GS. Trương Nguyện Thành nêu quan điểm, các bạn trẻ có nhiệt huyết, có đủ thông minh, nhưng nhận thức về hành trình khởi nghiệp chưa chín chắn, còn mông lung. |
Ông có thể vẽ ra bức tranh khởi nghiệp của các bạn trẻ nước ta hiện nay?
Theo tôi biết thì phong trào khởi nghiệp rộ lên từ những năm 2016, 2017. Ở thời điểm đó, tôi cũng đã nói chuyện với bạn bè trẻ rằng phong trào này đang phát triển theo chiều hướng… không ổn. Nghĩa là, bức tranh khởi nghiệp được tô vẽ bởi truyền thông nhưng không hoàn toàn chính xác.
Chúng ta ca ngợi những thành công, khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận rằng khởi nghiệp nghĩa là mình móc tiền đầu tư của người ta dễ. Tôi cho rằng, bức tranh khởi nghiệp đã không chính xác ngay từ đầu. Cho đến nay, bức tranh ấy cũng chẳng thay đổi gì nhiều.
Điều này dẫn đến việc tầng lớp trẻ, nhất là các bạn vừa tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm đi làm sẽ có nhận định méo mó về khởi nghiệp. Họ nghĩ rằng, khởi nghiệp thì sẽ có khả năng được làm ông chủ, dễ kiếm tiền đầu tư.
Họ cho rằng, đưa ra ý tưởng hay, sẽ có khả năng thu hút vốn đầu tư, vẽ lên một bức tranh màu hồng.
Rồi họ đưa ra bài toán giả định nếu làm thì sang năm mình sẽ được doanh thu cỡ này, hai năm nữa sẽ được doanh thu cỡ này, thổi phồng lên những con số không thật, ảo tưởng và tự thuyết phục mình rằng dấn thân thì sẽ thành công…
Và chưa có ai nêu lên bức tranh thật rằng Việt Nam có bao nhiêu công ty đăng ký khởi nghiệp, bao nhiêu công ty đó tồn tại sau 2 năm, sau 5 năm và bao nhiêu công ty đã đăng ký từ những năm 2015 giờ này còn tồn tại?
Con số đó có, bức tranh khởi nghiệp thực có. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta chưa nhìn được hết thực tế khởi nghiệp thực thế nào mà chủ yếu là hô hào những tấm gương này kia thành công.
Vậy việc gì xảy ra? Những người làm khởi nghiệp, nhất là các bạn trẻ không hiểu bức tranh thực của nó sẽ dính vào vết xe đổ của người đi trước, cứ thế sẽ… đổ thôi.
Nói một cách dễ hiểu, những người không thành công sẽ biến mất khỏi bức tranh khởi nghiệp và không còn nghe họ nói nữa. Đặc biệt, từ năm ngoái đến nay, dịch Covid-19 đã “giết” không biết bao nhiêu ý tưởng khởi nghiệp. Kinh tế khó khăn, khởi nghiệp tiền đâu, kể cả có tiền nhưng không làm ra sản phẩm, hoặc không đưa được ra thị trường là “chết”.
Cho nên, tôi cho rằng những công ty lớn, công ty nhỏ mà đã có thị trường còn khổ sở, “chết lên, chết xuống” với tình hình Covid-19, huống hồ với những công ty mới khởi nghiệp chưa có doanh thu và vẫn còn lệ thuộc vào vốn đầu tư.
Hiện nay, không ít bạn trẻ dù có ý tưởng tốt, có tư duy từ “ao làng” sang “biển lớn” nhưng con đường khởi nghiệp khá chông chênh, chật vật, vì sao thưa ông?
Gặp và nói chuyện với không ít bạn trẻ về khởi nghiệp, tôi nhận thấy họ chưa hiểu biết, chưa có nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, quy trình khởi nghiệp bao gồm những cái gì?
Dường như các bạn trẻ cứ nghĩ khởi nghiệp là đi ra làm ông chủ, có khả năng làm giàu, có ý tưởng ra sản phẩm, kiếm thị trường, làm giám đốc, kêu gọi đầu tư, lấy tiền đầu tư thuê mướn nhân sự, nhờ nhân sự để có doanh thu… như một quy trình rất dễ dàng.
Tôi cho rằng, các bạn trẻ có nhiệt huyết, có đủ thông minh, nhưng nhận thức về hành trình khởi nghiệp chưa chín chắn, còn mông lung.
Một trong những vấn đề mà tôi thấy rất rõ ở các bạn trẻ, đó là họ hay suy nghĩ ảo tưởng về sản phẩm của mình, rằng “tôi làm cái đó thì người ta sẽ ùn ùn đến mua hàng”; “tôi làm sản phẩm này đảm bảo không có đối thủ trên thị trường”, “sản phẩm của tôi siêu việt, ưu việt”…
"Một bộ phận các bạn trẻ khi chưa có cơ hội đi làm thì ý tưởng khởi nghiệp, ra làm chủ đối với họ rất ấn tượng. Nó giống như một miếng bánh ngon có sức hút rất lớn. Cho nên, họ đang tự tạo cho mình cái 'bánh vẽ' thật lớn, tự thuyết phục mình, rằng 'bánh vẽ' này sẽ thành công trong tương lai. Đương nhiên hy vọng vào tương lai sẽ cho chúng ta động lực để vượt qua thử thách. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa hy vọng và ảo vọng". |
Nhưng đáng lý ra các bạn cần phải hỏi rằng: Sản phẩm đó có cần hay không? Người tiêu dùng có chấp nhận móc ví trả tiền cho nó hay không?
Ở đây tồn tại hai vấn đề, cần là một chuyện, còn cần và chấp nhận móc ví trả tiền cho sản phẩm lại là chuyện khác. Bởi cái cần nhưng chưa chắc tôi sẽ ưu tiên. Tôi sẽ xoay ra bài toán ưu tiên, trong những cái tôi cần thì cái này có thực sự cần hơn cái kia không?
Vậy đâu là nguyên nhân thất bại, theo ông?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của những bạn trẻ khởi nghiệp. Đa số nguyên nhân thất bại là “hết máu”, tức là có ý tưởng, kiếm tiền hùn vốn làm ra thành phẩm nhưng chủ quan và chưa đánh giá chính xác về cái giá phải trả.
Thực tế, từ ý tưởng ra sản phẩm để có thể trình bày với nhà đầu tư khó hơn nhiều và nó cần thời gian và vốn để làm chuyện đấy. Trong quá trình đó, họ hết tiền dự trữ do quản lý phát triển, chi tiêu, nhân sự không hiệu quả.
Dù khao khát chinh phục chính mình, nhưng con đường khởi nghiệp lại gặp nhiều chông gai. Vậy theo ông, người khởi nghiệp muốn thành công cần phải có những phẩm chất gì?
Người khởi nghiệp phải thích làm những gì mới, thích thử thách, thích dấn thân, thích thay đổi… Họ là những người không sợ vấp ngã, không sợ thử thách, “điên” có tính toán.
Những người này nhạy bén với thị trường, với sự thay đổi của thị trường, nhạy bén với xu hướng phát triển của xã hội, kinh tế. Họ nhìn thấy được cơ hội trong những thử thách.
Như ông phân tích, nhiều người hiểu sai về bản chất của khởi nghiệp, vì mong muốn kiếm thật nhiều tiền, hoặc khởi nghiệp để mình làm ông chủ chứ không phải đi làm thuê. Có phải đây là một trong những lý do khiến họ thất bại?
Một bộ phận bạn trẻ khi chưa có cơ hội đi làm thì ý tưởng khởi nghiệp, ra làm chủ đối với họ rất ấn tượng. Nó giống như một miếng bánh ngon có sức hút rất lớn.
Cho nên, họ đang tự tạo cho mình cái “bánh vẽ” thật lớn, tự thuyết phục mình, rằng “bánh vẽ” này sẽ thành công trong tương lai. Đương nhiên hy vọng vào tương lai sẽ cho chúng ta động lực để vượt qua thử thách. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa hy vọng và ảo vọng.
Họ tìm kiếm những thông tin để tự thuyết phục mình rằng cái “bánh vẽ” này sẽ trở thành hiện thực thay vì khách quan đánh giá cẩn thận được - mất. Họ tự để thiên kiến xác định của mình lấn át những yếu tố thực tế khó chấp nhận.
Cá nhân tôi cũng từng thất bại trong khởi nghiệp nên tôi hiểu tại sao có những công ty lớn thành công nhưng vẫn “chết” như thường. Lý do thì nhiều nhưng nói về khía cạnh khởi nghiệp ở những bạn trẻ, tôi nhận thấy dường như họ chưa có cái nhìn, hiểu và kinh nghiệm đúng đắn để bắt đầu quy trình khởi nghiệp.
Nói thế cũng có một số bạn trẻ khởi nghiệp khá thành công. Tôi xin nhắc lại 90% khởi nghiệp thất bại và đa số "chết" trong giai đoạn sau 2 đến 5 năm.
Cũng nên nói thêm, có lẽ do ảnh hưởng truyền thông mà nhiều người làm khởi nghiệp dùng số tiền đầu tư để đo lường mức độ thành công. Đây là một cái nhìn khá méo mó về khởi nghiệp. Giải pháp hoàn hảo nhất của khởi nghiệp là chỉ cần tiền đầu tư khi scale-up (mở rộng quy mô).
Cho nên, tôi có lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp rằng, nên đi làm công trước khi làm ông chủ. Nghĩa là, bạn muốn mở quán cà phê phải biết mua cà phê ở đâu, cà phê tốt như thế nào, bạn cần biết pha chế cà phê, biết phục vụ, quản lý nhân sự, quản lý tài chính,… để điều hành một quán cà phê ra sao và kể cả cân bằng cuộc sống.
Chứ nếu bạn mượn một khoản tiền rồi ra mở quán mà chưa từng làm qua vị trí nào ở quán cà phê là một sai lầm rất lớn. Cho nên, theo tôi nghĩ, muốn làm cái gì thì đi làm công cho người ta trước một vài năm để học nghề.
GS. Trương Nguyện Thành bên các bạn trẻ. |
Nhưng ở một khía cạnh khác, người khởi nghiệp cũng cần máu lửa, cần dấn thân, cần thử thách và lựa chọn an toàn, không mạo hiểm thì khó có thể thành công. Ông có nghĩ như vậy?
Một người trước khi quyết định khởi nghiệp phải trả lời cho câu hỏi “tại sao”? Điều gì thôi thúc bạn bỏ cái hiện có để làm khởi nghiệp? Đương nhiên với bạn trẻ khi hiện tại chưa có gì thì không có gì để mất.
Tại sao mình muốn làm chuyện đó? Nếu câu trả lời tại sao bạn khởi nghiệp dính tới “cái gì mà bạn nhận được” trong tương lai thì nên suy nghĩ cẩn thận và dừng lại, suy nghĩ lại.
"Người điên có tính toán là người chấp nhận thử thách nhưng có tính toán về những nguy cơ cho họ tới đâu? Khi muốn làm gì đó, họ sẽ tính toán xác suất thống kê, những gì sẽ xảy ra, xác suất thành công. Họ sẽ không nghĩ nếu làm chắc chắn sẽ thắng, mà làm cái này xác suất thành công là bao nhiêu phần trăm?". |
Bởi lẽ, bạn sẽ đưa ra những quyết định chủ quan hay không vì sự tồn tại của khởi nghiệp nếu như nghĩ chỉ cần khởi nghiệp thì một, hai năm sau sẽ có xe bốn bánh, sẽ đem về khoản tiền khổng lồ.
Nếu mình hiểu rõ câu trả lời "tại sao", rồi mới nói chuyện “làm cái gì”. Lúc trả lời “làm cái gì” rồi mới tới "làm như thế nào", liệu bạn có biết hay không?
Cho nên, hãy bắt đầu bằng câu hỏi “tại sao bạn muốn làm khởi nghiệp?”, “bạn muốn làm cái gì? rồi cuối cùng mới đến “bạn làm như thế nào?”. Đưa ra lý do biện minh chính đáng để cho rằng cái đó có cơ hội, thuyết phục được nhà đầu tư hay khách hàng tiềm năng.
Nếu như bạn trả lời được ba câu hỏi đó, may ra mới có cơ hội chứ không phụ thuộc bạn trẻ hay già.
Các startup cứ vô tư mọc lên như nấm sau mưa bất chấp thất bại dù được cảnh báo. Có người dí dỏm rằng phải “điên” thì mới làm được việc lớn. Và để khởi nghiệp thành công thì đôi lúc cũng phải “điên”, nhưng như ông đề cập là “điên” có tính toán?
Người điên có tính toán là người chấp nhận thử thách nhưng có tính toán về những nguy cơ cho họ tới đâu? Khi muốn làm gì đó, họ sẽ tính toán xác suất thống kê, những gì sẽ xảy ra, xác suất thành công. Họ sẽ không nghĩ nếu làm chắc chắn sẽ thắng, mà làm cái này xác suất thành công là bao nhiêu phần trăm?
Nếu 60% thành công, 40% thất bại thì có chấp nhận không? Đó là “điên” có tính toán, bởi không có gì hoàn toàn tuyệt đối, đồng thời nếu bạn muốn làm điều gì an toàn thì không nên khởi nghiệp.
Khởi nghiệp được xem là chiếc bánh cần làm từ bột, đường và công phu chế tác, đó không phải là "bánh vẽ" dành cho người có khiếu hội họa. Vì vậy, nếu muốn khởi nghiệp hãy cân nhắc xem mình là thợ làm bánh hay là họa sĩ đầy mơ mộng. Ông nghĩ sao?
Đều có cả hai, nhưng nếu vẽ cái “bánh vẽ” quá lớn thì nó sẽ làm cho bức tranh thực tế bị méo mó. Nên tốt hơn hết chúng ta cần cẩn thận và thật khách quan đánh giá.
Khởi nghiệp tốt chứ không phải xấu nhưng cần phải hiểu lý do bạn muốn khởi nghiệp, bạn muốn làm gì, liệu rằng bạn có chấp nhận con đường ấy hay không và hiểu rõ chính xác con đường ấy khổ ải cỡ nào.
Còn yếu tố cần phải dấn thân, phải kiên trì cũng một phần, bởi bài toán này khá phức tạp, cần kiên trì để vượt qua thử thách.
Chúng ta có cần chiến đấu đến giọt máu cuối cùng hay không? Câu trả lời là không. Thực tế bức tranh theo quy trình khởi nghiệp không hề đơn giản. Kiên trì là đúng, kiên trì có tính toán là đúng nhưng kiên trì cũng phải có mức độ chứ không phải “chiến đấu cho tới giọt máu cuối cùng”.
Còn khi nào chúng ta quyết định “rút quân” là cả quá trình đánh giá.
Nếu muốn dành lời khuyên cho những bạn trẻ đang háo hức khởi nghiệp, ông sẽ nói gì?
Các bạn trẻ hãy trả lời 3 câu hỏi: Tại sao bạn muốn làm chuyện đó? Bạn làm gì? Bạn làm như thế nào?
Đồng thời, bạn có chấp nhận cuộc sống trong 5 năm tới sẽ không có gì? Không có gì ở đây không chỉ giới hạn ở tiền và vật chất, mà sẽ không có thời gian cho cuộc sống, không có thời gian đi chơi, dành cho bản thân... Nếu chấp nhận được thì đi con đường đó, còn không chấp nhận được thì hãy suy nghĩ lại.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
GS. Trương Nguyện Thành có kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông trở thành Giáo sư chính môn Hóa Lý tại Đại học Utah (Mỹ) vào năm 1992. Là nhà khoa học nổi tiếng với gần 200 bài nghiên cứu quốc tế và 2 bằng phát minh, GS.Trương Nguyện Thành đồng thời là người sáng lập Mạng lưới Tri thức Việt toàn cầu. Ông cũng đã giúp đỡ nhiều sinh viên Việt giỏi sang Mỹ du học bằng nguồn tiền từ quỹ nghiên cứu của mình. |
| TP. Hồ Chí Minh: Sáng nay, 1.000 học sinh đầu tiên sẽ tiêm vaccine Covid-19 Sáng nay (27/10), hơn 1.000 học sinh từ 12-17 tuổi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vaccine Covid-19. |
| Bác sĩ, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Chưa có vaccine cho trẻ em thì chưa nên mở cửa trường học trực tiếp PGS.TS, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, chúng ta chưa có ... |