📞

FTA Ấn Độ-Đài Loan (Trung Quốc): Bước khởi động cho những hợp tác chiến lược

Hiền Thu 19:06 | 31/05/2022
Nhà nghiên cứu cao cấp Abhijit Mukhopadhyay thuộc Chương trình Kinh tế và phát triển của Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) nhận định rằng, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ đang tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại khi bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hai nền kinh tế Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều dư địa hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng. (Nguồn: ANI)

Phù hợp với lợi ích song phương

Kể từ đầu những năm 1990, sau khi chính phủ Ấn Độ khởi xướng chính sách Hướng Đông, Đài Loan và Ấn Độ bắt đầu tiếp cận nhau với tầm nhìn dài hạn về hợp tác sâu sắc hơn.

Tháng 7/2011, hai bên ký hai hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và hỗ trợ lẫn nhau về hải quan nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại.

Gần đây, mối quan hệ này có thêm động lực đáng kể sau khi Đài Loan quyết định khởi xướng chính sách Hướng Nam mới, đồng bộ hóa tốt với chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ. Sự gắn bó sâu sắc hơn dẫn đến việc ký kết và nâng cấp các hiệp định đầu tư song phương năm 2002 và 2018.

Tiếp tục đà phát triển, Ấn Độ và Đài Loan bắt đầu đàm phán FTA vào tháng 12/2021.

Đây là bước tiến quan trọng hướng tới hợp tác kinh tế giữa hai bên sâu rộng hơn. Từ phía Ấn Độ, điều này phù hợp với mong muốn hiện tại của nước này trong việc mở rộng thương mại thông qua các sáng kiến song phương và đa phương khác nhau.

Thương mại song phương Ấn Độ và Đài Loan tăng từ 2 tỷ USD năm 2006 lên 5,7 tỷ USD năm 2020, ghi nhận mức tăng trưởng 185%.

Dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) từ Đài Loan tăng gần 10 lần trong giai đoạn 2017-2018 và 2018-2019. Luồng vốn FDI tích lũy từ Đài Loan vào Ấn Độ đạt 698,6 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 12/2021.

Dữ liệu thương mại hàng tháng mới nhất cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt trong hoạt động xuất nhập khẩu của Ấn Độ sang Đài Loan.

Tuy nhiên, khối lượng thương mại song phương vẫn ở mức thấp so với tiềm năng. Điều này thể hiện rõ qua tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu rất nhỏ.

Về đầu tư, khoảng 106 công ty Đài Loan - với tổng vốn đầu tư (thực tế và đề xuất) khoảng 1,5 tỷ USD đang hoạt động tại Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, thiết bị y tế, linh kiện ô tô, máy móc, thép, điện tử, dịch vụ xây dựng, kỹ thuật và tài chính vào cuối năm 2018.

Gần đây, Ấn Độ đã và đang tích cực thúc đẩy hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. Cả hai bên cũng thành lập các nhóm mở rộng sự hợp tác hiệu quả trong giáo dục và phát triển kỹ năng.

Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) và Viện Khoa học và Công nghệ không gian Ấn Độ (IISST) đã hợp tác với Tổ chức Không gian Đài Loan trong các dự án khác nhau.

Một lĩnh vực hợp tác có thể có khác là năng lượng xanh. Ấn Độ là quốc gia thiếu năng lượng nhưng cần phải thực hiện chuyển đổi từ năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh tái tạo.

Mặt khác, Đài Loan là một trong những nền kinh tế châu Á lớn về năng lượng xanh và có thể đóng vai trò "thay đổi cuộc chơi" đối với Ấn Độ trong giai đoạn này.

Mong ước về một trung tâm bán dẫn

Thế mạnh chính của Đài Loan là trong lĩnh vực máy móc và thiết bị điện.

Trọng tâm hiện tại của Ấn Độ là tận dụng lợi thế này của Đài Loan. Các cuộc đàm phán FTA đang xoay quanh đề xuất xây dựng một cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ được cho là đã đề xuất một số địa điểm và các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan. Ứng cử viên có thể thực hiện dự án lớn này là các công ty như Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), United Microelectronics Corporation (UMC)...

Nếu được triển khai, Ấn Độ sẽ là trung tâm thứ hai của các nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, sau Mỹ. Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí có thể là một khó khăn vì sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như môi trường không ô nhiễm, nguồn cung cấp điện liên tục và lượng nước sẵn có liên tục.

Tham vọng của Ấn Độ đối với chất bán dẫn đang gia tăng nhanh chóng với mục tiêu đưa ngành công nghiệp bán dẫn nước này đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 2 tỷ USD hiện tại.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã công bố khoản chi 760 tỷ Rupee (khoảng 10 tỷ USD), theo chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) riêng cho việc phát triển hệ sinh thái điện tử sản xuất màn hình và bán dẫn.

Do đó, việc tạo ra một khuôn khổ kinh tế và hợp tác theo kiểu FTA có khả năng mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Giờ đây, khi Đài Loan muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục, Ấn Độ nên tìm cách hưởng lợi từ bối cảnh này. Một FTA giữa Ấn Độ-Đài Loan sẽ là bước đầu tiên hướng tới điều đó.

(theo ORF)