Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách toàn diện, tổng thể. (Nguồn: VOV) |
Trên cơ sở chia sẻ quan điểm quyền con người mang tính phổ quát, là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại, cùng những nội dung quan trọng tại các tuyên bố của LHQ, các điều ước quan trọng về quyền con người, trong những năm qua Việt Nam luôn ủng hộ đối thoại, hợp tác giữa các nước và tại các cơ chế đa phương LHQ về quyền con người nhằm chung sức đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân trên thế giới.
Bảo vệ quyền con người toàn diện và tổng thể
Trong quá trình đó, Việt Nam chú trọng thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách toàn diện, tổng thể trên các lĩnh vực dân sự, chính trị cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển, phù hợp các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, đồng thời tôn trọng các quy định pháp luật liên quan của mỗi nước.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành riêng một chương gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật tlTrợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019…
Có thể thấy rõ ràng sự ưu tiên thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân của Nhà nước Việt Nam. Nhờ đó, các thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến thành tựu hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của Việt Nam, đồng thời đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết nghĩa vụ theo các công ước này, trong đó có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực thi các Công ước tại Việt Nam.
Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Đồng thời, Việt Nam cũng là thành viên của 25 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản; đang nghiên cứu phê chuẩn Công ước cơ bản còn lại là Công ước 87 về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. |
Minh chứng điển hình trong đại dịch
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ như "phao cứu sinh" giúp người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19.
Cùng với đó, Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Bất chấp bối cảnh vaccine Covid-19 là mặt hàng khan hiếm trên thế giới trong khi điều kiện kinh tế còn hạn chế, Việt Nam đặc biệt coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tính đến ngày 12/12, Việt Nam đã tiêm gần 133 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân.
Lực lượng y tế tiêm vaccine cho người dân thành phố Việt Trì tại điểm tiêm Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ. (Nguồn: TTXVN) |
Đồng thời, Chính phủ cũng thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm chủng, bảo đảm quyền y tế.
Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì để xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống Covid-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị từ đối tác song phương, đa phương. Kết quả là đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vaccine (tính đến ngày 10/12, Việt Nam đã tiếp nhận 160,7 triệu liều vaccine Covid-19).
Câu chuyện ứng phó với đại dịch là một minh chứng điển hình cho nỗ lực "lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân" như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo về "điều quan trọng nhất" của các định hướng trong thời gian tới.
Không ngừng đóng góp vào nỗ lực chung
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Về song phương, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam và các nước liên quan.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quyền con người, đặc biệt trong quá trình xây dựng Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, thành lập và hoạt động của các cơ chế ASEAN liên quan đến quyền con người, qua đó khẳng định các cam kết của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, tạo khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác trong ASEAN trong lĩnh vực này.
Việt Nam coi trọng vai trò và những đóng góp của HĐNQ trong việc thúc đẩy thực hiện các quyền con người trên thế giới thời gian qua. Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ, đặc biệt trong giai đoạn là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016.
Tại HĐNQ, Việt Nam đề cao và thúc đẩy tinh thần hợp tác, đối thoại, tăng cường hiểu biết để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, bền vững đối với các thách thức về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) theo hình thức trực tuyến ngày 10/9/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhằm tiếp nối nỗ lực đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết định ứng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã được ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này.
Dựa trên kinh nghiệm đã có, cùng với những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vào khả năng đảm đương vai trò thành viên HĐNQ, với những đóng góp tích cực, xây dựng vào công việc chung của Hội đồng.
Chung tay cùng với thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực đóng góp vào công việc chung của HĐNQ theo hướng nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng, trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nhằm bảo đảm rằng mỗi người dân trên Trái đất này đều được hưởng quyền con người.
"Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Và tôi cũng mong muốn điều này trở thành thực để Việt Nam có thể sẽ vận động cho các chương trình nghị sự nhân quyền của thế giới". (Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú kiêm Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP tại Việt Nam) |