Chương trình giáo dục đạo đức khung được xây dựng trên nền tảng luật pháp quốc gia, với bộ tiêu chuẩn mà tất cả các trường từ công lập đến tư thục đều phải thực hiện.
Hình thành thói quen từ nhỏ
Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), mục đích của môn đạo đức tại các trường tiểu học bao gồm giảng dạy về hành vi trong đời sống, cảm nhận và phán đoán, phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo, tầm quan trọng của cách ứng xử văn minh trong xây dựng đất nước. Lên cấp hai, các chủ đề được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển tâm lý của học sinh, như cách phản ứng đối với lời phê bình, hiểu biết và tôn trọng giới tính, tôn trọng sự thật...
Học sinh Nhật Bản học lễ phép ngay từ khi còn nhỏ. (Nguồn: BBC) |
Thực ra, từ mẫu giáo trẻ em đã được học các quy tắc ứng xử căn bản, rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách ứng xử với mọi người, giúp đỡ các bạn, vệ sinh trường lớp... Ví dụ, về việc chào hỏi, các em được dạy phải chào hỏi ba mẹ khi thức dậy, trước khi đi học. Trước khi ăn cơm phải nói câu “Xin mời” (Itadakimasu), rời nhà phải nói “Con xin phép đi” (Ittekimasu) hay “Con đã về” (Tadaima) khi trở về. Gặp ai quen biết đều phải chào hỏi.
Học sinh bắt buộc phải tham gia vệ sinh lớp học và những nơi công cộng trong trường từ cấp 1 đến cấp 3. Việc này không những tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giáo dục nhiều mặt như giá trị, kỹ năng, tinh thần hợp tác, đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật trong lao động... Không chỉ thế, học sinh Tiểu học còn có bài tập nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng hàng ngày, thậm chỉ ngay cả trong kỳ nghỉ hè. Như thế, các em không chỉ được thực hành môn khoa học, mà còn hình thành thói quen gắn bó với thiên nhiên, biết yêu quý cuộc sống.
Để giáo dục các em có tinh thần hướng thiện, nhà trường thường xuyên tổ chức đến thăm các cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tật nguyền... hay tham gia hoạt động từ thiện khi thiên tai, hỏa hoạn... Việc bắt buộc học sử dụng nhạc cụ trong trường học cũng là cách để các em biết thưởng thức nghệ thuật, từ đó có tâm hồn hài hòa và nhân văn hơn.
Không đánh giá bằng điểm số
Đạo đức của học sinh Nhật Bản không bị đánh giá bằng điểm số hay xếp hạng. Đơn giản vì người Nhật quan niệm đạo đức hay nhân cách khó có thể đoán định, đánh giá chỉ thông qua học lực và các hành vi tuân thủ hay không tuân thủ nội quy trường học. Cách đây vài năm, Chính phủ từng dự định chuyển sang đánh giá đạo đức bằng hệ thống xếp hạng, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cả gia đình học sinh lẫn giáo viên, nên đề án đó đã bị loại bỏ.
Thay vào đó, giáo viên thường xuyên nhận xét và trao đổi với gia đình về các hoạt động cũng như tình trạng tâm sinh lý của học sinh ở trường. Nếu phát hiện những điểm bất thường, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc nếu cần là phụ huynh, để đưa ra tư vấn định hướng. Đương nhiên những nhận xét của giáo viên sẽ không phải “hạnh kiểm tốt/khá/trung bình/yếu/kém”, mà sẽ là “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy”, “lạc quan, vui vẻ”, “cô đơn, không có bạn”, “hướng nội” hay “hướng ngoại”... Ở Nhật không có thi học sinh giỏi và cũng không công bố công khai thành tích học tập. Các kỳ thi có tính chất cạnh tranh thường là thi đấu thể thao, sáng tạo nghệ thuật hay nghiên cứu khoa học.
Sự tiến bộ không chỉ dựa vào điểm số bài kiểm tra hay bài tập. Khi đánh giá, giáo viên phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm, sự hứng thú lẫn các kỹ năng của học sinh. Thêm nữa, giáo viên có xu hướng chú trọng đánh giá những sản phẩm mà các em tự tạo ra trong quá trình học tập như tranh vẽ, tập san, sản phẩm thủ công...
Một câu chuyện điển hình về giáo dục ý thức tự giác đóng góp cho xã hội của người Nhật: Anh Oshima Mituteru, người Nhật, 34 tuổi, làm việc tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh sáng nào cũng nhặt rác trên những con đường quanh nơi anh ở. Có người hỏi: “Tại sao anh làm như thế?” Anh trả lời: “Thay đổi môi trường dù một chút cũng mang đến cho tôi cảm giác hạnh phúc”. |