📞

Đứng giữa căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Nhật Bản lựa chọn đường lối 'sắc sảo'

Phương Nhật 14:40 | 22/02/2022
Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, đặc biệt là căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, là một nước rất khó 'chọn bên' Nhật Bản lựa chọn đường lối 'sắc sảo' cho chính sách ngoại giao của mình.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 17/2. (Nguồn: Bloomberg)

Đương đầu với thách thức

Phát biểu khai mạc phiên họp Quốc hội Nhật Bản ngày 17/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đây sẽ là năm kiểm chứng mức độ sắc sảo của ngoại giao Nhật Bản”.

Ông nói tiếp: “Tôi sẽ đứng ở vị trí tiên phong, vững vàng giương cao ngọn cờ lý tưởng cho tương lai và nhìn thẳng vào tình hình thực tế, theo đuổi ‘chủ nghĩa ngoại giao hiện thực cho một kỷ nguyên mới”.

Điều đáng nói là vài tuần sau đó, phiên bản tiếng Anh của bài phát biểu trên đã có một số thay đổi.

Trong khi bản dịch tiếng Anh ban đầu do Văn phòng Nội các Nhật Bản phát hành thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Kishida về chính sách ngoại giao của nước này là “cứng rắn nhưng có thể thích ứng”, thì gần đây đã được đổi thành “sắc sảo”, như trong “ngoại giao sắc sảo” (shitatakana gaikō), có lẽ là để loại bỏ bất kỳ ý nghĩa tiêu cực nào được suy từ bản gốc tiếng Nhật.

Việc chính quyền Nhật Bản cố gắng truyền đạt cho thế giới một quan điểm ngoại giao thực tế, bền vững và linh hoạt là điều dễ hiểu trong bối cảnh môi trường quốc tế đang có nhiều xáo trộn do căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, những thay đổi đối với trật tự quốc tế cũng như xung đột địa kinh tế vốn có thể “vũ khí hóa” các nền kinh tế.

Thách thức ngoại giao lớn nhất của Nhật Bản là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden và nước Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump không khác gì “hai mặt của một đồng xu”.

Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đột ngột công bố thỏa thuận an ninh ba bên cùng Australia và Vương quốc Anh (AUKUS) trước khi thông báo cho một đồng minh khác là Pháp.

Hơn nữa, “chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu” của ông Biden có lẽ chỉ như một tên gọi khác của chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump. Mỹ đã bác bỏ ý tưởng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giống như một quyết định trước đây và hiện đang kêu gọi xây dựng một “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẵn sàng tận dụng tối đa trật tự quốc tế hiện nay nếu điều này phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu những lợi ích đó không được đảm bảo, Bắc Kinh sẽ tìm cách làm suy yếu một cấu trúc cụ thể hoặc tạo ra một cấu trúc song song.

Việc Mỹ đang có nhiều xáo trộn ở trong nước và thiếu đi một chính sách đối ngoại nhất quán là những mối lo ngại lớn đối với chính quyền Thủ tướng Kishida.

Chính sách đối ngoại của Mỹ càng bị chính trị trong nước chi phối thì Mỹ càng ít có khả năng phản ứng với những diễn biến ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây có thể là “bình thường mới”. Tuy nhiên, Nhật Bản có nguy cơ bị cô lập khỏi phần còn lại của châu Á nếu Mỹ lôi kéo đồng minh rút lui cùng nước này.

Mỹ là một đồng minh mà Nhật Bản không thể từ bỏ. Trung Quốc hiểu điều này và đang chờ đợi Nhật Bản mất đi những thiện chí còn lại dành cho Mỹ.

Đây là lý do tại sao chính sách đối ngoại của Nhật Bản cần sự sắc sảo. Điều này cũng có nghĩa là Nhật Bản cần triển khai một chính sách ngoại giao linh hoạt và khôn ngoan để đóng vai trò xây dựng bằng cách buộc Mỹ can dự thay vì chia rẽ châu Á, đồng thời thúc ép Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế thay vì mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ.

Trùng hợp thay, những từ như “sắc sảo” và “cứng rắn nhưng có thể thích ứng” đã từng được sử dụng để mô tả chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Chúng thậm chí còn xuất hiện trong tiêu đề một cuốn sách năm 1975 của tác giả người Nhật Takehiko Tadokoro có tên Shitatakana Rinjin: Chūgoku (Tạm dịch là "Trung Quốc: Người láng giềng sắc sảo của chúng ta"). Một khi xác lập được mục tiêu, Trung Quốc sẽ không ngừng theo đuổi việc hiện thực hóa mục tiêu của họ.

Tích cực các nỗ lực ngoại giao quốc tế

Hiện nay, Nhật Bản cũng đang tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao quốc tế như hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine. Phát biểu trước Quốc hội ngày 21/2, Thủ tướng Kishida khẳng định cùng nhiều nước trên thế giới, Tokyo đang tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine.

Theo Thủ tướng Kishida, trong ngày 17/2, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã kêu gọi các bên không tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và tìm kiếm giải pháp dựa trên tinh thần đồng thuận thông qua đàm phán ngoại giao.

Thủ tướng Kishida đánh giá đây không chỉ là vấn đề đối với châu Âu mà còn là của toàn thể cộng đồng quốc tế, trong đó có châu Á.

Cùng trong ngày 21/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo Thủ tướng Kishida sẽ tham dự hội nghị trực tuyến Nhóm Các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) để thảo luận về tình hình Ukraine.

Hội nghị do Đức chủ trì, là một phần nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Trước đó, Nhà Trắng cũng thông báo Tổng thống Biden có kế hoạch thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine với các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/2 tới.

Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo các nước G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) cũng sẽ thảo luận về các ưu tiên trong năm Chủ tịch của Đức.

(theo The Hill)