Liên minh châu Âu (EU) muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm chống lại các thách thức từ Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Tìm kiếm quan hệ đối tác thương mại
Theo Nikkei Asia, EU sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đồng thời hướng đến quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với Đài Loan (Trung Quốc) trong nỗ lực của khối nhằm xây dựng tầm ảnh hưởng ở châu Á sau khi quân đội phương Tây rút khỏi Afghanistan.
Theo bản thảo tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Nikkei Asia cung cấp, EU cũng sẽ tìm cách củng cố chuỗi giá trị bán dẫn với các đối tác châu Á, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng lo ngại về các lỗ hổng của chuỗi cung ứng công nghiệp.
Trung Quốc đang là trung tâm trong các mối lo ngại của liên minh kinh tế-chính trị này, mặc dù tài liệu trên kêu gọi "can dự nhiều mặt" với Bắc Kinh và không đưa ra những chỉ trích trực tiếp.
Thay vào đó, dự thảo chiến lược cảnh báo rằng, căng thẳng xung quanh các vùng lãnh thổ và vùng biển đang tranh chấp, chẳng hạn như Biển Đông và eo biển Đài Loan, "có thể tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của châu Âu".
Bản thảo cũng đề cập việc các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền đang bị đe dọa bởi các chế độ độc tài, khiến cho sự ổn định của khu vực đứng trước rủi ro.
Tin liên quan |
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và sứ mệnh ngoại giao ở Đông Nam Á |
Bên cạnh đó, những nỗ lực nhằm thiết lập một sân chơi bình đẳng toàn cầu dựa trên các quy tắc thương mại minh bạch ngày càng bị phá hoại bởi các hành vi thương mại không công bằng và ép buộc kinh tế. Những diễn biến này làm gia tăng căng thẳng trong thương mại, chuỗi cung ứng và giá trị.
Cũng theo tài liệu trên, EU đề xuất khảo sát khả năng đàm phán về các thỏa thuận đối tác kỹ thuật số, nguồn cung cấp chất bán dẫn nhập khẩu với một số đối tác châu Á như Tokyo, Seoul, Singapore...
Điều này sẽ giúp tăng cường hợp tác cũng như khả năng tương tác của các tiêu chuẩn công nghệ mới nổi, giải quyết vấn đề phụ thuộc chiến lược vào nguồn cung cấp chất bán dẫn nhập khẩu.
Tham gia vào thể chế an ninh khu vực
Bên cạnh thương mại, bản thảo tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng bày tỏ sự quan tâm đến hợp tác với Bộ tứ (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) về các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, công nghệ hoặc vaccine ngừa Covid-19.
Các khía cạnh quân sự của chiến lược này lại ít đi vào chiều sâu hơn. Điều đó phản ánh cả năng lực quân sự chung hạn chế của khối và việc EU tiếp tục phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ trong các vấn đề lớn - một sự phụ thuộc điển hình trong vấn đề Afghanistan.
EU lên kế hoạch tổ chức nhiều hơn các cuộc tập trận chung và ghé thăm cảng với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm bảo vệ tự do hàng hải và chống cướp biển.
Khối cũng sẽ đánh giá xem có nên chỉ định “khu vực biển quan tâm” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không, vì điều này sẽ cho phép triển khai các tàu và máy bay của các quốc gia thành viên hiện có trong khu vực.
EU từ chối đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về dự thảo tài liệu, nói rằng Brussels không bình luận về những rò rỉ bị cáo buộc.
| Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihde sẽ tới Mỹ dự Thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp lần đầu tiên Ngày 14/9, Chánh Văn phòng Nội các và Ngoại trưởng Nhật Bản xác nhận, Thủ tướng nước này Suga Yoshihide sẽ tham dự Hội nghị ... |
| Ấn định ngày gặp mặt, lãnh đạo nhóm Bộ tứ chuẩn bị 'tụ hội' tại Nhà Trắng Ngày 13/9, theo một quan chức cấp cao của Mỹ, Tổng thống nước này Joe Biden sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp ... |