📞

​Đức: Nghiệp đoàn kêu gọi đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm

15:23 | 08/01/2018
Nghiệp đoàn công nhân ngành luyện kim của Đức IG Metall đã kêu gọi đình công quy mô lớn trong một tuần kể từ ngày 8/1 nhằm phản đối chính sách lương bổng và giờ làm việc hiện nay. 

Những yêu cầu liên quan quyền lợi người lao động của IG Metall được cho không chỉ tác động đến ngành luyện kim - ngành chủ lực của nền kinh tế Đức - thậm chí có thể định hình lại lực lượng lao động trên cả nước. 

Dự kiến, các cuộc đình công sẽ diễn ra ở nhiều nơi, từ bang Nordrhein-Westfalen ở miền Tây đến bang Brandenburg, bang Sachsen và thủ đô Berlin ở miền Đông, và tại các nhà máy sản xuất ô tô siêu hiện đại ở bang Baden-Württemberg.

IG Metall không chỉ đề nghị tăng lương mà còn đề xuất chuyển sang chế độ làm việc 28 giờ/tuần trong 2 năm. (Nguồn: AFP)

Trước đó, tại nhà máy ô tô hạng sang Porsche, một chi nhánh của Volkswagen, công nhân đã tiến hành đình công hôm 4/1. IG Metall đề nghị tăng 6% lương trong năm nay, trong khi con số mà giới chủ đưa ra chỉ là 2%.

Bên cạnh đó, nghiệp đoàn này còn đề nghị cho phép người lao động được tạm thời chuyển sang chế độ làm việc từ 35 giờ/tuần xuống còn 28 giờ/tuần trong 2 năm để chăm sóc con cái hoặc cha mẹ già, và được đảm bảo quyền trở lại làm việc toàn thời gian.

Tuy nhiên, giới chủ lo ngại rằng khoảng 2/3 số công nhân có thể đủ tiêu chuẩn áp dụng quy chế này sẽ khiến các phân xưởng thiếu người làm, và gây ra những vấn đề mới về hành chính.

Họ cũng cho rằng đòi hỏi trên là không công bằng với những người đã chấp nhận giảm lương khi chuyển sang làm việc bán thời gian. Các nhà tuyển dụng cũng cho rằng sự thay đổi lớn như vậy sẽ là trái phép và dọa sẽ kiện ra tòa để chấm dứt đòi hỏi trên. 

Sau các vòng đàm phán mùa Thu 2017 thất bại, bước tiếp theo có thể sẽ là các cuộc đình công quy mô lớn. Nếu hai bên không thể nhất trí nội dung đàm phán trong tháng 1 này, các cuộc đình công có thể kéo dài và gây hậu quả khôn lường. 

Với khoảng 2,3 triệu thành viên, IG Metall là nghiệp đoàn thương mại lớn nhất châu Âu, đại diện cho các công nhân trong mọi tổ hợp công nghiệp như Siemens hay Thyssenkrupp, ngành sản xuất thép, sản suất ô tô, linh kiện điện tử và dệt may.

Riêng khu vực luyện kim và điện tử có 3,9 triệu công nhân, thường là "người tiên phong" trong các thỏa thuận về lương bổng. Sự đối đầu của tổ chức này trong năm 2018 sẽ có thể tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường lao động.

Với việc nền kinh tế Đức được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều mạnh, một thị trường lao động gồm những công nhân có năng lực, lạm phát thấp, dường như hầu hết các "quân bài" đang ở trong tay IG Metall trên bàn đàm phán với giới chủ. 

Các cuộc "đình công cảnh báo" vốn quen thuộc trong các cuộc "mặc cả" tập thể hàng năm ở Đức, theo đó công nhân nghỉ làm trong vài giờ để biểu tình trước cổng nhà máy và quảng trường ở địa phương. Nhưng chưa bao giờ xảy ra cuộc tổng đình công trên cả nước kể từ năm 2003. IG Metall hy vọng lời kêu gọi của mình thu hút 700.000 người tham gia.

(theo AFP)