi qua Đông Âu.
Như một phần lợi tức, dự án cũng mở rộng phạm vi quân sự của Nga. Đồng thời, Moscow đã có sáng kiến tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Baltic để bảo vệ các lợi ích thương mại của mình.
Mỹ và Nga vừa tổ chức nhiều cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva trong khuôn khổ Đối thoại Ổn định Chiến lược, được thiết lập nhằm khuyến khích sự ổn định quan hệ ngoại giao và kiểm soát vũ khí. Bản thỏa thuận với Đức về tình tình của Dòng chảy phương Bắc 2 đã hình thành một phần cơ sở cho việc này.
Tuy nhiên những phàn nàn gay gắt vẫn tiếp tục, không chỉ từ phía Đông Âu mà còn từ các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa Mỹ vì cho rằng, chính quyền ông Biden có ý muốn gia nhập vào lợi ích của Nga với cái giá do phương Tây bỏ ra.