GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt từ khi thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện. (Nguồn: VTC) |
Bức tranh giáo dục Việt Nam có thể hình dung cả hai phía, phía sáng và phía tối, nói cách khác là cả thành tựu và tồn tại.
Về thành tựu, không thể phủ nhận những bước tiến của sự nghiệp giáo dục từ khi thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
Về giáo dục mầm non, đến năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tháng 8/2018, đã thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em diện phổ cập.
Về giáo dục phổ thông, đã có trên 67% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đồng thời, đã dần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở trường phổ thông và hiện tượng luyện thi tràn lan. Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục duy trì ở mức cao.
Về giáo dục đại học, đến năm 2018 có 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong nhóm 400 trong bảng xếp hạng đại học châu Á của QS World Rating.
Lần đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đại học quốc tế, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng đại học QS World (thế giới có hơn 21.000 trường đại học).
Ngoài ra, cũng đã có 3 trường đại học khác đạt mức 3 sao, 1 trường đạt mức 4 sao theo chuẩn gắn sao đại học thế giới. Trong đó, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 150 trường tốt nhất châu Á (châu Á có 6.000 trường đại học).
Về giáo dục thường xuyên, đã có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 80,3% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Cái khó nhất đối với ngành giáo dục chính là tìm cách khắc phục các yếu kém còn tồn tại trong ngành giáo dục. Đó là nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn nặng, chưa quan tâm đúng mức tới giáo dục kỹ năng sống; đổi mới phương pháp dạy học có nhiều cải tiến nhưng chưa thật ổn định; một số vấn đề như dạy thêm học thêm, lạm thu... chưa được giải quyết triệt để.
Tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới chưa đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Chất lượng sách giáo khoa mới chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đạt yêu cầu. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Chính sách tiền lương đối với nhà giáo chưa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp còn chênh lệch và nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Việc dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên không đạt yêu cầu mong muốn.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng muốn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì cần phải có chiến lược thế nào? Chính sách thu hút hiền tài ra sao? Làm sao để xây dựng chính sách để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai?
Ở vấn đề này, tôi đồng ý với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi ông phát biểu: Đổi mới để chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt…
Tôi muốn nhắc lại phần giáo dục và đào tạo mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo… Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Đường lối đã rõ ràng, chỉ cần có quyết tâm thực hiện, có biện pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã được xác định.
Bước sang năm mới, tôi rất tin tưởng vào sự đổi mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tôi muốn có một đóng góp cụ thể, dù nhỏ bé vào sự đổi mới này. Qua truyền hình, tôi được biết câu chuyện một nữ sinh đạt giải thưởng Olympic và được Chính phủ tặng Huân chương Lao động.
Truyền hình kể lại việc em này được cô giáo bồi dưỡng bằng cách cho đọc thêm một cuốn sách tham khảo. Qua màn hình tôi thấy đó là bản dịch sách Sinh học của Campbell và cộng sự. Một cuốn sách dành cho sinh viên, dày đến 1.277 trang và giá đến 1.750.000 đồng.
Tôi nảy ra ý định viết một cuốn Sinh học - Khoa học về sự sống, đúng chương trình Sinh học ở bậc phổ thông nhưng sâu hơn nhiều. Tôi đã cộng tác với hai giáo viên phổ thông để hoàn thành cuốn sách này.
Sách đã được xuất bản, như vậy là giáo viên Sinh học nào (hoặc các học sinh chuyên ban) đều có thể mua được. Có nội dung cao hơn sách giáo khoa rõ rệt, tôi tin tưởng thầy cô giáo sẽ dạy hay hơn, tốt hơn rất nhiều.
Các em học sinh chuyên ban có điều kiện tốt hơn để ôn tập khi muốn thi vào các trường đại học có tính cạnh trao cao, hay thi Olympic quốc tế. Hồi âm của các giáo viên Sinh học khi sử dụng cuốn sách này làm tôi rất phấn khởi.
Tôi đã gặp Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và mong Liên hiệp Hội đề nghị với các Hội Khoa học chuyên ngành đều in các cuốn sách tương tự cho tất cả các môn học. Nếu làm được điều này tôi tin sẽ có sự thay đổi rõ rệt cho việc dạy và học ở tất cả các trường phổ thông. Đó có phải là một đóng góp đáng hy vọng hay không?
Đối mặt với đại dịch Covid-19, ngành giáo dục gặp vô vàn khó khăn nhưng đã chuyển mình, thích ứng bằng hình thức học online, để học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học. Đặc biệt, Việt Nam có chương trình rất nhân đạo là "Sóng và máy tính cho em"...
Mong rằng ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, không ngừng sáng tạo, không ngừng học hỏi, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này, đảm bảo quyền được học tập của trẻ. Đồng thời, cần giảm những áp lực học tập, áp lực thành tích cho học sinh, nhất là trong bối cảnh dạy học trực tuyến.