Đau thương dồn dập
Cuối tháng Tư, đầu tháng Năm vừa qua, trong thời tiết oi bức chuyển mùa, người dân đã phải đón nhận hàng loạt những thông tin tang tóc liên quan đến những vụ đuối nước của trẻ nhỏ.
Đó là trưa ngày 15/4, khi người dân xung quanh khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà nghe tiếng la thất thanh nên chạy đến tìm kiếm, ứng cứu. Đến nơi thì thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng sông. Nhiều người lao xuống nhưng không kịp.
Theo ông Võ Văn Dương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, 8 học sinh chết đến dưới bến sông Trà Khúc và 1 em chết trên đường đưa đi cấp cứu đều là học sinh lớp 6, trường THCS Nghĩa Hà. Theo nhận định của ông Dương, ban đầu có một học sinh sa chân xuống hố sâu, nhóm bạn đổ xô ứng cứu nhưng không thành, sau đó dẫn đến vụ tai nạn thương tâm.
Có mặt tại nơi tìm được thi thể các học sinh, người thân gia đình các em rất bàng hoàng, đau đớn trước cái chết bất ngờ của con em mình. Nhiều người đã ngất xỉu vì không chịu đựng nổi.
Ngay sau đó, ngày 20/4, tại xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cũng có nhóm 7 nữ sinh lớp 7 ở xã Cam Phước Đông (Tp. Cam Ranh) đi chơi và tắm ở hồ thủy lợi khiến 2 em tử vong, 5 em còn lại được hai cậu bé chăn bò cứu sống.
Tiếp đến, ngày 4/5, tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) lại xảy ra vụ đuối nước làm 4 nữ sinh tử vong. Trưa hôm đó, một nhóm khoảng 10 học sinh lớp 7 của Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) rủ nhau đến bãi biển xã Vạn Thọ cách nơi ở các em hơn 7km để chơi và tắm biển.
Dù biển lặng, sóng nhẹ nhưng chưa rõ lý do gì khiến 4 nữ sinh Phạm Thị Kim Thoa (14 tuổi), Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Ngọc Loan Châu và Cao Trang Nhi (cùng 13 tuổi) chết đuối.
Chỉ 2 ngày sau vụ tai nạn thương tâm ở Khánh Hòa là vụ đuối nước xảy ra ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa (Long An). 3 học sinh chết đuối đều 7 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Tân Tây, học sinh Trường tiểu học xã Tân Tây. Trước đó, cả 3 em rủ nhau đi chơi. Lâu sau, không thấy các em về, người thân của các em mới tá hỏa đi tìm thì phát hiện xe đạp và quần áo của các em bên bờ kênh Nam Lộ ở ấp 1. Mọi người mò dưới kênh tìm được thi thể cả 3 em và đưa về gia đình lo hậu sự. Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An xác định, cả 3 em đều tử vong do bị chết ngạt dưới nước.
Không nhất thiết phải có hồ bơi hiện đại mới có thể dạy – học bơi. (Nguồn: Thể thao TT) |
Gióng mãi những hồi chuông?
Nói việc đuối nước ở trẻ em là việc “đến hẹn lại lên” mỗi khi Hè về thì có vẻ vô tâm, nhưng nếu xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng không có bất cứ động thái nào nhằm ngăn chặn thực trạng đau lòng này thì đó thực sự là sự vô cảm và có tội với con trẻ.
Kịch bản thường thấy là khi thời tiết nóng nực, một nhóm trẻ rủ nhau đi tắm ở ao, sông, hồ hay biển… mà đa phần các cháu không biết bơi. Khi gặp sự cố thì các cháu thường hoảng loạn rồi cùng ôm chặt nhau, nên tất cả đều bị đuối nước.
Hiện nay, ở các vùng quê còn rất rất thiếu thốn điều kiện để người dân tiếp cận được những thông tin, các lớp dạy kỹ năng sống. Những người cha, người mẹ trụ cột trong gia đình còn phải phải bươn chải mưu sinh khiến con cái của họ lại càng thiếu thốn những kiến thức, kỹ năng sống tối thiểu.
Nếu xã hội chỉ dừng lại ở sự thương cảm, ở sự thăm hỏi và hỗ trợ đôi chút về vật chất đối với gia đình có trẻ bị nạn sẽ là cách giải quyết vấn đề ở phần ngọn, không khoa học và lâu dài. Nhiều phụ huynh cho rằng, hiện nay con trẻ bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức cao siêu mà không được rèn thể chất, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống, nhận dạng hiểm nguy và thoát hiểm. Nếu cứ để con trẻ học thêm tối ngày để lấy thành tích, trong khi kiến thức để tồn tại trong chính cuộc sống đời thường bị bỏ qua thì khi xảy ra tai nạn, tất cả sẽ là vô nghĩa.
Riêng về chuyện dạy – học bơi, không nên đưa lý do chi phí xây dựng hồ bơi lớn để trì hoãn việc dạy bơi cho con trẻ. Kinh nghiệm ở Đồng Tháp là các thầy dạy bơi chỉ cần bao lưới dọc bờ rạch là có được một “bể bơi” an toàn để dạy bơi cho hàng chục em. Kết quả là qua khóa học chừng 1 , 2 tháng (chỉ 5-10 buổi học bơi) là các em đã biết bơi thực sự.
Tuổi trẻ rất thích khám phá, nhà trường và gia đình lại không thể bên các em mọi lúc mọi nơi. Đó chính là nguyên do mà mỗi khi Hè về, những hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội trước nạn đuối nước của trẻ nhỏ lại gióng lên. Nhưng, đừng để những hồi chuông cứ gióng mãi.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất Chính phủ cho phép" xã hội hoá bể bơi trường học" và đưa môn học Kỹ năng sống sót vào trong chương trình dạy – học trong nhà trường. Có kỹ năng sẽ có cơ hội để rèn luyện nâng cao khả năng sống sót khi có chuyện không may xảy ra.