📞

Giá trị chính trị của một bát phở

13:50 | 13/08/2017
“Bên Mỹ, chúng tôi có câu nói cửa miệng: Cháo gà chữa bách bệnh (Chicken soup cures all)”, chị Lady Borton, nhà văn và nhà từ thiện Mỹ, bảo tôi trong khi chúng tôi ăn phở ở một vỉa hè Hà Nội. Và nhân đấy chị kể tôi nghe một bát phở “hòa giải Mỹ - Việt”.

Chuyện như sau: Có lần chị đưa một cựu chiến binh Mỹ đi chơi phố buổi tối. Anh Tom, ngoài 50 tuổi, to lớn, râu lốm đốm trắng, tướng người như thế thì ở Mỹ cũng hiên ngang lắm. Vậy mà đi đến ngã ba phố Đội Cấn, anh lúng túng ngập ngừng như đứa trẻ con, không dám qua đường vì dòng xe máy, xe ôtô, xe xích lô, xe đạp không ngừng một phút nào. Chị Lady phải cầm tay anh dắt như dắt trẻ con len qua xe cộ để sang đường. Sau chiến tranh mấy chục năm, anh vừa đến Việt Nam vài hôm.

Đến Hà Nội lần đầu, trong tiềm thức sâu lắng của anh, vẫn còn lảng vảng mối e sợ thời chiến khi ở miền Nam, lo đụng đầu với lính “Việt cộng”.

Nay không còn súng ống gì, nhưng dòng xe máy ào ào xô tới không có trật tự gì, liệu có kẻ còn căm ghét người Mỹ thì anh tránh làm sao?...

Lady dẫn Tom ghé vào một quán phở vỉa hè. Dưới ánh đèn lờ mờ, một phụ nữ trung niên ngồi sau một nồi nước dùng to đùng đang bốc khói. Tom ngồi xuống một chiếc ghế dài thấp lè tè đến nỗi hai đầu gối anh chạm cằm. Trước mặt anh là một người đàn ông đã đứng tuổi, tóc cũng lốm đốm bạc, da xạm, đôi tay gân guốc của dân lao động.

Bác ta hỏi sang bằng tiếng Việt: “Ông bao nhiêu tuổi rồi?”. Laydy rất thạo tiếng Việt, đáp thay: “55!”. Bác Đức, tên ông khách, hồ hởi reo lên bằng tiếng Mỹ mà ông cũng biết đôi chữ “Same, same!” (cũng vậy!). Ý nói tôi cũng tuổi 55. Bác nhoài người qua bàn, cầm tay Tom lắc lắc “Same, same!”. Tom cười nhăn nhó, nhưng khi thấy bác Đức cười to thì Tom cũng cười thoải mái, nói “Rất vui được gặp ông!”. Bác Đức chỉ ngực nói “Quảng Trị!”, Tom chỉ bụng nói “Quảng Nam!”. Hai người ở hai chiến tuyến xưa, nay chiến địa là… quán phở vỉa hè! Hai kẻ thù xưa mời nhau ăn. Bác Đức lịch sự lau đôi đũa và thìa đưa cho Tom, bác lại vắt chanh, rây ít hạt tiêu vào bát của Tom. Tom lúng ta lúng túng, với đôi đũa và cái thìa. Bác Đức phải “biểu diễn” cho Tom xem, cầm đôi đũa thế nào, tay trái cầm thìa, ăn một miếng ra sao. Phải mất nhiều lần, bỏ thìa xuống để tập gắp bằng đũa đã. Mỗi lần thử, Tom lại lẩm bẩm “Mmm!” tán thưởng theo kiểu Mỹ. Rồi Tom cũng sử dụng được đũa, tuy còn vụng về. Bác Đức theo dõi, khuyến khích từng miếng gắp. Xưa ở chiến trường, bác hô “bắn!”, nay bác hô “gắp miếng nữa!”. Mùa lạnh mà Tom toát mồ hôi, cười hỉ hả.

Qua lời Lady phiên dịch, hai cựu chiến binh Việt - Mỹ tiếp tục câu chuyện, luôn luôn trở đi trở lại các từ trung đội, đại đội, tiểu đoàn… mà Lady, chiến sĩ hòa bình của giáo phái Quaker phản đối chiến tranh hiểu rất lơ mơ.

Ăn phở xong, bác Đức với chai rượu mơ đặt ở giữa bàn, rót đầy ba chén nhỏ, đề nghị nâng cốc tạm biệt. Tiếng chén chạm nhau vui như ba tiếng cười. Tom chúc mừng tiếng Anh “To your health!”, bác Đức tiếng Việt “Chúc sức khỏe!”.

Trước khi chia tay, Tom nắm chặt hai bàn tay bác Đức. Trên hè phố, Tom nói: “Phở ngon quá”. Lady lẩm bẩm “Mmm!”.

Khi sang đường. Tom đã bước tự tin hơn!