Tác giả Nick Ut và Đại sứ thiện chí của Tổ chức Unesco - Bà Phan Thị Kim Phúc tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II.(Ảnh: Internet). |
Nhân vật trong bức ảnh “Em bé Napalm” chính là bà Phan Thị Kim Phúc, năm nay đã 55 tuổi. Là người Việt Nam, nhưng bằng những nỗ lực của mình cho hòa bình, bà đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí.
Bà Kim Phúc đã trở nên nổi tiếng vào năm 1972, với bức ảnh chụp khi bà đang là một đứa trẻ 9 tuổi bị bỏng vì bom Napaln và trần truồng chạy trốn trên đường cùng với những đứa trẻ khác.
Bà Phan Thị Kim Phúc |
Phát biểu khi tuyên bố quyết định trao giải hôm 6/12, Đại diện Tổ chức Những người bạn Dresden nêu rõ: Chúng ta đã phải ở trong những khoảng khắc mà hận thù hay được nhắc đến. Nhưng may mắn là chúng ta đang được sống ở thế giới của hòa bình và sự tha thứ, nên chính những người là nạn nhân của bạo lực và chiến tranh lại là lý do để hận thù đó mờ đi”.
Ngày 8/6/1972, nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út (Nick Ut) của hãng thông tấn AP vừa tròn 21 tuổi, đang là phóng viên chiến trường. Ông tới chiến trường Tây Ninh và đã chụp được những bức ảnh ngay thời điểm trận không kích đang diễn ra tại Trảng Bàng.
Và “Em bé Napalm” với trung tâm bức ảnh là em bé Kim Phúc, 9 tuổi, đau đớn và kêu khóc khi đang chạy trên đường để tránh bom, Quần áo của cô bé bị thiêu cháy, từng mảng da rộp lên vì bỏng, Bức ảnh đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh ở Việt Nam, cũng như thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ.
Bức ảnh “Em bé napalm” của Nick Ut đã giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer (Ảnh: Nick Ut) |
Đối với Kim Phúc, sự rộng lượng tha thứ cho những người gây ra tội ác năm xưa cũng giúp cô thoát khỏi cuộc sống thù hận. Cô đi khắp nơi trên thế giới để nói chuyện về nghị lực sống và vượt lên hoàn cảnh. "Rất nhiều người đã giúp đỡ tôi tìm lại con đường sống, trao cho tôi tương lai này. Bây giờ, tôi rất muốn giúp lại những người khác", Kim Phúc tâm sự.
Vì vậy, "Tôi muốn câu chuyện của tôi sẽ mang lại niềm hy vọng cho người khác. Nếu họ đang tìm kiếm sự tha thứ, tôi vẫn sẵn lòng", bà Phan Thị Kim Phúc trả lời tờ Boston Globe.
Lễ trao giải thưởng trị giá 10.000 Euro này sẽ được tiến hành trọng thể ngày 11/2/2019 ở nhà hát Semperoper, Dresden.