📞

GS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, không thể không quản được thì cấm!

Yến Nguyệt 13:40 | 23/09/2020
TGVN. Tranh cãi về việc nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học vẫn chưa dừng lại. Báo TG&VN đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, không thể không quản được thì cấm việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. (Ảnh: NVCC).

Ông nhận định thế nào về quy định học sinh không được “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”?

Trước hết, tôi xin khẳng định mục đích của cuộc chia sẻ này nhằm phân tích vấn đề một cách khoa học và khách quan. Thực ra, cho phép tôi, dẫn lại điều cơ bản trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT toàn cục: Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm: Nội dung 4: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Nếu xem toàn cục của vấn đề thì rõ ràng tính hợp lý của một thông tư đã được đầu tư rất đảm bảo. Có lẽ, chúng ta cần nhìn nhận chuẩn của vấn đề, từ ngữ nghĩa, mục tiêu thay vì chúng ta bị lao vào vòng xoáy của những cách tư duy... lạ.

Nếu nói ngược lại, thế thì sử dụng điện thoại di động, thiết bị khác trong lớp học không phục vụ mục đích học tập thì sẽ làm gì? Liệu điều ấy người lớn chúng ta có muốn không? Và nếu sử dụng khi không được thầy cô cho phép thì điều gì sẽ xảy ra? Vì thế, chúng ta cần có vài nội dung cần làm rõ:

Một là, từ phía nhà giáo dục, tôi cho rằng cần nhìn thông tư này đã có cải tiến đáng kể, nghĩa là không cấm học sinh, nhưng cũng không đồng ý rằng các em sử dụng vô tư. Sự định hướng và tính mục tiêu rất rõ ràng, vì thế nhà giáo dục cũng nên nhìn ở mặt tích cực. Không phải cái gì không quản lý và giáo dục được là cấm, hay không phải cứ lo lắng bằng cảm tính mà hãy khai thác, tìm cách thức tổ chức hiệu quả.

Từ phía phụ huynh, cũng đừng quá căng thẳng, suy diễn khi học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học.

Cùng với đó, những nhà phản biện xã hội cũng cần đặt mình vào vị trí của nhà giáo dục và học sinh để thấy, việc chúng ta sống trong bối cảnh dạy học 4.0; học sinh học tập tích cực; dạy học phát triển phẩm chất và năng lực thì dạy các em biết cách quản lý chính mình là điều quan trọng; dạy các em trưởng thành từ cuộc sống với các kỹ năng và kinh nghiệm khai thác thông tin là cần thiết!

Theo ông, sẽ có những hệ lụy, rủi ro gì nếu như điện thoại thông minh được hợp thức hóa trong lớp học?

Tôi nghĩ, chúng ta không nên suy luận theo kiểu này bởi về mặt thông tư, rất ổn và an toàn. Việc hợp thức hóa nếu có thì xuất phát từ lối tư duy tiêu cực.

Xin được nhấn mạnh: Học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp phải phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép, là cách lật ngược vấn đề sẽ giúp chúng ta thấy rằng, điện thoại di động, các thiết bị khác sử dụng khi thầy cô cho phép - nghĩa là không cấm tuyệt đối.

Thực tiễn cho thấy, trong giáo dục phổ thông, việc nhiều trường cấm tuyệt đối việc sử dụng điện thoại di động là có thật, nên dẫn đến những hạn chế về học tập của các em, nhất là với các tiết học cần có nguồn tin, cần có sự khám phá thông tin...

Cũng cần nhận ra, liệu chúng ta có thể rèn luyện cho người khác kỹ năng sử dụng thông tin hiệu quả hay kỹ năng sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khoa học nếu như nhà trường không quan tâm đến việc rèn luyện? Cần nhìn vấn đề này ở góc nhìn hiện đại, nhân văn và phát triển xuất phát từ nhu cầu của các em.

Có ý kiến cho rằng, “cấm đoán là bảo thủ, lạc hậu, là đi ngược lại xu thế, là đóng cửa tương lai của mình, tương lai thế hệ trẻ, tiền đồ đất nước”. Ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng suy luận này có thể nói là “làm quá” bởi học sinh không chỉ sống ở trường học mà thời gian các em sống ở gia đình, tham gia các hoạt động khác rất nhiều. Thực tiễn cũng minh chứng, việc cấm sử dụng điện thoại trong biên độ buổi học, tiết học chứ không phải quá căng thẳng đến mức tuyệt đối trong mọi buổi, mọi hình thức.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét kỹ trong thông tư, cần quan tâm đến hai vấn đề: Một là, ở điều 24 về Phát triển văn hóa đọc: Trường trung học tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hoá đọc. Trường trung học có trách nhiệm phát triển kỹ năng đọc và kỹ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh...

Hai là, điều 35 về Quyền của học sinh: Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể thao của nhà trường theo quy định. Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này...

Từ đó cho thấy chúng ta cần tôn trọng, cần chuẩn bị các điều kiện học tập, các kinh nghiệm để học sinh trưởng thành.

Ở góc độ khác, trong chương trình mới, học sinh lớp 11 và 12 sẽ được giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp; chuẩn bị vào đời, định hướng bản thân... Do đó, các em cần thích ứng, khai thác thông tin hữu ích trên điện thoại di động, các thiết bị khác khi học tập các nội dung có liên quan.

Việc cho học sinh tiếp cận với các loại máy móc hiện đại như máy tính bảng, điện thoại di động thông minh là một nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, có nhất thiết cho học sinh mang điện thoại vào lớp mới có thể áp dụng hiệu quả các hình thức dạy học hiện đại hay không, thưa ông?

Tôi không cho cái gì là tuyệt đối nhưng chính học sinh sẽ là người trả lời chính xác nhất câu hỏi này, kế đến giáo viên là người trả lời một cách có trách nhiệm nhất.

Đơn cử như: Giáo dục STEM sẽ triển khai thế nào nếu thiếu các thiết bị cá nhân để các em tìm hiểu, cập nhật? Hay Hoạt động trải nghiệm với các chủ đề có liên quan đến điện thoại di động, các thiết bị khác như môi trường làm việc, làm nghề, các em sẽ ra sao?

Hãy giúp các em thích ứng và trưởng thành thay vì "bao bọc", để các em mãi xa lạ với đời sống thật, rồi chính chúng ta lại phàn nàn các em thiếu và yếu về kinh nghiệm thực tiễn, "âm nặng" kỹ năng sống...

Chúng ta sẽ làm gì nếu các chủ đề về An ninh mạng, Khai thác thông tin hiệu quả; Sử dụng điện thoại thông minh trong các kỹ năng sống cần trang bị. Chúng ta nên hiểu và công bằng trong việc tiếp nhận thông tin là thế!

Hiện nay, phụ huynh lo ngại sự chen chân của chiếc điện thoại vào lớp học là có cơ sở, bởi chỉ một thao tác có thể dẫn các em lạc vào một thế giới khác. Có khi nào việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ chẳng khác nào việc “thả gà ra mà đuổi” như nhiều nhận định?

Vậy xin cho phép hỏi ngược lại: Có bao giờ chúng ta so sánh thời gian học sinh ở trên lớp học và sống ở nhà? Chúng ta nghĩ thế nào về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi được cho phép khai thác phục vụ học tập khi so sánh ở nhà và ở trường? Chúng ta lo lắng về các em nhưng chúng ta phải tôn trọng học sinh, phải chấp nhận, đồng hành và giáo dục thay vì chúng ta cấm đoán.

Xin khẳng định, chúng tôi đồng cảm với phụ huynh, hiểu và xin được sát cánh với phụ huynh, nhưng hãy vì các em, hãy chia sẻ và định hướng hành vi của con cái thay vì lo lắng, cấm đoán, lo sợ và triệt tiêu.

Ông có gợi ý gì để quản lý hiệu quả việc sử dụng điện thoại thông minh trong dạy và học?

Xin được khai thác đúng các nội dung có liên quan đến thông tư này để chia sẻ: Điều 27. Nhiệm vụ của giáo viên: Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; Trau đồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Ngay trong hai nội dung trên sẽ thấy giáo viên cần phải làm gì, nên làm gì để định hướng học sinh. Nhà trường cần quán triệt quan điểm này để giáo viên hiểu đúng và thực thi đúng.

Cùng với đó, việc sử dụng điện thoại chắc chắn có nhiều mục tiêu, nhưng biên độ của mục tiêu sử dụng phục vụ học tập và được sự cho phép thể hiện rõ sự “an toàn” trong định hướng. Lẽ dĩ nhiên, vẫn phải có sự định hướng, điều chỉnh hành vi của các em, có cách giúp các em trở thành học sinh sử dụng điện thoại phù hợp và hiệu quả.

Cuối cùng, như đã nói, chúng ta đừng suy diễn để các em cảm thấy lo lắng và thương tổn. Mong rằng sẽ có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh, rõ nhất là giáo viên và phụ huynh để hướng các em đúng hướng, an toàn. Trách nhiệm này theo tôi còn quan trọng hơn nhiều so với sự dồn tâm vào suy luận và phân tích những nỗi lo.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)