Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ là thành quả nghiên cứu 5 năm của nhóm tác giả. (Ảnh: PH) |
Cầm Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ trong tay, GS. Nguyễn Thái Yên Hương bồi hồi nhớ lại hành trình “thai nghén” công trình nghiên cứu không ít gian nan - như đáng giá của nhóm biên soạn.
Học phần Nghiên cứu Hoa kỳ được nhìn nhận là một trong các “đặc sản” của chương trình giảng dạy của khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao nhiều năm qua tại Học viện Ngoại giao, nhưng tại sao bây giờ mới có một sản phẩm công phu và bài bản như vậy, thưa Giáo sư?
Nhìn chung, để viết, công bố được giáo trình, nhóm biên soạn sẽ mất công triển khai các bước liên quan, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc đối với một công trình khoa học, giúp người đọc hiểu sâu và rộng về một nội dung, vấn đề.
Giáo trình là sản phẩm khoa học đặc thù, với yêu cầu rất cao và đối tượng hướng tới sẽ là người học, gồm có sinh viên, học viên và nếu là công trình có chất lượng sẽ ở bậc cao hơn như nghiên cứu sinh. Giáo trình có những đòi hỏi khắt khe phải tuân thủ. Ví dụ rất đơn giản là người tham gia biên soạn giáo trình ít nhất phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có nghiên cứu và tham gia “đứng lớp” liên quan đến nội dung của giáo trình và phải nắm vững các tiêu chí xây dựng giáo trình.
Nghiên cứu Hoa Kỳ là một trong các học phần tự chọn trong chương trình cử nhân Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao, như bạn nói, là từ khá lâu, từ năm 1998.
Trong nhiều năm, học phần này có sử dụng tập học liệu (Reading Package) cho người học, trong đó có những bài là từ các cuốn chuyên khảo do cán bộ nghiên cứu và giảng viên của học viện viết. Chúng tôi có tập bài đọc Các vấn đề nghiên cứu Hoa Kỳ và giáo trình về lịch sử Hoa Kỳ giai đoạn lập quốc đến đầu thế kỷ XIX đưa vào giảng dạy từ nhiều năm.
Giáo trình vừa được xuất bản gắn với các nội dung được triển khai trong học phần Nghiên cứu Hoa Kỳ là quyết tâm và ấp ủ của nhóm biên soạn Học viện Ngoại giao từ lâu. Tuy nhiên, để có được đội ngũ giảng viên cùng tham gia, cần có thời gian tập hợp và chọn lọc.
Chúng tôi mất hơn hai năm để biên soạn và qua các vòng bảo vệ chặt chẽ của Hội đồng, dù được thông qua nhưng chưa đủ dũng cảm để in ngay. Giai đoạn đại dịch Covid-19 là thời gian chúng tôi đầu tư thêm và khi gửi bản thảo tới nhà xuất bản lại đòi hỏi thêm thời gian biên tập và chỉnh sửa.
Đội ngũ biên tập thật sự là “khó tính”, chuyên nghiệp – họ là những người đã làm cùng chúng tôi thời gian dài, cùng nhau biên tập những công trình từng công bố về Hoa Kỳ của hai chủ biên. Chúng tôi đã tương tác với nhau rất nhiều, kể cả khi đã có bản bông để giáo trình bảo đảm chất lượng và yêu cầu đề ra.
Nhìn lại quá trình 5 năm “thai nghén” đó, Giáo sư cảm nhận như thế nào về những thuận lợi, khó khăn?
Ước mơ có một cuốn giáo trình nghiêm túc là của hai chủ biên, PGS.TS. Lê Đình Tĩnh, hiện giờ là Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao và cá nhân tôi.
Hai chúng tôi gắn bó với công tác nghiên cứu Hoa Kỳ khá lâu và từng xuất bản chung cuốn “Văn hóa và chính sách đối ngoại Mỹ”, cùng nhau có những hoạt động đối ngoại liên quan đến đất nước và có nhiều “duyên nợ” với nghề nghiên cứu, giảng dạy.
Một điều đặc biệt là chúng tôi cùng tham gia giảng dạy Nghiên cứu Hoa Kỳ ở bậc cử nhân và thạc sĩ tại Học viện Ngoại giao và một số cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam, như trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ chí Minh.
Thuận lợi lớn nhất có lẽ là chúng tôi là những người thích nghiên cứu và thích viết. Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc cùng với PGS.TS. Lê Đình Tĩnh, thế hệ 7x từ khi cùng ở Ban nghiên cứu Âu – Mỹ của Học viện Quan hệ quốc tế (Học viện Ngoại giao hiện nay).
Khi triển khai ý tưởng viết giáo trình, chúng tôi may mắn có được đội ngũ giáo viên trẻ, có trình độ và trong số đó hầu hết đều được đào tạo ở các cơ sở giáo dục có uy tín, có kinh nghiệm đối ngoại, đây là một điều mang tính chất đặc trưng của các giảng viên tham gia giảng dạy ở Học viện Ngoại giao. Chúng tôi có cùng đam mê, nhiệt huyết và ý nguyện chung là vì các thế hệ sinh viên.
Trong thuận lợi vẫn có những thách thức, đó là đòi hỏi về thời gian, cường độ làm việc, chất lượng của giáo trình; thách thức liên quan đến những nguyên tắc về thủ tục, những thực tế khác phải vượt qua… Cuối cùng chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhờ sự đồng lòng, kiên định và dám đi đến cùng.
Nghiên cứu Hoa Kỳ là học phần sẽ được khoa Chính trị và Ngoại giao của Học viện Ngoại giao dự kiến đưa vào giảng dạy theo mô hình điện tử kết hợp với giảng dạy bằng tiếng Anh. Tất nhiên, chương trình do giảng viên của Học viện đảm nhận.
Giáo sư Nguyễn Thái Yên Hương luôn gắn bó tâm huyết với công tác giảng dạy tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: PH) |
Sự khác biệt và điểm nhấn của cuốn giáo trình về một siêu cường, đối tác quan trọng này của Việt Nam là gì?
Mỗi một công trình khoa học được công bố là niềm vui của nhóm biên soạn, các chủ biên và học sinh học tại cơ sở đào tạo đó. Học viện Ngoại giao là cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Ngoại giao. Vì lẽ đó nên tất nhiên, nội dung lên lớp sẽ gắn với đối ngoại của Việt Nam.
Khi triển khai viết, biên soạn chúng tôi mong muốn sinh viên từng bước có thói quen đọc, thu thập và xử lý thông tin và tiến tới có kỹ năng tìm hiểu, phân tích, tổng hợp và xây dựng cách tiếp cận về vấn đề cần nghiên cứu trong các nội dung về lịch sử, văn hóa và chính sách của Hoa Kỳ đối với các đối tác.
Ngoài ra, chúng tôi mong muốn sinh viên có tinh thần chủ động, tiếp tục tự tìm hiểu và đào sâu nghiên cứu, đóng góp cho sự hiểu biết cao hơn về Hoa Kỳ và trong hoạch định cũng như triển khai chính sách của Việt Nam trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, vì hoà bình, hợp tác và phát triển, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác.
Từ đó, Giáo sư đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của nghiên cứu trong Học viện Ngoại giao nói riêng và Bộ Ngoại giao nói chung?
Năm 1998, tôi bắt đầu tham gia giảng dạy học phần Nghiên cứu Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại giao đến tận bây giờ. Có thời kỳ, tôi đảm nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, hay là đại diện Việt Nam tại Ủy ban liên chính phủ của ASEAN về nhân quyền (AICHR) như hiện nay, tuy nhiên xuyên suốt vẫn là cái “duyên” gắn với nghiên cứu và giảng dạy.
Cái “duyên” ban đầu đó đã trở thành cái “nghiệp” của đời tôi. Mọi chuyện vẫn tự nhiên diễn ra như vậy và bản thân tôi vui vẻ với con đường đã đi.
PGS.TS. Lê Đình Tĩnh dù rất bận với công tác hiện tại nhưng vẫn duy trì đam mê với nghiên cứu và giảng dạy.
Tôi nghĩ rằng, nghiên cứu nếu được triển khai toàn diện, đồng bộ, nghiêm túc sẽ đóng góp cho công tác tác chiến, ngoại giao kênh 1, 2 và giảng dạy, phục vụ ngành về lâu dài.
Đối với ngoại giao kênh 1, cán bộ đối ngoại nếu có nền tảng cơ bản vững, luôn cập nhật thông tin, có cách tiếp cận, phương pháp giải quyết vấn đề tốt, có “phản xạ nghề”, thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và đóng góp được cho ngành.
Đối với các bộ đang làm việc, công việc hàng ngày và tác chiến có thể làm sao nhãng nghiên cứu. Nếu ai kết hợp tốt công việc phải giải quyết hàng ngày và nghiên cứu, đóng góp sẽ nổi bật hơn và có tâm thế chủ động khi phải ứng phó, giải quyết các tình huống đa dạng.
Với giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, nghiên cứu không chỉ là nhiệm vụ, mà có thể hiểu là điều kiện cần và đủ bên cạnh yêu cầu khắt khe về giảng dạy trên lớp. Khi tích lũy đủ, kiến thức trở thành của mình, sẽ có sự “thăng hoa” trên bục giảng, tránh được sự nhàm chán.
Dù biết là có thể còn sớm nhưng hai chủ biên có ý định tái bản cuốn giáo trình ý nghĩa này hay không?
Thật lòng khi xuất bản, tôi cũng nghĩ như nhiều người là lớp trẻ hiện nay ngại đọc, nên chúng tôi quyết là in số lượng vừa đủ, mọi người hay đùa là “limited edition” để hiểu thêm về nhu cầu xã hội.
Không ngờ, khi chúng tôi đưa lên mạng thông tin đại chúng chỉ với ý tưởng giới thiệu một công trình đầy tâm huyết của nhóm tác giả, chỉ sau khoảng 4-5 ngày, số giáo trình in đã được đăng ký hết. Đối tượng mua sách đa dạng và đều mong có cuốn giáo trình trên tay. Chúng tôi rất trân trọng điều đó.
Việc tái bản phải theo luật xuất bản, tùy thuộc vào nhu cầu xã hội và các trường đại học, chúng tôi sẽ tính đến số lượng đợt sau. Đây là lần xuất bản đầu tiên, chủ đề và nội dung nghiên cứu khó, chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục nâng cấp để nội dung hay hơn, có sức cuốn hút hơn cho lần xuất bản tới.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!