📞
Ngày Nhà giáo Việt Nam:

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng 17:54 | 17/11/2020
TGVN. Tự hào vì nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề dạy học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, nghề giáo không giúp gia đình ông giàu có như nhiều nghề khác, nhưng rất hạnh phúc vì yêu nghề, yêu đời và được cống hiến hết mình cho nghề. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Báo TG&VN trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ông.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, đạo đức của người thầy là nhân tố quyết định chất lượng của ngành giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Đạo đức của người thầy là nhân tố quyết định chất lượng của ngành giáo dục. Thầy cô đều phải là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh. Thế hệ chúng tôi, lớp sinh viên đầu tiên sau ngày Giải phóng Thủ đô, sở dĩ hầu hết đều trở thành những cán bộ nòng cốt trong các trường đại học, các Viện nghiên cứu, có lẽ phần lớn là do được học với những người thầy vô cùng giỏi giang và đức độ.

Thầy giỏi mới mong có trò giỏi. Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong có những thế hệ học sinh, sinh viên sống tử tế và có ý thức cống hiến hết mình cho xã hội. Xã hội ta tôn vinh nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Thầy cô giáo là những kỹ sư tâm hồn. Thầy cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách sống và cách phát triển nhân cách cho lớp lớp thế hệ trẻ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang.

Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức, trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngành giáo dục bắt buộc phải đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Sự đổi mới này trước hết phải từ đội ngũ thầy cô giáo. Kiến thức trao cho học sinh, sinh viên phải là những kiến thức chính xác, cập nhật và được lựa chọn cẩn thận.

Lớp trẻ được đào tạo ra thời nay phải thích ứng được với khởi nghiệp, còn có thể trở thành công dân toàn cầu, sẵn sàng tham gia học tập hay lao động với các nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) .

Thầy cô giáo không chỉ biết soạn giáo án, giảng dạy với các phương tiện mới nhất của công nghệ số, mà còn phải cùng học sinh, sinh viên hợp tác tìm ra chân lý và thực hành chân lý một cách sáng tạo nhất theo các kiến thức đã được tiếp nhận. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa yêu cầu người dạy phải biết dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp, phối hợp thỏa đáng mối quan hệ giữa chương trình và sách giáo khoa, kiểm tra và đánh giá thường xuyên kết quả giáo dục…

Trong những năm vừa qua, ngành giáo dục đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tuy nhiên, đời sống của nhà giáo vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, tại các địa phương miền Trung đã và đang phải đối phó với những tác hại khắc nghiệt của những đợt bão lũ kéo dài, gây thiệt hại nặng nề cho các trường lớp. Trong khi đó, thực tế giáo viên đang phải gồng gánh quá nhiều áp lực.

Bà Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch vọng B (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: một giáo viên tiểu học một ngày dạy 7 tiết, soạn 7 giáo án vì mỗi người phải dạy nhiều môn học khác nhau, chưa kể họ còn phải quản lý các lớp học bán trú... Giáo viên cũng không xác định được thời gian làm việc, họ ở trường từ 7 giờ 30 và rời trường sớm nhất là 17 giờ.

Có những bậc cha mẹ đón con muộn, có khi cô giáo phải trông học sinh đến 19 giờ. Nhưng về đến nhà thì giáo viên lại tiếp tục phải soạn bài, chấm bài... Trong khi đó, theo quy định hiện nay, lương của giáo viên tiểu học dù được đào tạo hệ Đại học nhưng chỉ được tính lương khởi điểm hệ trung cấp (theo chuẩn nghề nghiệp với giáo viên tiểu học), nghĩa là chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.

Chỉ một ví dụ này, chưa kể đến tình trạng thực tế của các thầy cô giáo đang bám thôn bản, miền núi xa xôi hay tại các vùng luôn bị thiên tai đe dọa, đủ thấy áp lực thực tế đối với từng giáo viên lớn thế nào. Bên cạnh đó, người giáo viên còn phải “làm dâu trăm họ”, luôn phải đáp ứng với mọi yêu cầu của Bộ, của Sở, của Phòng, của cha mẹ học sinh, của dư luận xã hội.

Trước thực tế này Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo: Rất nhiều quy định sẽ cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ phải cắt bỏ. Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi, tới đây cả việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt. Đặc biệt cần kiên quyết không đưa chỉ tiêu 100% học sinh được lên lớp để áp thi đua cho giáo viên.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, giáo viên chịu áp lực nhưng không thể vin vào áp lực để đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Và không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà khái quát lên làm cho các thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các thầy cô yên tâm. Đâu là sai phải sửa, không sửa được thì đưa ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ.

Tới đây sẽ tập trung vào các trường sư phạm. Trước hết, chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có phù hợp không, trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo bồi dưỡng, phần dạy chữ có thể yên tâm, nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh để phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực.

Chúng ta nhìn thấy rất nhiều thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống thì sẽ chủ động hơn, ít áp lực hơn. Ngược lại, có những thầy cô chưa được trang bị, thậm chí không phù hợp với nghề, có những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên, trong khi rèn luyện phẩm chất, kỹ năng là một quá trình.

Gia đình tôi, từ cha tôi, tới tôi và nay là hai con tôi, đều làm nghề dạy học. Tôi học được rất nhiều điều từ cha tôi - NGND. Nguyễn Lân. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, cha tôi đã phản ánh một phần trong cuốn tiểu thuyết đầu tay "Cậu bé nhà quê" (xuất bản năm 1925, cùng năm với tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách).

Bằng nỗ lực hết mình, cha tôi đã đỗ Thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (1932) và sau đó tham gia giảng dạy các cấp Phổ thông và Đại học cho đến tận năm 1970. Năm mừng thọ cha tôi 95 tuổi, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Năm 2000 đến, tuổi rồng bay/ Thọ chín mươi lăm, kính chúc Thầy/ Dạy chữ, sáng ngời thời đại mới/ Trồng người, cao đẹp đức tài nay/ Bụi trần danh lợi, không vương vấn/ Lẽ sống, tình thương, chẳng mượn vay/ Trăm tuổi, chỉ còn năm tuổi nữa/ Đời vui ăn quả nhớ ơn Cây”.

Cha tôi mất năm 2003 khi đã gần tuổi 100 và lớp lớp đông đảo học sinh thành đạt vẫn nhớ tới Cụ. Tôi cũng lập được hai kỷ lục, đó là từng học qua 4 trường Sư phạm (từ Sơ cấp đến Đại học) và tốt nghiệp Đại học năm 18 tuổi.

Tôi yêu nghề và tự hào đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên góp phần xây dựng ngành Vi sinh vật học ở Việt Nam. Con trai tôi dạy ở Đại học Y khoa Hà Nội và con gái tôi dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nghề giáo làm cho gia đình chúng tôi không giàu có như nhiều nghề khác, nhưng rất hạnh phúc vì yêu nghề, yêu đời và được cống hiến hết mình cho nghề. Năm 90 tuổi, trong cuốn Hồi ký giáo dục cha tôi đã viết: “Tôi chỉ mong rằng, từ nay đến khi được về thế giới bên kia, tôi vẫn giữ được tư cách là một người dân yêu nước và một người thầy không phụ lòng tin tưởng của bao thế hệ học sinh”.

Ước nguyện của tôi có lẽ cũng không có gì khác.