📞

Gói trừng phạt thứ 11: EU người mệt mỏi, kẻ hào hứng, Ukraine hối chặn nốt ‘đường sống’ của kinh tế Nga

Minh Anh 07:29 | 27/03/2023
Hành vi lách luật và chống lại các kẽ hở của Nga được phía Liên minh châu Âu (EU) cho là sẽ bị chặn đứng bởi gói trừng phạt thứ 11, mà họ sẽ tiếp tục áp đặt lên Moscow trong thời gian tới.
Gói trừng phạt thứ 11 - EU người mệt mỏi kẻ hào hứng, Ukraine hối chặn nốt ‘đường sống’ của kinh tế Nga. (Nguồn: Quora)

Gói trừng phạt Nga thứ 11 chủ yếu giải quyết vấn đề gian lận và cách thức EU có thể ngăn chặn điều đó", bà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tiết lộ về gói trừng phạt nhằm bịt kín những kẽ hở - bị cho là các lỗ hổng còn sót trong các loạt lệnh trừng phạt.

Hiện chưa có thông tin chính xác liệu EU đã chính thức bàn thảo về gói trừng phạt mới hay chưa, cũng chưa có khung thời gian cụ thể cho việc triển khai lệnh trừng phạt mới này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/3 cho rằng, EU nên thông qua đợt trừng phạt thứ 11 đối với Nga trong hai tháng tới, bất chấp một số nước đang "mệt mỏi" trong việc tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ông Morawiecki cho biết, gói trừng phạt Nga thứ 11 sẽ nằm trong chương trình nghị sự của EU "trong những tuần tới", nhưng ông thừa nhận rằng, khối này đã cảm thấy mệt mỏi.

Trong khi đó, các nước EU thuộc phe “diều hâu”đã lên tiếng thúc giục nên bắt đầu soạn thảo vòng trừng phạt thứ 11 đối với Nga.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu, mới đây cho biết, ngoài việc đang đi tiên phong trong các nghiên cứu pháp lý để các nước EU thu giữ tiền Nga bị đóng băng để chi trả cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự. Không dừng lại ở đó, ông Reinsalu cũng thúc giục EU nên bắt đầu soạn thảo vòng trừng phạt tiếp theo đối với Nga.

Theo ông này, trong vòng trừng phạt tiếp theo nên bao gồm nhiều giới tinh hoa chính trị Nga hơn và "các biện pháp trừng phạt thứ cấp" đối với những người giúp Điện Kremlin phá vỡ các biện pháp hiện có của EU.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto lại đề nghị nên bao gồm nhiều người thân của các nhân vật quan trọng của Nga hơn.

Các biện pháp trừng phạt mới nên bao gồm các nhà tài phiệt Moldova giúp Nga gây bất ổn cho quốc gia ứng cử viên EU, Đại diện các nước Estonia, Pháp và Romania cũng đề nghị.

Họ nên bao gồm công ty hạt nhân Rosatom của Nga, Litva nói thêm. Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis của Litva cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Rosatom có thể bao gồm các thành viên hội đồng quản trị và các hợp đồng mới, giúp Rosatom có thể tự do hoàn thành các dự án đang triển khai ở Bulgaria và Hungary.

Trong khi đó, Ukraine kêu gọi EU chuẩn bị thêm lệnh trừng phạt Nga càng sớm càng tốt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Oleh Nikolenko cho biết, Kiev rất biết ơn về các biện pháp do Brussels thực hiện cho đến nay, nhưng gói thứ 10 được thông qua vào tháng trước đã dừng việc trừng phạt các lĩnh vực hạt nhân và công nghệ thông tin của Nga.

"Thực tế là Nga vẫn có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ khổng lồ", trong một phát biểu, ông Oleh Nikolenko đưa ra ước tính giá trị của chúng lên tới hàng trăm triệu USD. "Đây là lý do tại sao chưa đến lúc nới lỏng áp lực trừng phạt trong khi xung đột vẫn tiếp diễn ở trung tâm châu Âu".

"Không có cách nào làm giảm tầm quan trọng của việc loại bỏ các kẽ hở để lách lệnh trừng phạt, chúng tôi tin rằng, EU phải bắt đầu chuẩn bị để áp dụng gói lệnh trừng phạt thứ 11", ông Nikolenko thúc giục.

Tháng trước, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, khối này sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow "miễn là cần thiết".

Sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, EU liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tính tới nay đã có tổng cộng 10 gói trừng phạt được áp đặt, tập trung vào một số cá nhân và tổ chức thuộc lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, quân sự của Nga.

Gói trừng phạt thứ 10 mà EU đánh vào Nga, bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa sử dụng kép, cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ xung đột quân sự, truyền bá tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái do Nga sử dụng.

Trong đó, năng lượng trở thành trọng tâm của các đòn trừng phạt, bởi Nga là một trong những nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Trong tháng này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga trong tháng 2/2023 đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đến nay, các gói trừng phạt luôn tránh lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga, vì sự phản đối của một số quốc gia thành viên EU. Trước tình hình đó, mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine đã đưa ra lời kêu gọi mới về các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng hạt nhân của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã thúc giục phương Tây tăng tốc các biện pháp trừng phạt chống Nga. “Chúng ta cần phải nhanh lên. Chúng tôi cần tốc độ – tốc độ của các thỏa thuận, tốc độ giao hàng của chúng tôi… tốc độ của các quyết định nhằm hạn chế tiềm năng của Nga”, ông Zelensky nói.

(theo EUobserver, Tass)