📞

Đưa thể thao nữ đến gần hơn với công chúng

Đỗ Linh 12:10 | 29/03/2022
Các diễn giả tham dự Tọa đàm chia sẻ cởi mở với góc nhìn đa chiều về vị trí, vai trò của phụ nữ trong thể thao

Ngày 28/3, Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức tọa đàm “Vị trí của phụ nữ trong thể thao”.

Diễn ra tại Hội trường L’Espace, Tọa đàm là một trong những chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 với chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay, vì một ngày mai bền vững”.

Tọa đàm "Vị trí của phụ nữ trong thể thao" do Viện Pháp (Hà Nội) và UN Women phối hợp tổ chức.

Các diễn giả tham dự gồm: bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Cao Huy Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông báo Tuổi Trẻ; nhà văn Trang Hạ; bà Laurence Fischer – Đại sứ Thể thao, Bộ Ngoại giao Pháp; Bà Elisa Fernandez – Trưởng đại diện UN Women Việt Nam; tuyển thủ Huỳnh Như – đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam cùng với người điều phối chương trình là ông Marvin Long Đỗ.

Tại Tọa đàm, khán giả được lắng nghe những câu chuyện của các vận động viên nữ thông qua trải nghiệm thực tế của Huỳnh Như và hành trình cùng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng tinh thần nhiệt huyết với bóng đá và sự ủng hộ to lớn của bố, chị đã chấp nhận đương đầu và vượt qua tất cả. Tấm vé tham dự World Cup 2023 chính là một kết quả xứng đáng với sự nỗ lực hết mình của chị.

Cầu thủ Huỳnh Như chia sẻ câu chuyện về hành trình trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Bà Laurence Fischer khẳng định tầm quan trọng của thể thao trong cuộc sống là mang lại sự phát triển bền vững, toàn diện, giúp con người phát triển tư duy, thể chất. Bà chia sẻ thêm: “Khi chuyển sang thể thao chuyên nghiệp, tôi đã quyết tâm rất cao, đảm bảo song hành giữa thể thao và học tập. Thể thao mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị, sự phát triển bền vững”.

Các diễn giả cũng cùng trao đổi về các chủ đề liên quan đến phụ nữ trong thể thao như: góc nhìn của các gia đình đối với các nữ vận động viên; con đường đi tới thể thao chuyên nghiệp; những khác biệt giữa nam và nữ trong thể thao cũng như những phương pháp khuyến khích phụ nữ tham gia thể thao.

Các khán giả tham gia Tọa đàm đã có những quan điểm khác nhau về những yếu tố tác động đến khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ giới trong thể thao, chẳng hạn như sự quan tâm của dư luận, truyền thông dành cho các môn thể thao nam và nữ tham gia, bộ môn thể thao và nhịp độ trận đấu trên sóng truyền hình, khung thời gian công chiếu…

Diễn giả Cao Huy Thọ đưa ra quan điểm rằng thể chất và giáo dục là 2 yếu tố cần phải song hành và phải được triển khai bài bản từ sớm.

“Thể thao phải đi vào trường học trước tiên, để trẻ em chơi, trẻ em mê, để rèn luyện thân thể. Sức khỏe tốt mới là nền tảng cơ bản của thể thao, chứ không phải là số lượng huy chương, giải đấu. Và khi chúng ta thực sự giải quyết được vấn đề đó thì câu chuyện thể thao đỉnh cao của nam lẫn nữ sẽ phát triển một cách bình thường hơn”.

Bà Lê Thị Hoàng Yến phát biểu về kế hoạch hoạch định chính sách để tạo cơ hội phát triển cho các vận động viên nữ trong tương lai.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ: “Chúng tôi đang tìm cách để thu hẹp khoảng cách này bằng chính sách thúc đẩy xã hội hóa thể thao, truyền thông tốt, ủng hộ hơn với nữ giới, mang lại sự công bằng về chính sách tốt cho thể thao nữ; giúp các nữ vận động viên đảm bảo cuộc sống, yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà”.

Mặc dù hiện nay đã có các mô hình liên kết với các doanh nghiệp trong việc đảm bảo công việc “đầu ra” cho các nữ vận động viên sau khi nghỉ thi đấu đỉnh cao, song các mô hình này vẫn chỉ mang tính thời điểm, cá biệt, theo xu hướng chứ chưa mang tính chiến lược, bài bản.

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho rằng đã đến lúc truyền thông, báo chí cần dành một thời lượng thích hợp dành cho thể thao nữ.

Từ góc độ cơ quan bình đẳng giới của Liên hợp quốc, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho rằng đã đến lúc truyền thông, báo chí cần dành một thời lượng thích hợp dành cho thể thao nữ, để thể thao nữ đến gần hơn với công chúng như thay đổi khung giờ phát sóng, các tin bài cập nhật về cầu thủ, trận đấu. Điều này sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị thế của nữ giới đối với sự phát triển của thể thao.

Tọa đàm diễn ra trong hai tiếng với những chia sẻ cởi mở và góc nhìn đa chiều của các diễn giả về vị trí, vai trò của phụ nữ trong thể thao, đem đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc hơn và khơi gợi nguồn cảm hứng, khích lệ thế hệ trẻ đến gần hơn với thể thao chuyên nghiệp.

Buổi tọa đàm diễn ra thành công với những quan điểm thú vị của các diễn giả.