📞

Hai cuốn sách hay dành cho những người yêu thích dòng lịch sử

Nga Vũ 15:13 | 05/03/2021
TGVN. Một là tác phẩm lịch sử kinh điển của Trung Quốc, hai là tài liệu quý được viết từ những năm 1900 trở về trước của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam.

Kho tài liệu vô giá của Tư Mã Thiên

Sử Ký (tên gốc: “史記”) là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử nổi tiếng nhất của thế giới được biên soạn bởi đại sử gia Tư Mã Thiên thời Tây Hán.

Đây là tác phẩm tổng hợp lịch sử đầu tiên ở Trung Quốc, ghi lại 3000 năm từ thời Hoàng Đế, đến thời nhà Hán giữa bốn năm đầu. Đây đồng thời là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Người Trung Hoa xem nó là tác phẩm lớn nhất về văn xuôi trong nền văn học cổ Trung Quốc và là tác phẩm cổ điển ngang hàng với thơ của Đỗ Phủ.

Sử ký là một tác phẩm với dung lượng đồ sộ nên đơn vị xuất bản chỉ lựa chọn dịch trọn vẹn những chương tiêu biểu nhất và lược bớt những đoạn ít quan trọng đối với văn học, với góp ý của dịch giả Phan Duy Tiếp. (Nguồn: Omega+)

Trong công trình lịch sử đồ sộ này, Tư Mã Thiên đã mang đến một kho tài liệu vô giá, chính xác, với giá trị tổng hợp rất cao ghi lại các quy tắc, sự kiện chính trị, kinh tế và văn hóa của toàn bộ dân tộc Trung Hoa. Tác phẩm có tất cả 52 vạn chữ, 130 thiên, gồm năm phần: Bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện.

Trong đó, mục đích của “Bản kỷ” là chép lại sự việc của những người, những nước có tác dụng chi phối cả thiên hạ. Ngay ở đây, trong cách sắp đặt của ông cũng có những điều đời sau không dám nghĩ đến. Qua đó, cung cấp cho người đọc, cái nhìn khái quát về từng thời đại, sau đó đi sâu vào từng sự kiện và từng nhân vật.

Tiếp đó, để có cái nhìn đối chiếu các sự kiện hoặc căn cứ vào niên đại, hoặc căn cứ vào sự tương quan đồng thời giữa các nước, Tư Mã Thiên lập ra mười “biểu” về những công trình khoa học rất quý, ghi chép, năm, tháng, biến cố, giúp cho các nhà sử học hiểu được vị trí của từng sự kiện và sự tương quan của nó về thời gian cũng như về không gian với các sự kiện khác, đặc biệt ở trong một nước mênh mông lại chia cắt phân tán như Trung Quốc cổ.

Lịch sử một nước chủ yếu là lịch sử của những thiết chế của nó. Tư Mã Thiên nhận thấy điều đó nên viết tám “thư” dành cho tám mặt của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Trong đó, tác giả nêu rõ sự biến đổi, những cống hiến về lễ, nhạc, luật lệ, việc làm lịch, thiên văn,... qua các thời đại.

Phần “thế gia” bao gồm 30 thiên, chủ yếu nói đến lịch sử các chư hầu, chẳng hạn các nước Tề, Lỗ, Triệu, Sở...; những người có địa vị lớn trong quý tộc như các thái hậu, những người được phong một nước như Chu Công, Thiệu Công, và những người có công lớn như Trương Lương, Trần Bình... Đáng chú ý nhất là tác giả xếp vào thế gia hai người thường dân không hề có một tấc đất phong: Khổng Tử - một người có địa vị đặc biệt trong lịch sử tư tưởng của Trung Quốc và Trần Thiệp - anh chàng cố nông đã cầm đầu cuộc nông dân khởi nghĩa đầu tiên của lịch sử dân tộc Hán.

Ở phần cuối “liệt truyện”, có 70 thiên bao gồm những nhân vật khác nhau và những sự việc rất khác nhau. Đặc biệt, ông đã nhìn thấy vai trò to lớn của những con người bình thường, thường không có chức tước gì nhưng có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với cả dân tộc.

Đối với những người yêu văn học Trung Quốc, tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến ảo của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phi Tử, có cái hoa lệ của Tả truyện, có cái nghiêm khắc của Xuân Thu.

Nhưng còn một cái nữa mà văn học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám chắc vào sự thực, không xa rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Có thể nói, Sử Ký chính là Tư Mã Thiên sống và con người ấy sống với những tư tưởng lớn.

Hiểu về chính thể lập hiến của Nhật Bản

Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản (tên gốc: “日本民權發達史”) là tác phẩm của chính trị gia người Nhật Uehara Etsujirō. Xuất bản lần đầu năm 1961, đây là một trong số những tài liệu hiếm hoi được viết từ những năm 1900 trở về trước và nay đã có mặt tại Việt Nam.

Cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Thế giới và Omega Plus ấn hành tại Việt Nam. (Nguồn: Omega+)

Trong tác phẩm, Etsujirō đã trình bày về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển chính thể lập hiến Nhật Bản, với mong muốn đóng góp giúp cho nền hiến chính Nhật Bản phát triển, khiến quyền lợi và tự do của người dân Nhật thời bấy giờ cũng như sau này được mở rộng; xây dựng được một chế độ bình đẳng, mỗi cá nhân có thể phát huy được hết tài năng của mình.

Trước đó, hầu hết sử gia và nhà hiến pháp Nhật Bản đều chủ trương sự ra đời của chính thể lập hiến Nhật Bản (tức nền tảng của sự phát triển dân quyền) không phải xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân, mà xuất phát từ chính phủ. Trong số quốc dân cũng không ít người đồng thuận với chủ trương ấy.

Theo Uehara Etsujirō, đó là tư duy sai lầm do không khảo xét kỹ càng sự thực lịch sử, cũng như không thấu hiểu rõ nhân tình thế thái. Chính thể lập hiến của Nhật Bản được ra đời không phải nhờ chính phủ, mà là từ một bộ phận quốc dân hay toàn thể quốc dân nỗ lực phấn đấu giành được.

Sự phát triển của chính thể lập hiến Nhật Bản, tuy vẫn còn chậm nhưng vẫn có những tiến triển qua từng năm là điều ai cũng nhận thấy. Uehara Etsujirō nhìn thấy điểm đó nên mới soạn ra sách này, những mong độc giả thấy được khái lược sự phát triển của nền hiến chính Nhật Bản.

Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN) tên tự là Tử Trường. Ông sống thời thơ ấu ở Long Môn, cày ruộng, chăn cừu, làm bạn với những người nông dân bình thường, và học các sách sử cổ. Lên mười tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước. Năm hai mươi tuổi, ông bắt đầu lên đường đi du lịch để xem tận mắt những nơi sau này ông sẽ phải viết sử. Đến năm 108 TCN, ông thay cha làm thái sử lệnh, rồi bị khép vào tội “coi thường nhà vua”. Sau ông làm đến chức trung thư lệnh và mất năm 60 tuổi.

Uehara Etsujirō (1877 - 1962) là một chính trị gia người Nhật Bản. Sinh ra tại tỉnh Nagano. Năm 1899 ông sang Mỹ. Năm 1907 ông tốt nghiệp Đại học Bang Washington. Hồi còn học đại học, ông theo học chuyên ngành Kinh tế chính trị từ John Smith. Cùng năm đó ông học tiếp lên cao học tại Đại học London, và năm 1910 ông có được bằng tiến sĩ Kinh tế chính trị.

Sau khi về nước ông trở thành giáo sư, giảng dạy tại Đại học Meiji, Đại học Rikkyo. Từ năm 1932 đến năm 1936 ông đảm nhận chức vụ Phó Nghị trưởng Chúng nghị viện. Năm 1946 ông gia nhập Nội các trong vai trò Quốc vụ Đại thần của Nội các Yoshida lần thứ nhất. Ông mất năm 1962.