Lễ ký tắt Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa ngày 30/12/1999. (Ảnh: Tư liệu) |
Trong quá trình công tác, ông Vũ Khoan đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng trong Chính phủ như Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, và đặc biệt ông từng là Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về Biển Đông - hải đảo, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc.
Ở trên bất cứ cương vị công tác nào, ông cũng luôn hết mình vì lợi ích quốc gia và dân tộc, tận tâm, tận lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xử lý các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Nhà lãnh đạo tâm huyết, kiên định
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với ba nước là Trung Quốc, Lào, Campuchia và một vùng biển rộng lớn với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng rất nhiều quần đảo, đảo lớn nhỏ. Vấn đề xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, rõ ràng, đầy đủ căn cứ pháp lý và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên đất liền, trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta chú trọng và là khát khao cháy bỏng của nhân dân ta.
Vì vậy, trên mọi trọng trách được giao, ông Vũ Khoan đã nỗ lực hết sức mình và với trách nhiệm cao nhất tham gia tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều quyết sách quan trọng để việc giải quyết các vấn đề biên giới đạt được kết quả, đồng thời bảo đảm mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, giữ vững môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước.
Trong trí nhớ của nhiều cán bộ làm công tác biên giới lãnh thổ, ông Vũ Khoan là một người lãnh đạo đầy tâm huyết, kiên trì bền bỉ, bản lĩnh, tỉ mỉ với từng chi tiết, tác phong làm việc khoa học, cẩn trọng. Trước các cuộc đàm phán, ông luôn cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng, đánh giá từng phương án đàm phán, cân nhắc mọi “chân tơ, kẽ tóc” để tìm ra một phương án phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như lợi ích của quốc gia.
Một trong những cán bộ có thời gian sát cánh bên ông kể lại rằng: “Bác Vũ Khoan” trong đàm phán thì mềm dẻo nhưng kiên định, bất chấp mọi sức ép, không nao núng mà kiên trì thuyết phục bằng những lý lẽ khúc triết dựa trên căn cứ pháp lý. Những cuộc đấu trí và đấu lý về biên giới lãnh thổ kéo dài ròng rã nhiều ngày đêm đã cho thấy ý chí kiên định, kiên trì, cương quyết của Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam.
Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông Vũ Khoan vẫn gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ thông qua các hoạt động trao đổi, đóng góp ý kiến đối với Bộ Ngoại giao. Những bài học kinh nghiệm, những tham mưu, đề xuất và sự tham gia đóng góp trực tiếp của ông đã góp phần không nhỏ vào các thành tựu về biên giới lãnh thổ hiện nay.
Ông luôn nhắc nhở rằng: Việt Nam là nước có cơ sở pháp lý, mình không lấy của ai cái gì nhưng cũng không để mất một tấc đất của đất nước; chúng ta có chính nghĩa, lẽ phải và có căn cứ pháp lý nên cần làm rõ sự thật trắng đen theo tinh thần công khai, minh bạch để nhân dân và bạn bè thế giới hiểu rõ thực chất vấn đề, từ đó đạt được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Năm bài học về công tác biên giới, lãnh thổ
Nhắc đến nhà ngoại giao Vũ Khoan, không thể không nhắc đến những chia sẻ tâm huyết của ông nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Ủy ban Biên giới quốc gia (6/10/1975-6/10/2010) về những bài học kinh nghiệm mà ông đã đúc rút và chia sẻ trong quá trình tham gia giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ.
Một là, biên giới lãnh thổ cả trên đất liền lẫn trên biển, trên không, là một phạm trù cực kỳ phức tạp cho nên cần được nghiên cứu hết sức thấu đáo, khách quan, thực sự cầu thị để hiểu thấu ngọn nguồn cùng những biến thiên trong lịch sử. Chỉ có như vậy mới biết chắc cương vực đất nước ở đâu để bảo vệ và khi nảy sinh tranh chấp thì đàm phán giải quyết.
Hai là, đi liền với sự hiểu biết về biên giới lãnh thổ của nước mình cần tìm tòi để hiểu biết thực tiễn trên thế giới cũng như những quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế để tham chiếu khi xác định và thỏa thuận với các bên hữu quan. Trong một thế giới vô cùng phức tạp và trên một vấn đề nhạy cảm như vấn đề biên giới lãnh thổ, nếu rời bỏ luật pháp quốc tế thì khó bề đi tới những thỏa thuận hợp lý, thậm chí có thể gây căng thẳng, xung đột.
Ba là, do tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề biên giới lãnh thổ nên khi tiếp cận nó cần hết sức cẩn trọng, quyết không thể giản đơn, sơ lược, hồ đồ. Cũng vì tính chất đặc thù của vấn đề biên giới lãnh thổ nên quyết không được đưa ra những chủ trương, thậm chí phát ngôn thiếu cân nhắc kỹ lưỡng, bất luận xuất phát từ động cơ, hoàn cảnh nào.
Bốn là, cũng như trong mọi việc, trong công tác biên giới lãnh thổ cần quán triệt phương châm “lấy dân làm gốc”. Theo phương châm này, nhất thiết cần nâng cao ý thức của dân về biên giới lãnh thổ, làm cho họ hiểu đúng tầm quan trọng và phạm vi chuẩn xác của biên giới lãnh thổ, tranh thủ sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân đối với các giải pháp với bên ngoài và đặc biệt là cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, kể cả điều kiện sống để người dân tự bảo vệ biên giới lãnh thổ. Hàng rào vững chắc nhất để bảo vệ biên giới lãnh thổ là người dân; không lực lượng chuyên trách nào, không phương tiện kỹ thuật nào có thể thay thế họ được.
Năm là, vấn đề biên giới lãnh thổ liên quan tới mọi mặt chính trị, an ninh, kinh tế, sự đồng thuận xã hội, chính sách đối nội và đối ngoại… do đó, cần được xem xét giải quyết trên quan điểm tổng thể. Ở trong nước cần có sự tham gia đẩy trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp. Ở đây cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, nội vụ…; giữa các cơ quan ở Trung ương và các địa phương hữu quan. Ở ngoài nước cần thấu hiểu tâm tư xã hội, quan điểm của các thế lực khác nhau, chủ trương chính sách của các nước hữu quan trong từng thời điểm, về từng vấn đề, thậm chí khu vực thì mới đề ra được đối sách, giải pháp hợp lý.
Do tính nhạy cảm của vấn đề biên giới lãnh thổ nên có thể bị lợi dụng để phục vụ cho những tính toán chính trị trong nước và quốc tế, do đó, cần phân biệt được đâu là những lý lẽ thật sự, liên quan chủ yếu tới nội dung biên giới lãnh thổ, đâu là những hành vi thức thời xuất phát từ yêu cầu chính trị.
Đồng thời, việc tạo dựng và củng cố mối quan hệ láng giềng thân thiện, hợp tác hữu nghị với nước hữu quan chính là một cơ sở quan trọng để giải quyết thuận lợi và gìn giữ vững chắc sự ổn định về biên giới, lãnh thổ.
Ông Vũ Khoan đã ra đi, song di sản của ông để lại cho những người làm về biên giới lãnh thổ là mãi mãi và trở thành hành trang cho các thế hệ tiếp sau. Đó là những lời chỉ bảo chân tình hay những kinh nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.