GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng. |
Những năm gần đây, bạo lực học đường diễn ra đáng báo động từ chuyện giáo viên tát học sinh, học sinh đánh hội đồng bạn, phụ huynh vào trường hành hung giáo viên… Gần đây là chuyện cô giáo phạt học sinh quỳ tại một trường cấp 2 ở Thường Tín (Hà Nội) hay cô giáo đánh hàng loạt học sinh tại Hải Phòng khiến dư luận bức xúc.
Quan điểm của Giáo sư thế nào về tình trạng bạo lực học đường những năm gần đây?
Đây là chuyện đáng buồn, nhưng có bao nhiêu vụ bạo lực học đường trong tổng số các trường và trong tổng số học sinh? Thực tế đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” chứ không nên đánh đồng cả ngành giáo dục.
Nói như vậy không có nghĩa là coi thường tình trạng bạo lực học đường đang rất đáng quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên có cái nhìn quá xấu, quá bi quan về toàn ngành giáo dục. Phê phán không đúng mức sẽ làm tổn thương danh dự của hơn 1,24 triệu thầy cô giáo, trong đó phần đông lương không đủ sống nhưng vẫn yêu nghề, mến trẻ và toàn tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Đặc biệt, các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa có khi phải dạy tiếng Việt trước khi dạy chữ, có khi phải múc nước từ xa cho học sinh rửa ráy trước khi vào lớp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các em ở lại ăn bữa trưa tại trường, để các em không bỏ học…
Có bao nhiêu giáo viên bắt học sinh quỳ, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt học sinh tát bạn? Họ đã bị kiểm điểm nghiêm khắc và có thể bị đình chỉ giảng dạy. Đó chỉ là con số rất nhỏ trong số những giáo viên tâm huyết, đáng kính trọng.
Đồng thời, cần kỷ luật nghiêm khắc các học sinh hỗn láo, manh động, coi thường kỷ luật. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì cho nghỉ học có thời hạn, hoặc đuổi học, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tuổi vị thành niên. Kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân vi phạm sẽ có tính răn đe cao với toàn lớp, toàn trường. Xin đừng để những con sâu đó làm rầu cả nồi canh rộng lớn của toàn ngành giáo dục.
Có ý kiến cho rằng, bạo lực học đường đáng báo động do thực thi luật không nghiêm, gia đình lại “thả nổi” việc dạy con. Theo ông, còn có nguyên nhân nào khác?
Rõ ràng, đây là trách nhiệm của giáo viên, gia đình và của cả toàn xã hội. Có những phụ huynh chỉ lo kiếm tiền mà coi nhẹ việc chăm sóc, giáo dục con cái hoặc “bán khoán” con cho nhà trường, gia sư và người giúp việc.
Có những bậc cha mẹ không sống tử tế, thiếu nền móng giáo dục, thiếu gốc rễ thì làm sao mong con mình có thể trở thành người tử tế? Những thầy cô giáo không biết tự kiềm chế bản thân, thiếu tinh thần bao dung với thế hệ trẻ, chỉ thích dùng các hình phạt nặng nề với những khuyết điểm nhỏ nhặt rất khó để sản phẩm giáo dục hoàn hảo.
Mặt khác, Internet đang tác động, khiến không ít bạn trẻ xao lãng học hành, dành quá nhiều thời gian vào Facebook và các trang mạng xã hội…
Lối thoát nào cho tình trạng này khi quyền của người Thầy đang bị thu hẹp do sự lên ngôi của mạng xã hội và sự giám sát của dư luận?
Gia đình phải bắt tay cùng nhà trường, các tổ chức xã hội để có những định hướng đúng đắn và giáo dục nhân cách cho các em. Hiện nay, tôi thường xuyên đi nói chuyện tại các trường THPT. Để ý, tôi thấy các em rất lắng nghe và tham gia trao đổi trong suốt hai, ba giờ liền. Tôi chỉ kể những điều mắt thấy tai nghe ở nước ngoài về robot thế hệ mới, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo… Tôi nói rõ thách thức cũng như cơ hội đối với các em trước khi chuẩn bị bước vào đời.
Tôi nhắc đến cuộc sống bình quân của mỗi người chỉ có khoảng 4000 tuần lễ. Hãy để 4000 tuần lễ ấy trôi qua một cách sôi động, hào hứng, hạnh phúc và có ích. Làm sao để mỗi người cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, sống tử tế và có những đóng góp cụ thể cho đất nước.
Bên cạnh kiến thức sách vở, các em cần nhiều hơn những kỹ năng, trải nghiệm. Vì vậy, hãy dừng rao giảng đạo lý, hãy kể từng câu chuyện đời thường cho các em nghe. Chẳng hạn, chuyện em Lê Thị Thắm không có hai tay vẫn tốt nghiệp đại học và tình nguyện làm giáo viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong làng. Đó là chuyện em Trần Hồng Giang tuy liệt cả tay lẫn chân, dù chỉ có thể gõ máy tính bằng nửa chiếc đũa ngậm vào miệng vẫn trở thành nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Còn biết bao tỷ phú nông dân được nêu gương trong chương trình truyền hình “Sinh ra từ làng”…
Hãy khuyên các em tìm hiểu về 8 trí thông minh và hãy quan niệm, học để trở thành con người tự do, trước hết là tự do lựa chọn ngành nghề và đủ quyết tâm để làm giàu bằng chính ngành nghề đó trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Vậy quan điểm “thương cho roi, cho vọt” có còn phù hợp, thưa ông?
Khi trẻ đã ý thức về con đường đi của mình thì đâu cần đe nẹt, đâu cần roi vọt, các em sẽ thấy học là cho chính mình. Bên cạnh đó, lòng thương yêu của cha mẹ, thầy cô và tình bạn chân chính sẽ giúp các em không thể lầm lẫn trong cuộc đời bằng sự lười nhác, vô kỷ luật.
Năm học mới đã bắt đầu với quyết tâm của toàn ngành giáo dục, khắc phục mọi tiêu cực trong thi cử và quản lý học sinh, sinh viên. Chúng ta mong các thầy cô giáo sẽ lấy niềm vui, niềm vinh hạnh của người “trồng cây” như lẽ sống của đời mình. Mong học sinh hiểu được tương lai đất nước này thuộc về các em. Đặc biệt, phụ huynh hãy trao quyền cho giáo viên. Để đẩy lùi nạn bạo lực học đường cần có đầy đủ ba “chân kiềng” trong giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội.
Các bạn trẻ hãy dũng cảm phấn đấu để trở thành những công dân tử tế, sống mạnh mẽ, hạnh phúc và có nhiều đóng góp cho đất nước. Mong sao nhiều em sẽ có đủ tư cách và năng lực để trở thành công dân toàn cầu, không chỉ cống hiến cho nước nhà mà còn cho toàn nhân loại.
Xin cảm ơn GS. NGND!