Người dân Hàn Quốc đổ xuống đường biểu tình, kêu gọi cấm người Trung Quốc. (Nguồn: AP) |
Sự lây lan với tốc độ chóng mặt của virus corona đang thực sự trở thành nỗi sợ hãi của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông tin mới nhất, trên thế giới có khoảng gần 10.000 ca nhiễm chủng virus corona mới (2019-nCoV), phần lớn là ở Trung Quốc với khoảng 213 ca tử vong.
Trong khi các quốc gia đang tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng bệnh dịch mới, thì vào sáng sớm ngày 31/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Những số liệu cùng với tuyên bố này của WHO tạo thành một làn sóng sợ hãi và hoảng loạn trên thế giới và dần dần trở thành một làn sóng bài trừ người Trung Quốc trên toàn cầu. Thậm chí, nó còn biến tướng phần nào thành phong trào phân biệt chủng tộc với những người châu Á và người gốc Á trên toàn thế giới.
Từ những biện pháp bảo vệ hợp lý…
Trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc từng bước nổi lên thành một cường quốc kinh tế và quân sự toàn cầu gây không ít lo ngại cho các nước láng giềng ở châu Á, cũng như khiến các nước lớn ở phương Tây e dè. Sự xuất hiện của virus corona bắt nguồn từ chính quốc gia này cũng khiến cho sự cố chấp tiềm ẩn chống lại người dân Trung Quốc đại lục một lần nữa “sôi sục” trên phạm vi thế giới.
Phản ứng của một số quốc gia có thể được coi là hợp lý, dựa trên việc nhằm giải số lượng người Trung Quốc có thể đem virus corona tới nơi khác. Rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố đóng biên giới với Trung Quốc và các hãng hàng không hủy các chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc.
Các quốc gia như Malaysia, Philippines, Nga và Việt Nam đã tạm thời ngừng cấp một số loại thị thực cho khách du lịch từ thành phố Vũ Hán và toàn bộ tỉnh Hồ Bắc, hoặc toàn bộ người Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều hội nghị quốc tế yêu cầu các phái đoàn Trung Quốc không tham dự các cuộc họp.
Người dân tại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi virus corona cũng có cách tránh nhiễm bệnh riêng. Người dân Bangkok (Thái Lan) tránh tới các trung tâm thương mại mà có nhiều người Trung Quốc qua lại. Một bệnh viện thẩm mỹ tại Seoul (Hàn Quốc) thì hướng dẫn nhân viên chỉ tiếp khách Trung Quốc nếu họ chứng minh được mình đã ở Hàn Quốc từ 14 ngày trở lên, đây cũng là khoảng thời gian tiềm năng mà virus phát bệnh.
Khách du lịch Trung Quốc tại Bangkok, ngày 30/1. (Nguồn: Reuters) |
… tới sự phân biệt đối xử thấy rõ
Ranh giới giữa nỗi sợ có thể hiểu được và sự phân biệt đối xử là rất mong manh. Điều đó khiến cho một số biện pháp bảo vệ tuy có hiệu quả, nhưng lại bị biến tướng thành sự phân biệt chủng tộc hoặc sắc tộc. Và nhiều trường hợp như vậy đã và đang diễn ra trên mọi mặt của xã hội, Internet và cả các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ở Singapore, hàng chục nghìn người dân đã cùng ký một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ cấm người dân Trung Quốc tới quốc đảo Sư tử. Tại Hong Kong, Hàn Quốc, và một số quốc gia châu Á khác, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đồng loạt đăng các biển báo không tiếp bất kỳ khách hàng nào đến từ Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, hashtag #ChineseDon’tComeToJapan (tạm dịch: người Trung Quốc đừng đến Nhật Bản) đã trở thành một trong những hashtag hàng đầu trên mạng xã hội Twitter những ngày vừa qua. Thậm chí, có nhiều tài khoản của người Nhật Bản chê người Trung Quốc là “bẩn thỉu, bất lịch sự và là những kẻ khủng bố sinh học”.
Khi một blog nổi tiếng ở Toronto (Canada) giới thiệu một nhà hàng Trung Quốc mới trên Instagram hôm 27/1, bài viết nhanh chóng nhận được hàng loạt bình luận phân biệt chủng tộc. Gần 9.000 cha mẹ ở học khu York, khu vực phía bắc Toronto, cũng ký đơn kiến nghị yêu cầu các học sinh từng tới Trung Quốc trong 18 ngày qua không được đến trường. Hội đồng học khu York, đại diện cho 208 trường học, đã lên án đơn kiến nghị trên giữa lo ngại các học sinh sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích vì chủng tộc của mình.
Trang nhất gây tranh cãi của tờ Courrier Picard. |
Ở Pháp, tờ nhật báo hàng đầu Courrier Picard xuất bản ấn phẩm với nội dung nổi bật trên trang nhất “Coronavirus Chinois – Alerte Jaune” (Virus corona Trung Quốc – Báo động Vàng). Bên trong là bài xã luận khác với tiêu đề “Nguy hiểm màu vàng?”. Tất cả những tiêu đề này đều ngay lập tức vì các thuật ngữ “màu vàng” – màu da và “mối họa” – vốn chỉ cuộc xâm lược của châu Á, ám chỉ việc phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á. Tờ Courrier Picard sau đó đã thừa nhận đặt tiêu đề không phù hợp, theo Europe 1.
Thái độ kỳ thị cũng xuất hiện ở những quốc gia khác có cộng đồng người Trung Quốc sinh sống. Tại Australia, tờ Herald Sun của tỷ phú Murdoch, đăng chữ “China Virus Panda-monium” trên hình khẩu trang màu đỏ (cách viết lái của từ “pandemonium” có nghĩa “đại dịch”, nhưng mỉa mai từ “panda” tức loài gấu trúc biểu tượng của Trung Quốc). Điều này đã khiến nghị sĩ bang Queensland Duncan Pegg cảnh báo người dân về thông tin giả lan truyền trên mạng gây hoang mang trong những cộng đồng có tỷ lệ người gốc Á cao.
Tại một nhà hàng sushi trong khu phố từng là chợ cá Tsukiji ở Tokyo (Nhật Bản), nơi có khoảng 90% khách hàng là người Trung Quốc, bà Yaeko Suenaga, 70 tuổi, là nhân viên tại nhà hàng cho biết bà hiểu lý do vì sao một số nơi lại từ chối khách hàng Trung Quốc: “Tôi không nghĩ nỗi sợ hãi này xuất phát từ sự phân biệt đối xử, mà là nỗi sợ hãi thực sự xuất phát từ chính bên trong lòng mỗi người vì sự nguy hiểm của chủng virus này”. Nhà hàng của bà sẽ tiếp tục chào mừng mọi khách hàng, nhưng nhân viên sẽ luôn đeo khẩu trang để bảo vệ chính mình.
Các chuyên gia y tế nói rằng họ hiểu lý do vì sao tâm lý “sợ người Trung Quốc” nổi lên trong thời gian qua. “Theo một cách hiểu nào đó, đây là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên của con người khi cố gắng tránh xa khỏi một nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn, đặc biệt là khi y học thế giới vẫn chưa tìm được cách chữa trị dứt điểm virus corona này”, Karen Eggleston, Giám đốc chương trình chính sách y tế châu Á tại Đại học Stanford (Mỹ) nói.