GS. Hà Vĩnh Thọ cho rằng, trường học hạnh phúc nên chú trọng các giá trị đạo đức. (Ảnh: NVCC) |
GS. Hà Vĩnh Thọ, nhà sáng lập Học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc; nguyên Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia tại Bhutan có những chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về trường học hạnh phúc.
Ba nền tảng của hạnh phúc
Mỗi người đều có cách cảm nhận hạnh phúc của riêng mình. Đối với thầy, bản chất cốt lõi của dự án Trường học Hạnh phúc là gì?
Khi nói đến hạnh phúc, chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh khác nhau: Một khía cạnh của hạnh phúc liên quan đến những trải nghiệm thú vị như thưởng thức một bữa ăn ngon hoặc có thời gian vui vẻ với bạn bè. Điều này tất nhiên là có giá trị nhưng rất cá nhân, bởi mỗi người có một cách thưởng thức riêng và thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Chúng ta sẽ phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, đôi khi phải lao động chăm chỉ hoặc hy sinh một số sở thích cá nhân để hoàn thành công việc của mình. Do đó, đây không phải là khía cạnh chính mà chúng tôi tập trung vào dự án Trường học Hạnh phúc.
Hạnh phúc chính là sống một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn vì người khác và có những đóng góp giá trị cho xã hội.
Dựa trên các phát hiện và nghiên cứu khoa học, tôi cho rằng có 3 nền tảng của hạnh phúc.
Đầu tiên, con người cần biết cách chăm sóc và sống hài hòa với chính mình. Luôn tự hỏi mình đã đủ hiểu về bản thân chưa, vượt qua cảm xúc khó khăn được không, đủ từ bi, trắc ẩn yêu thương hay chưa? Đã biết cách nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực như lòng tốt, lòng biết ơn và sự hào phóng?
Thứ hai, biết chăm sóc, kết nối và sống hòa đồng với người khác. Đồng thời, phát triển các kỹ năng như đồng cảm, lắng nghe sâu, lòng trắc ẩn, tình bạn đích thực, tôn trọng và tin tưởng; cảm thấy có trách nhiệm đóng góp xây dựng cho cộng đồng và xã hội.
Cuối cùng, con người phải biết kết nối với thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên như sống xanh hơn, cảm thấy được trao quyền để đóng góp cho một tương lai sinh thái bền vững.
Thầy nhìn nhận thế nào về hạnh phúc và những áp lực của trẻ em Việt Nam trong trường học hiện nay? Mục tiêu lớn nhất của thầy khi mang dự án Trường học Hạnh phúc về Việt Nam là gì?
Đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra và làm nghiêm trọng thêm những vấn đề vốn đã xuất hiện trước đó. Một khảo sát gần đây xác định 33% thanh thiếu niên có nguy cơ trầm cảm ở Việt Nam và tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở hầu hết các quốc gia khác, kể cả những quốc gia giàu có như Thụy Sỹ.
Quá nhiều áp lực và sợ thất bại cũng là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, thậm chí kiệt sức. Đặc biệt, có mối tương quan chặt chẽ giữa an sinh, các kỹ năng cảm xúc xã hội cũng như kết quả học tập và làm việc lâu dài.
Do đó, mục tiêu của chúng tôi là nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của học sinh như một nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo dục. Đồng thời, chia sẻ các phương pháp thực tế và công cụ sư phạm để nâng cao hạnh phúc và an sinh của cả giáo viên và học sinh.
Kỳ thi, điểm số không phải mục tiêu cuối cùng
Giáo dục không chỉ là việc vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn là dạy cho các em học sinh cách cảm nhận, thích nghi và sống một cuộc đời hạnh phúc. Vậy theo thầy, để làm điều đó, trường học nên có những thay đổi tích cực nào?
Chúng ta đang sống trong thời đại của những thay đổi nhanh chóng và của cả sự “đứt gãy”. Các thế hệ tiếp theo sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ biến đổi khí hậu và thảm họa sinh thái cho đến sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và sự tái cấu trúc hoàn toàn thị trường việc làm cũng như nơi làm việc.
Mô hình giáo dục hiện nay nhìn chung đang giải quyết các vấn đề của ngày hôm qua. Nhưng để tự tin đối mặt với tương lai, chúng ta cần suy nghĩ lại về vai trò, phương pháp và chức năng của giáo dục, nhằm trang bị cho giới trẻ những kỹ năng và năng lực cần thiết để đáp ứng những thách thức này.
Ví dụ, làm thế nào chúng ta có thể chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác, từ phân tích dữ liệu logic sang sáng tạo và đổi mới, từ trí tuệ hạn hẹp sang đa trí tuệ, từ kiến thức học thuật đơn thuần sang phát triển hài hòa giữa trí óc, trái tim và bàn tay?
Các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần của hệ thống giáo dục, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục đích của giáo dục là giúp người trẻ phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, thực tiễn. Đồng thời, trang bị cho các em những kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống.
Kiến thức học thuật là quan trọng, nhưng trong thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), điều đó là chưa đủ. Họ cần các kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm.
Giáo viên và học sinh không nên tập trung quá nhiều vào việc vượt qua các kỳ thi mà hãy dạy và học các kỹ năng và năng lực mà thế hệ sau sẽ cần để trở thành những người tốt, những công dân gắn bó và những chuyên gia sáng tạo.
GS. Hà Vĩnh Thọ cho rằng, điểm số và các kỳ thi không phải mục tiêu cuối cùng của giáo dục. (Ảnh: NVCC) |
Chú trọng các giá trị đạo đức
Để học sinh cảm thấy vui vẻ khi đến trường, giáo viên cũng cần thay đổi tư duy về giáo dục? Theo thầy, sự thay đổi cần thiết lớn nhất của giáo viên sẽ là gì?
Hành trình xây dựng lại niềm hạnh phúc của giáo viên trong việc giảng dạy sẽ không dễ dàng, thậm chí có rất nhiều rào cản. Điều quan trọng, giáo viên phải hiểu rằng, hạnh phúc của họ đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và của lợi ích chung. Do đó, trường học hạnh phúc nên chú trọng các giá trị đạo đức.
Chất lượng của mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là một trong những yếu tố chính dẫn đến hạnh phúc của những người trẻ tuổi. Để làm được điều này, giáo viên không thể giới hạn nhiệm vụ của mình trong việc chia sẻ kiến thức và thông tin. Họ phải hiểu rằng trong thời đại Internet, thông tin luôn sẵn sàng, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể truy cập được chỉ bằng vài cú chạm trên điện thoại thông minh.
Chỉ ghi nhớ và kiểm tra xem thông tin đã được ghi nhớ là chưa đủ. Học sinh phải phát triển sự hiểu biết về bản thân, các giá trị đạo đức, tư duy phản biện, tính sáng tạo, khả năng làm việc theo nhóm và cùng nhau giải quyết vấn đề, các kỹ năng cảm xúc xã hội.
Nhiều nhiệm vụ sẽ được máy móc đảm nhận, vậy nên giáo viên phải tập trung vào các kỹ năng vốn có của con người mà máy móc sẽ không thực hiện được. Giáo viên trở thành huấn luyện viên và cố vấn.
Theo tôi, nên tập trung vào sức mạnh và tài năng riêng của học sinh thay vì điểm yếu và thiếu sót của các em, từ đó sẽ tạo ra bầu không khí lớp học tích cực có lợi cho tất cả.
Vai trò của Hiệu trưởng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc là gì? Các trường nên tập trung vào những giá trị nào?
Hiệu trưởng và phòng giáo dục đóng vai trò trung tâm. Những thay đổi quan trọng cần thiết chỉ có thể xảy ra nếu giáo viên cảm thấy có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cấp trên của mình. Để có thể thay đổi cách đánh giá học sinh, chúng ta cũng phải thay đổi cách đánh giá giáo viên và nhà trường.
Thành tích học tập tốt luôn quan trọng nhưng chưa đủ. Khả năng tạo ra bầu không khí lớp học tích cực, hỗ trợ về mặt tinh thần, tất cả những yếu tố quan trọng này phải là một phần trong quá trình đánh giá giáo viên.
Một khía cạnh quan trọng khác mà hệ thống giáo dục nên tập trung vào là sự hòa nhập. Những thách thức mà các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt chỉ có thể được giải quyết bằng nỗ lực và trí tuệ tập thể.
Trường học không chỉ phục vụ những học sinh tài năng nhất mà còn phải đảm bảo rằng không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả trẻ em có nhu cầu đặc biệt và khuyết tật.
Cuối cùng, chúng ta không nên quên phụ huynh, học sinh, giáo viên, sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của phụ huynh là điều cần thiết để có những thay đổi tích cực.
Xin cảm ơn Giáo sư!
GS. Hà Vĩnh Thọ làm việc nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt và trị liệu, chia sẻ cuộc sống hằng ngày với những trẻ vị thành niên có nhu cầu đặc biệt về trí tuệ và hành vi. Ông từng làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tại các vùng chiến sự ở khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Ông nguyên là Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) ở Bhutan; là giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học, trong đó có UCLouvain (Bỉ), Osnabrück (Đức) và Geneva (Thụy Sỹ). |
GS. Nguyễn Lân Dũng: Người trẻ phải học không ngừng, có năng lực thích ứng trong 'cơn bão' công nghệ Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, trong thế giới VUCA, người trẻ cần phải học và cập nhật liên tục, tiến tới có một năng lực ... |
| Làm sao để trẻ luôn tìm thấy hạnh phúc? Ngày quốc tế Hạnh phúc, làm sao để trẻ luôn tìm thấy sự lạc quan và hạnh phúc trong cuộc sống và cả chuyện học ... |
| Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Cần ‘biết đủ’ để đi tới hạnh phúc! GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bài học “biết đủ” để hạnh phúc ... |
| 'Mỗi thanh niên phải là người tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện' Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho rằng, mỗi đoàn viên, ... |
| Đi dã ngoại để rèn các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ Việc tổ chức chuyến dã ngoại, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động quan trọng của công tác giáo dục nhưng nó ... |