Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nepal Sher Bahadur Deuba dự lễ khởi công Trung tâm di sản và văn hóa Phật giáo Ấn Độ quốc tế ở Lumbini. (Nguồn: Twitter) |
Ngày 16/5, nhân dịp lễ Phật đản, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm một ngày tới Lumbini (Nepal), nơi sinh của Đức Phật Thích Ca.
Chuyến đi có ý nghĩa quan trọng không chỉ vì đây là chuyến thăm lần thứ năm của ông Modi tới Nepal với tư cách là Thủ tướng Ấn Độ, mà bởi vì đó là biểu hiện sinh động của ngoại giao tôn giáo giữa hai nước.
Chuyến đi về nơi đất Phật gặt hái nhiều “lộc”
Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng chính sách ngoại giao tôn giáo của Thủ tướng Modi chủ yếu nhằm gửi đi các thông điệp chính trị.
Chuyến thăm tới Lumbini với lời khẳng định rằng quan hệ Ấn Độ - Nepal “bền vững như dãy Himalaya” của ông Modi đã làm lu mờ các vấn đề căng thẳng khác giữa hai quốc gia như tranh chấp biên giới hay kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế Phật giáo ở Lumbini, Thủ tướng Modi khẳng định: “Tình hữu nghị ngày càng bền chặt của Ấn Độ - Nepal và sự gần gũi của chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại trước nhiều vấn đề toàn cầu đang nổi lên”.
Nhân dịp này, Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Nepal Sher Bahadur Deuba đã cùng nhau đặt những viên gạch nền móng để xây dựng Trung tâm di sản và văn hóa Phật giáo Ấn Độ quốc tế tại một khu đất thuộc Liên đoàn Phật giáo quốc tế (IBC) ở Lumbini.
Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành nơi để học hỏi và giao lưu văn hóa hiệu quả giữa Ấn Độ và Nepal. Chia sẻ trên Twitter về niềm vui khi cùng Thủ tướng Sher Bahadur Deuba làm một việc đầy ý nghĩa, ông Modi khẳng định Trung tâm này sẽ củng cố mối liên hệ chung về Phật giáo giữa Ấn Độ và Nepal, đồng thời truyền bá phổ biến hơn nữa những lời dạy và lý tưởng cao đẹp của Đức Phật.
Hai nhà lãnh đạo cũng tưới nước cho cây bồ đề từ Bodh Gaya được ông Modi tặng trồng ở Lumbini trong chuyến thăm vào năm 2014 và ký vào sổ lưu niệm của ngôi chùa.
Trên thực tế, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Lumbini mang tính chất tôn giáo, song cũng đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực khác.
Chuyến thăm đã tạo động lực duy trì các cuộc đối thoại giữa Ấn Độ và Nepal trong nhiều vấn đề. Một số kết quả đáng chú ý trong chuyến thăm là thỏa thuận phát triển các dự án thủy điện với vốn đầu tư của Ấn Độ, năm biên bản ghi nhớ về giáo dục và văn hóa, cùng đề xuất của Thủ tướng Sher Bahadur Deuba về việc bổ sung các tuyến đường hàng không từ Bhairawa, Mahendranagar, Nepalgunj và Janakpur.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Modi thực hiện một chuyến thăm ngoại giao tôn giáo tới Nepal. Trước đây, Thủ tướng Modi cũng từng đến thăm Janakpur (nơi sinh của Công chúa Sita trong Sử thi Ramayana của Ấn Độ), và đền Muktinath (một ngôi đền thiêng liêng đối với cả người theo đạo Hindu và đạo Phật), nhằm tăng cường mối quan hệ tôn giáo và văn hóa với quốc gia láng giềng.
Hai chuyến thăm này từng làm xôn xao các phương tiện truyền thông Ấn Độ, quảng bá Nepal như một điểm đến du lịch tôn giáo của người Ấn Độ.
Mô hình du lịch tôn giáo này cũng đã được Saudi Arabia áp dụng thành công với Thánh địa Mecca và Medina, qua đó tăng cường mối quan hệ với nhiều quốc gia khác thông qua trao đổi văn hóa và tôn giáo.
Thủ tướng Narendra Modi thăm đền Maya Devi nhân dịp lễ Phật đản. (Nguồn: Twitter) |
Củng cố niềm tin chính trị
Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, việc sử dụng quyền lực mềm của New Delhi trong chính sách đối ngoại đã được đề cập nhiều lần, chẳng hạn như việc quảng bá văn hóa Ấn Độ thông qua Ngày quốc tế Yoga, hình ảnh toàn cầu của anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi và sự phổ biến âm nhạc và phim ảnh Ấn Độ trên khắp thế giới.
Ngày nay, ngoại giao văn hóa có kết hợp các khía cạnh tôn giáo vào thực tiễn quan hệ quốc tế, là công cụ ngoại giao đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Tác giả Samuel Huntington trong cuốn sách nổi tiếng mang tên Sự va chạm giữa các nền văn minh từng chỉ ra rằng, tôn giáo là yếu tố xác định của văn hóa, do đó, mối quan hệ văn hóa tốt đẹp có thể củng cố quan hệ giữa các quốc gia.
Các cuộc xung đột ở Iraq hay Afghanistan cũng dạy cho thế giới bài học khắc nghiệt rằng thu hẹp khoảng cách giữa các lĩnh vực chính trị và tôn giáo rất quan trọng cho cả quá trình xây dựng hòa bình và xây dựng đất nước.
Khi có sự chia rẽ giữa hai quốc gia, ngoại giao tôn giáo có thể giúp hàn gắn, khi các bên có thể nhìn thấy một phần của bản thân từ chính đối thủ của mình.
Trong ngoại giao song phương, các nhà lãnh đạo tôn giáo đa tín ngưỡng thường phối hợp với các nhà ngoại giao và các chuyên gia tìm giải pháp cho các vấn đề chính sách đối ngoại phức tạp như xung đột, ổn định và hòa bình.
Ngoại giao tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy văn hóa và đối thoại giữa các tôn giáo, thu hẹp khoảng cách giữa con người và xã hội. Trong thế giới hiện nay, sự tương tác giữa tôn giáo và ngoại giao ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Trên cơ sở đó, hòa giải tôn giáo và xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong chấm dứt những cuộc xung đột kéo dài.
Nằm ở phía Tây Nepal, Lumbini là di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Nơi đây tiếp đón hàng trăm nghìn người hành hương mỗi năm. Nepal có kế hoạch thiết lập đường bay trực tiếp giữa Lumbini với các quốc gia có cộng đồng Phật giáo như Campuchia, Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Myanmar và Ấn Độ. |
Phát huy quyền lực mềm thông qua tôn giáo
Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra là làm thế nào Nepal có thể sử dụng hiệu quả chính sách ngoại giao tôn giáo để tăng cường quan hệ với Ấn Độ?
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal đã tồn tại từ nhiều thế kỷ giữa con người với con người, dựa trên liên hệ lịch sử, xã hội và văn hóa.
Ông Modi từng nhấn mạnh rằng: “Những sợi dây của nền văn minh, văn hóa và sự giao lưu lẫn nhau của hai nước đã được liên kết từ thời cổ đại”.
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng Tư, Thủ tướng Deuba cũng khẳng định rằng mối quan hệ song phương này “rất quan trọng” và Kathmandu “mong muốn hưởng lợi từ sự tiến bộ của Ấn Độ thông qua quan hệ đối tác kinh tế cùng có lợi”.
Lời cầu nguyện chung cho một thế giới hòa bình và thịnh vượng của Thủ tướng Modi và người đồng cấp Deuba nhân lễ Phật Đản đã gửi thông điệp rõ ràng đến thế giới rằng Ấn Độ và Nepal gần gũi đến nhường nào về văn hóa, lễ hội, tôn giáo, ngôn ngữ và truyền thống.
Trong bảy năm qua, đã có nhiều thăng trầm trong quan hệ Ấn Độ - Nepal, bao gồm cả vấn đề kinh tế và tranh chấp biên giới lãnh thổ. Hai vấn đề này đã làm ngưng trệ các kênh liên lạc ngoại giao giữa New Delhi và Kathmandu trong một thời gian.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Janakpur (Nepal) và chuyến thăm của Thủ tướng Deuba đến Varanasi (Ấn Độ) đã giúp mở lại các kênh liên lạc này.
Từ thiên hướng coi trọng các nghi lễ tôn giáo của Thủ tướng Modi và lợi thế là điểm đến của các cuộc hành hương về đất Phật, Nepal có thể tiếp tục phát huy quyền lực mềm của mình một cách thận trọng thông qua ngoại giao tôn giáo.
Nếu kết hợp khéo léo ngoại giao tôn giáo với các phương tiện và kênh ngoại giao chính thống để duy trì đối thoại, hai nước có thể tìm ra các giải pháp thân thiện cho các vấn đề còn tồn tại.
| Hàng triệu tín đồ Hồi giáo Ấn Độ chào đón ngày lễ Eid Al-Fitr, kết thúc tháng lễ Ramadan Hàng triệu tin đồ Hồi giáo ở Ấn Độ đã chào đón ngày lễ Eid Al-Fitr linh thiêng, đánh dấu ngày kết thúc tháng lễ ... |
| Đức và Ấn Độ ra tuyên bố chung kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông Trong tuyên bố chung ngày 2/5, Đức và Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự ... |