Ban đầu, mục đích của bài tập khởi động đơn giản này là nhằm phục vụ cho việc dẫn dắt, liên kết đến nội dung của buổi học. Tuy vậy, những câu trả lời nhận về lại khiến người dạy học là tôi cảm thấy trăn trở.
Theo dõi tin tức thiện lành sẽ giúp tâm tính chúng ta được gội rửa, suy nghĩ và hành động tích cực. (Ảnh: Dương Triều/QĐND) |
Có hơn ba phần tư câu trả lời thể hiện các bạn sinh viên trong lớp đang cùng theo dõi chung một thông tin. Đó là câu chuyện ồn ào về một nghệ sĩ trong nước vướng phải tin đồn chậm giải ngân số tiền mà anh ta đã đứng ra kêu gọi để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.
Đáng chú ý hơn, chỉ vài bạn chia sẻ mục đích quan tâm đến sự kiện lùm xùm kể trên từ góc độ truyền thông, pháp luật, kinh tế, công tác xã hội hoặc tâm lý hành vi. Còn đa phần đều giải thích lý do là vì… “hóng drama” (tạm dịch là hóng tin tức mang tính chất kịch tính), tức là theo dõi tin tức một cách vô mục đích.
Tất nhiên, kết quả khảo sát từ một lớp học bất kỳ khó lòng trở thành cơ sở để đưa ra những nhận định gì to lớn. Nhưng trường hợp kể trên cũng cho chúng ta thấy một phần nào về bức tranh cuộc sống mà những người trẻ, nhất là học sinh sinh viên hiện nay đang quan tâm. Trên các trang mạng xã hội, hiện tượng “nhiều chuyện” này càng dễ nhận ra hơn.
Trong bài giảng của buổi học, tôi chủ động lồng ghép chia sẻ với các bạn về một số thông tin khác gần đây, đặc biệt là các tin tức tích cực.
Chẳng hạn như câu chuyện về nụ cười tỏa nắng vào tâm dịch Bắc Giang của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu - một trong số nhiều bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Hay như bức ảnh hai cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (Điện Biên) mặc đồ bảo hộ kín mít nằm ngủ bên vệ đường vì quá mệt khi phải ngày đêm liên tục vận chuyển những trường hợp F0, F1 đến những khu cách ly, điều trị.
Song, tôi lại thêm lần nữa hụt hẫng. Khá ít sinh viên hưởng ứng vì các em không biết đến những tin tức kiểu này, hoặc các em “có biết qua nhưng không tìm hiểu chi tiết”.
Tất nhiên, mỗi người có quyền cá nhân về việc lựa chọn những thông tin để quan tâm, theo dõi. Tùy vào các yếu tố như lứa tuổi, ngành học, sở thích… mà các em quyết định mình sẽ tiếp nhận những thông tin nào. Tuy vậy, rõ ràng, tính chất tin tức và cách thức mà chúng ta tiếp nhận tin tức, sẽ phần nào định hình về chính con người chúng ta.
Theo dõi tin tức thiện lành sẽ giúp tâm tính chúng ta được gội rửa, suy nghĩ và hành động tích cực. Tiếp nhận những thông tin hữu ích về khoa học, y tế, văn hóa, thể thao… sẽ giúp chúng ta trải nghiệm và thực hành cuộc sống tốt hơn.
Còn với những thông tin mang màu sắc tiêu cực, chúng ta cần tiếp nhận từ những góc độ có ích thay vì chỉ đơn thuần là thỏa mãn sự tò mò, lòng hiếu kỳ.
Muốn xây dựng bản thân là người có thái độ lạc quan, có trình độ cấp tiến, có đầy đủ đức trí, bên cạnh việc rèn luyện những yêu cầu khác, cần lắm là vấn đề chúng ta biết cách tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phù hợp và hữu ích.