Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Astra Zeneca và Pfizer. (Nguồn: Agencies) |
Công bố ngày 30/8 của Viện nghiên cứu sức khỏe y tế công cộng Sciensano (Bỉ) cho biết, với khả năng dễ lây lan hơn và mạnh hơn, biến thể Delta có thể kháng một số loại vaccine.
Ngay cả khi quan sát thấy sự khác nhau về mức độ bảo vệ của vaccine tùy thuộc vào công nghệ sản xuất, vaccine vẫn có hiệu quả trên 50% và trên hết bảo vệ con người trước nguy cơ mắc Covid-19 dạng nặng.
Theo số liệu của các cơ quan y tế Mỹ, 90% trường hợp nhập viện hoặc tử vong xảy ra ở những bệnh nhân không được tiêm chủng đầy đủ.
Như nhà báo người Mỹ Helen Branswell nhận xét: "Vaccine là vũ khí tuyệt vời, nhưng đó không phải là áo giáp bất khả xâm phạm".
Đây là quan điểm mà tất cả các chuyên gia đều đồng ý, vì không có bất kỳ một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%. Do đó, vẫn có trường hợp người đã được tiêm chủng nhưng vẫn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những trường hợp đó rất hiếm.
Dữ liệu mới nhất của Sciensano cho biết, nguy cơ lây truyền bệnh sau khi đã tiêm phòng cũng thấp hơn nhiều, từ 52% đến 62%. Đối với các trường hợp đã tiêm chủng, nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng giảm đáng kể.
Hiệu quả của vaccine trước biến thể Delta
Một số nghiên cứu khoa học được công bố trong tuần này ở Anh và Mỹ cho rằng, vaccine có khả năng bảo vệ ít nhất là từ 67-74% tùy thuộc từng loại. Đây được nhận xét là một tỷ lệ khá cao.
Trong khi đó, nghiên cứu của Sciensano được công bố trên Tạp chí Thương mại Quốc tế vaccine chỉ ra rằng, việc tiêm phòng đầy đủ với vaccine sử dụng công nghệ mRNA thông tin (Pfizer hoặc Moderna) giảm từ 74-85% nguy cơ nhiễm bệnh, ít nhất là với biến thể Alpha.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), những người được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn từ 3-5 lần. Và ngay cả khi mắc bệnh, họ sẽ ít phải nhập viện hơn 30 lần so với những người không được tiêm chủng.
Michel Moutschen, Giáo sư miễn dịch học thuộc Đại học Liège, Bỉ, đồng thời là Trưởng Khoa bệnh truyền nhiễm tại CHU Liège cho rằng, không nên quá tập trung vào những con số thay đổi từ nghiên cứu này sang nghiên cứu khác.
Theo Giáo sư trên, điều quan trọng là lan tỏa thông điệp toàn cầu: vaccine có hiệu quả chống lại các dạng lây nhiễm Covid-19 có triệu chứng nghiêm trọng và làm giảm rất đáng kể sự lây truyền không có triệu chứng.
Vaccine bảo vệ được trong bao lâu?
Theo nghiên cứu nói trên, một tháng sau khi tiêm liều thứ hai, vaccine Pfizer có thể ngăn ngừa 88% nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, khả năng bảo vệ này giảm xuống còn 74% sau 5-6 tháng như khuyến cáo trong một nghiên cứu của Anh - vốn thu thập dữ liệu từ khoảng 1 triệu người dùng ứng dụng Zoe Covid và được phân tích bởi các nhà nghiên cứu tại King's College London.
Đối với vaccine AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ giảm từ 77% một tháng sau khi tiêm liều thứ hai xuống còn 67% sau 4-5 tháng.
Còn đối với biến thể Delta, nhà miễn dịch học Sophie Lucas thuộc Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) nhận định: "Chúng ta không thể biết liệu khả năng bảo vệ đang suy yếu vì vaccine có hiệu quả kém hơn đối với biến thể Delta so với các biến thể ban đầu, hay do sự bảo vệ dần dần suy yếu ở những người được tiêm chủng từ khá lâu, hoặc do cả hai.
Nhưng ngay cả khi hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm xuống 67%, đó vẫn là một tỷ lệ rất tốt”.
Chuyên gia miễn dịch học khác tại Đại học Liège cũng khẳng định, nếu mức độ kháng thể do vaccine tạo ra giảm theo thời gian, điều đó không có nghĩa là cơ thể người không có khả năng phòng vệ.
Nhà khoa học này lập luận: “Các tế bào bộ nhớ rất nhanh chóng sản xuất ra những kháng thể mới. Điều này giải thích tại sao việc bảo vệ chống lại các dạng nhiễm bệnh nặng vẫn tốt và các trường hợp mắc bệnh sẽ chủ yếu ít triệu chứng".
Về nguy cơ lây truyền đối với người đã tiêm chủng, báo cáo của Sciensano nhấn mạnh, mặc dù khả năng bị nhiễm bệnh thấp hơn khi được tiêm phòng đầy đủ, nhưng nếu bị nhiễm bệnh, bạn vẫn có thể lây truyền virus.
Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm ít hơn 90% trong số những lần tiếp xúc giữa những người được tiêm chủng.
Về số lượng bộ gen virus được phát hiện qua xét nghiệm PCR của những người đã được tiêm chủng, Giáo sư Michel Moutschen cảnh báo: "Dữ liệu từ Israel cho thấy, trước khi biến thể Delta chiếm ưu thế, tải lượng virus hiển thị thấp hơn ở vùng được tiêm chủng, nhưng điều đó dường như không đúng với biến thể Delta.
Không công bằng khi nói những người được tiêm chủng cũng lây truyền nhiều như những người chưa được tiêm chủng".
Nhà miễn dịch học Sophie Lucas cho biết thêm: “Số người được tiêm chủng sẽ bị nhiễm ít hơn 5 lần và nguy cơ lây truyền tổng thể cũng giảm trên thực tế”.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu này, nếu những người đã tiêm chủng bị nhiễm bệnh, họ sẽ ho ít hơn và khạc đờm ít hơn. Như vậy, các phần tử lây nhiễm ít bắn vào không khí hơn.
Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, những người được tiêm chủng có xu hướng quan sát hành vi thận trọng hơn và tôn trọng các biện pháp giãn cách.
Điều này cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì biến thể Delta, giống như các phiên bản trước, cũng có thể lây lan trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Tiêm liều vaccine thứ ba: Có thật sự cần?
Những người bị suy giảm miễn dịch sẽ cần liều thứ ba để kích thích hệ thống miễn dịch đang hoạt động.
Đối với những người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn, điều này cũng có thể được khuyến khích.
Giáo sư Michel Moutschen cho biết: “Mặc dù việc tiêm mũi thứ ba có thể không cần thiết, nhưng chúng ta phải xem xét khả năng này ngay bây giờ".
Trong khi đó, nhà miễn dịch học Sophie Lucas nhấn mạnh về nhu cầu cấp thiết phải đảm bảo cho phần lớn dân số được tiêm hai liều vaccine phòng virus corona. Sau đó mới tính đến khả năng tiêm liều thứ ba.