Các nhà khoa học của Mỹ, Đức và Thụy Điển là chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2023. (Nguồn: Al Jazeera) |
Các nhà khoa học Pierre Agostini (Mỹ), Ferenc Krausz (Đức) và Anne L’Huillier (Thụy Điển) là chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2023 nhờ chứng minh được một phương pháp “tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo và cung cấp hình ảnh về các quá trình bên trong nguyên tử và phân tử”.
Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 2/10 với giải Nobeltrong lĩnh vực Y Sinh được trao cho 2 nhà khoa học Katalin Karikó, nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử người Hungary và Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ. Nghiên cứu của họ đã mở đường cho việc sử dụng công nghệ mRNA phát triển vaccine ngừa Covid-19.
Sau giải Nobel Vật lý, các giải tiếp theo sẽ được công bố lần lượt trong các lĩnh vực Hóa học, Văn chương, Hòa bình vào các ngày 4, 5 và 6 tại Stockholm và Nobel Kinh tế sẽ được trao vào ngày 9/10.
Chủ nhân giải Nobel năm nay sẽ được nhận khoản tiền thưởng 11 triệu crown Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD), tăng một triệu crown Thụy Điển so với năm 2022.
Những người đoạt giải Nobel 2023 sẽ nhận các giải thưởng này trong một buổi lễ chính thức vào ngày 10/12, ngày nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển Alfred Nobel qua đời.
Kể từ năm 1901 đến nay đến nay đã có 116 giải Nobel Vật lý được trao, trong đó 47 chủ nhân giải thưởng được đứng tên một mình.
Trong số những người đoạt giải Nobel Vật lý, chỉ có 4 nhà khoa học nữ là Marie Curie (năm 1903), Maria Goeppert-Mayer (1963), Donna Strickland (2018)và Andrea Ghez (2020). John Bardeen là học giả duy nhất hai lần đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1956 và 1972. Người đoạt giải trẻ nhất là Lawrence Bragg, ông nhận giải cùng cha mình vào năm 1915, khi mới 25 tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi nhất đoạt giải thưởng danh giá này là Arthur Ashkin, đoạt giải năm 2018, khi 96 tuổi.