📞

Hàng loạt sông băng bên bờ vực biến mất, biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo

Kha Ninh 10:30 | 22/07/2024
Biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu nóng lên khiến những ngọn núi băng giá, cao hàng nghìn mét trên dãy Andes lộ ra vách đá trơ trọi, kéo theo nhiều hệ quả không ngờ.
Biến đổi khí hậu khiến sông băng Iver gần đỉnh núi El Plomo tan chảy. (Nguồn: Reuters)

Núi băng chỉ còn trong ký ức

Vào một ngày đẹp trời, ngọn núi El Plomo cao 5.400m của Chile có thể được nhìn thấy từ thủ đô Santiago. Đỉnh núi cao trên dãy Andes phủ băng giá này là nơi người Inca thực hiện các nghi lễ tâm linh và cũng là địa điểm leo núi nổi tiếng trong nhiều thế kỷ.

Tuyến đường lên đỉnh vẫn là con đường do người Inca mở mang, với những di tích khảo cổ nằm rải rác dọc đường lên. Năm 1954, một xác ướp Inca được tìm thấy gần đỉnh núi trong tình trạng bảo quản hoàn hảo do điều kiện khô và lạnh của ngọn núi.

Băng được nhìn thấy trên sông băng Pastoruri ở dãy Andes, ngày 7/5. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, hiện ngọn núi đang “sụp đổ”. Nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu đã khiến các sông băng bị biến mất và lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy. Băng tan tạo thành những hồ nước nhưng lại bị vỡ tràn ra gây lở đất, làm bị thương những người leo núi. Không những thế, băng tan làm các hố sụt mở rộng hơn, phá vỡ con đường cổ xưa lên đỉnh núi.

Chia sẻ với Reuters, ông Francisco Gallardo (60 tuổi), người gần 50 năm chăn thả gia súc ở đây nói, “mỗi năm mọi thứ lại thay đổi nhiều hơn. Mỗi năm lại có thêm nỗi buồn”.

Ông Gallardo cưỡi ngựa dọc theo thung lũng vùng núi El Plomo, Chile, ngày 3/4. (Nguồn: Reuters)

Ông Gallardo cho biết, gia đình ông đã làm chăn nuôi tại El Plomo qua nhiều thế hệ. Gia đình ông chỉ có thể làm công việc chăn nuôi tại đây khoảng một thập kỷ nữa trước khi buộc phải chuyển đi.

"Chỉ vài năm trước, đường lên đỉnh núi này phải băng qua sông băng. Bây giờ, chỉ còn sườn đá trơ trọi. Trước đây, những con lừa của gia đình tôi có thể đi đến một trại khác cách đó khoảng 500m để ăn cỏ, ở độ cao dưới đỉnh núi khoảng 1.300m. Giờ khu vực này trở nên cằn cỗi với đất và đá chất đống trên sườn núi, từng được phủ đầy tuyết và băng", ông Gallardo buồn bã chia sẻ.

Ông Villegas, thành viên của Socorro Andino - tổ chức tình nguyện cứu hộ người dân ở vùng núi, cầm trong tay hình ảnh chiếc xe cứu hộ địa hình đầu tiên, ở Santiago, Chile. (Nguồn: Reuters)

Ông Osvaldo Segundo Villegas (80 tuổi), một nhân viên cứu hộ trên núi từ năm 1964 kể lại, lần đầu tiên ông leo lên El Plomo là vào những năm 1960. Để leo lên đỉnh núi cần cần phải vượt qua một sông băng dài và các sườn dốc được bao phủ bởi những khối tuyết cao 3m, được hình thành khi tuyết cứng tan chảy trong không khí khô và lạnh của dãy núi Andes. Đến nay, một số sông băng ông từng vượt qua giờ chỉ còn là vách đá.

Pablo Wainstein, một kỹ sư xây dựng đã nghiên cứu các sông băng và lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở vùng Andes và Bắc Cực trong hơn hai thập kỷ, cho biết: “Những thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến ​​là chưa từng có trong lịch sử loài người gần đây”.

Những người leo núi leo lên gần một cái hố hình thành ở khu vực lở đất tại núi El Plomo, Chile, ngày 5/4. (Nguồn: Reuters)

Dãy núi Andes có nhiều loại hình băng giá khác nhau, bao gồm các sông băng và tảng băng lớn. Các tảng băng này bao gồm hỗn hợp các mảnh vụn và băng đất, thường tan chảy chậm hơn với những thay đổi về khí hậu so với các sông băng.

Ở độ cao lớn, các ngọn núi có thể có một lớp đất đóng băng vĩnh cửu với nhiệt độ dưới mức đóng băng trong hơn hai năm tại những địa điểm này. Băng có trong đất đóng băng vĩnh cửu có thể liên kết đất, sỏi và cát lại với nhau.

Theo Wainstein, nếu lớp đất đóng băng vĩnh cửu bị “thoái hoá”, điều này sẽ không còn “làm cứng” mặt đất nữa và làm xuất hiện đá lở ở địa hình đồi núi.

Mảnh băng tan chảy từ sông băng Iver, Chile. (Nguồn: Reuters)

Tuy gây ra hậu quả khôn lường, những sự thay đổi của lớp đất đóng băng vĩnh cửu rất khó nghiên cứu vì liên quan đến trạng thái nhiệt của mặt đất và không thể nhìn thấy trên bề mặt.

Dãy núi Andes là dãy núi dài nhất thế giới và số lượng sông băng tan chảy nhanh nhất. Venezuela là quốc gia đầu tiên mất đi sông băng cuối cùng vào tháng Năm vừa qua.

Hệ quả không ngờ

Dãy Andes là nơi có khoảng 99% sông băng nhiệt đới trên thế giới, dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hơn vì chúng luôn ở gần hoặc ở điểm đóng băng.

Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho thấy, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 0,06 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1850, “tăng tốc” lên 0,20 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1982.

Các tảng băng tan chảy trên núi Nevado Pastoruri ở dãy Andes. (Nguồn: Reuters)

Dãy núi Andes là một phần thiết yếu của chu trình nước trong khu vực bởi hững ngọn núi này lưu trữ nước dưới dạng tuyết và băng trong mùa Đông và tan chảy chậm trong những tháng ấm hơn. Dãy núi Andes cung cấp nước cho hàng triệu người trên khắp khu vực, không chỉ nước trong sinh hoạt mà còn cho nông nghiệp, thủy điện và khai thác mỏ.

Việc các sông băng tan chảy đã khiến đá có tính axit lộ ra sau nhiều thế kỷ nằm dưới lớp băng tuyết, khiến nước tan chảy bị axit hóa và bị ô nhiễm kim loại nặng. Lượng nước này lại vào nguồn cung cấp nước vì khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước ngày càng cạn kiệt.

Hình ảnh núi Nevado Pastoruri vào năm 2015 (trên) và năm 2024. (Nguồn: Reuters)

Không chỉ thế, lượng mưa lớn thất thường đã làm suy thoái hệ sinh thái, khiến dãy núi dễ bị xói mòn, kéo theo lở đất và lũ lụt nghiêm trọng hơn.

Một nghiên cứu đa quốc gia được công bố trên Tạp chí quốc tế về Quan sát Trái đất Ứng dụng và Thông tin Địa lý cho thấy, nhiệt độ tăng nhanh hơn ở độ cao lớn hơn. Theo đó, kể từ năm 2000 ở độ cao từ 1.000 đến 1.500m, nhiệt độ bề mặt ban ngày vào mùa Đông ở dãy Andes tăng 0,50 C mỗi thập kỷ, nhưng tăng 1,7 C ở độ cao trên 5.000m.

Quang cảnh dãy núi Cordillera Blanca ở dãy Andes. (Nguồn: Reuters)

Octavio Salazar, người đã thực hiện chuyến leo núi đầu tiên trong mùa leo núi Yanapaccha của Peru vào đầu tháng 5. Anh cho biết, vào thời điểm này trong năm thường không có mưa, ở độ cao 5.000m, bất kỳ hạt mưa nào cũng sẽ chuyển thành tuyết.

Nhân viên kiểm lâm kiêm chuyên gia đánh giá rủi ro của Công viên quốc gia Huascaran, nơi bao gồm 90% dãy núi Cordillera Blanca Edson Ramirez cho hay, việc có những giọt mưa ở độ cao 5.000 mét không phải là điều bình thường. Đây là dấu hiệu cho thấy áp suất và nhiệt độ đã thay đổi hoàn toàn. Việc xuất hiện mưa đồng nghĩa với việc không có lớp tuyết mới nào thay thế khối băng bị tan chảy.

Các hướng dẫn viên leo núi Luis Diaz và Daniela Pagli, cùng với nhà báo Alexander Villegas của Reuters, đi dọc theo con đường trên đường đến đỉnh núi El Plomo, Chile. (Nguồn: Reuters)

Cũng theo Ramirez, khi không còn sông băng để che phủ các vết nứt trên núi, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn bởi nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do người leo núi có ít kinh nghiệm phân biệt lớp băng mỏng hay dày, có đảm bảo an toàn để đi qua hay không.

Không chỉ thế, những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm cũng gặp nguy hiểm khi leo núi. Năm ngoái, trong lúc Edgar Huaman - hướng dẫn viên leo núi dày dạn kinh nghiệm, dẫn hai khách hàng người Pháp băng qua một khu vực trên Huascaran, ngọn núi cao nhất Peru thì một cây cầu băng bị sập, khiến anh thiệt mạng.

Các hồ nước được hình thành trong quá trình tan băng của núi Mateo ở dãy Andes. (Nguồn: Reuters)

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến địa điểm và cách thức tổ chức các môn thể thao mùa Đông. Sông băng Pastoruri của Peru từng là nơi tổ chức các cuộc thi trượt tuyết, đang sắp bị biến mất. Vùng băng còn lại ở đây cũng bị cô lập vì nguy cơ băng lở.

(theo Reuters)