TIN LIÊN QUAN | |
Tìm tiếng nói chung để hoàn thành mục tiêu Bogor | |
Gắn thực hiện Mục tiêu Bogor với bảo đảm bền vững trong phát triển |
Năm 1994, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 tại Bogor (Indonesia) đã nhất trí thông qua các Mục tiêu Bogor, thể hiện quyết tâm theo đuổi tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển. Gần 23 năm đã trôi qua, Bogor vẫn là mục tiêu ưu tiên và xuyên suốt nhất của APEC, cơ bản đạt những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Niềm tin ở Mục tiêu Bogor
Trong hành trình theo đuổi Mục tiêu Bogor, nhờ nỗ lực tập thể của các nền kinh tế thành viên, APEC đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về tự do hoá thương mại và đầu tư, thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Theo "Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogor” được APEC công bố năm 2016, mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường hiện nay của APEC đã vượt xa rất nhiều so với thời điểm Mục tiêu Bogor được đưa ra.
Gần 23 năm đã trôi qua, Bogor vẫn là mục tiêu ưu tiên và xuyên suốt nhất của APEC. |
Về mở cửa thị trường, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thương mại hàng hoá từ 1994 đến 2014 là 7,8%, đạt 18,4 nghìn tỷ USD. Thương mại nội khối đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn này. Ngoài ra phải kể đến mức thuế quan MFN trung bình trong khu vực APEC giảm một nửa từ 11% năm 1996, xuống còn 5,5% năm 2014. Số dòng hàng hoá hưởng thuế suất 0% trong APEC tăng từ 27,3% vào năm 1996, lên 45,4% năm 2014.
Ngoài ra, APEC cũng đạt được thành tích nổi bật về thuận lợi hoá thương mại với số ngày thông quan hàng hóa đã giảm xuống một cách rõ rệt, lĩnh vực logistics được cải thiện nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Mức độ mở cửa cao về thương mại và đầu tư, cũng như chú trọng tạo thuận lợi cho thương mại đã đưa APEC trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới, đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng chung của khu vực. Trong giai đoạn 1993-2002, số lượng người nghèo đói trong khu vực đã giảm hơn 802 triệu người.
Mức độ tự do hoá sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại khu vực (RTA). Chỉ khoảng 10 năm (từ 1996-2015), số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152, với 61 hiệp định được ký kết giữa các thành viên APEC.
APEC còn được coi là “cơ chế khởi xướng ý tưởng” liên kết khu vực, hội nhập gắn với phát triển. Trên thực tế, APEC còn là nơi để các nền kinh tế thành viên thử nghiệm, thúc đẩy những ý tưởng về tự do hoá, thậm chí cả những nội dung gai góc, gặp nhiều trở ngại tại các khuôn khổ đa phương khác.
Chặng cuối cùng khó khăn
Tuy nhiên, mục tiêu về thời gian 2020 đang đến rất gần, nhưng xem ra chặng cuối của con đường vẫn rất gập gềnh và đầy chông gai. Đầu tiên phải kể đến sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế, cho dù khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể so với hơn 20 năm trước. Nhưng hiện tại, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới là 17.348 tỷ USD (năm 2014), vẫn gấp gần 1.000 lần Papua New Guinea, hơn 500 lần Brunei và hơn 108 lần New Zealand.
Hàng rào thuế quan trong khu vực APEC đã giảm đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua, tuy nhiên, nhiều hàng rào phi thuế quan mới lại được dựng lên. Trong báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới Mục tiêu Bogor công bố hồi tháng 11/2016, Nhóm hỗ trợ chính sách APEC (PSU) cho biết trong giai đoạn 2010-2015, số lượng vụ kiện chống bán phá giá của các nền kinh tế thành viên APEC tăng 11,2%, các biện pháp đối kháng tăng 38,5%, các biện pháp bảo hộ tăng 104,2%, bảo hộ đặc biệt tăng 13%, các biện pháp tự vệ đặc biệt, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) tăng 16,2% và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tăng 56,4%. Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada và Australia lại là những nền kinh tế sử dụng các biện pháp bảo hộ nhiều nhất.
Cùng với hàng rào phi thuế quan, những bất đồng về quan điểm, những tranh cãi vẫn đang gia tăng cả về kinh tế lẫn chính trị giữa các nền kinh tế APEC trong thời gian gần đây, đang được xem là những rào cản đáng kể đối với quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đã khác xa so với thời điểm Mục tiêu Bogor được đề ra, không ít thách thức mới, không kém phần phức tạp vẫn tiếp tục xuất hiện trên con đường tới Bogor.
Hy vọng bước tiến mới
Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy ở một số nền kinh tế thành viên và đang trở thành rào cản đối với quá trình tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực. Trong khi đó, thời hạn hoàn thành các Mục tiêu Bogor đang tới rất gần.
Với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến lớn cho năm 2017 và việc tiếp tục đưa “đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu Bogor” là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự.
Quá trình thảo luận và trao đổi tại các ủy ban/nhóm công tác của APEC cho thấy các nền kinh tế đánh giá cao các sáng kiến/đề xuất của Việt Nam. Nhiều nền kinh tế đồng ý hỗ trợ, đồng bảo trợ các sáng kiến, đề xuất đó. Điều đó cho thấy, cho dù “con đường tới Bogor” còn nhiều chông gai, nhưng kỳ vọng về những bước tiến mới trong APEC sau Hội nghị Cấp cao ở Đà Nẵng là có cơ sở.
APEC: Thực hiện mục tiêu Bogor và hướng tới tương lai Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu nửa chặng đường của Năm ... |
APEC 2017: Tăng cường tính toàn diện trong tự do hóa thương mại Theo Mục tiêu Bogor, đến năm 2020, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ đạt được tự do hóa thương mại trong khu vực. ... |
Việt Nam ủng hộ đạt được Mục tiêu Bogor vào 2020 Hội nghị cấp bộ trưởng Thương mại lần thứ 19 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra trong ... |