📞
Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2021)

Hãy dấn thân vì sự nghiệp đối ngoại!

Thu Trang 09:10 | 28/08/2021
Là những nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ ngoại giao nhằm thích ứng với tình hình mới.
Ảnh trên xuống dưới, từ trái sang phải: Đại sứ Hà Kim Ngọc, Đại sứ Đặng Minh Khôi, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Nguyễn Tất Thành và Đại sứ Đỗ Minh Hùng.

Thế giới đang chứng kiến nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, đặt ra hàng loạt khó khăn, thách thức cho công tác đối ngoại. Nổi bật là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam trong thời gian tới sẽ càng nặng nề và áp lực hơn trước.

Từ phương châm coi nhân lực là tài sản quý giá của ngành ngoại giao, coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói cán bộ ngoại giao trẻ cũng chính là tương lai của ngành Ngoại giao.

Là những “lão làng” ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã góp những “cao kiến” cho các cán bộ ngoại giao trẻ, gợi mở cho họ những kinh nghiệm, bài học trên chặng đường trở thành những nhà ngoại giao bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp.

Thế hệ đa năng

Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành ở khắp mọi nơi, khiến cho các nhà ngoại giao ở trong nước cũng như ở các Cơ quan đại diện gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều Đại sứ cho rằng các cán bộ ngoại giao trẻ trước khi lên đường đi nhiệm kỳ cần được đào tạo một cách bài bản, toàn diện.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, bên cạnh trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… thì các cán bộ trẻ cũng cần chú trọng sức khỏe, thể chất và học các kỹ năng xử lý khủng hoảng để gặp bất cứ tình huống nào cũng “khó không than, bại không nản”.

Đồng quan điểm, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ nhận định rằng, các cán bộ ngoại giao cần “giỏi một việc, biết nhiều việc”. Theo ông, cần có chế độ luân chuyển cán bộ để đào tạo thế hệ cán bộ “đa năng”, có thể làm phiên dịch, công tác bảo hộ công dân, việc văn phòng, hay công nghệ thông tin.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đặc biệt nhấn mạnh năng lực toàn diện của các cán bộ càng trở nên cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 phải làm việc luân phiên, không loại trừ cả trường hợp trong Cơ quan đại diện có người trở thành F0 thì cả cơ quan vẫn có thể hoạt động mà không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho rằng, cán bộ trẻ dù ở đâu hay thời kỳ nào, rèn luyện ba kỹ năng cơ bản, bao gồm viết báo cáo, tiếp xúc đối ngoại và làm đại sự ký, là điều tối cần thiết.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhớ mãi một câu hỏi thường được nghe của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rằng: “Thông lệ việc này thế nào?” và nhắc về câu chuyện cố Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) bao giờ cũng yêu cầu xem xét mọi vấn đề ở hai bình diện: chiều rộng (kinh nghiệm, quan điểm các nước) và chiều sâu (lịch sử, gốc gác vấn đề).

Từ đó, Đại sứ Nguyễn Tất Thành rút ra rằng, thế hệ cán bộ trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và học tập sự liêm chính, thẳng thắn, noi gương các thế hệ đi trước.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh đến sự chuyên nghiệp của một nhà ngoại giao. Theo ông, một nhà ngoại giao thời đại mới cần chỉn chu, chuyên nghiệp “từ trong ra ngoài”.

Đại sứ Phạm Sanh Châu còn bật mí cẩm nang về tác phong, ứng xử mà Đại sứ cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã soạn thảo để áp dụng khi tiếp xúc đối tác nước ngoài. Mỗi ngày, cuốn cẩm nang này lại dày lên, đúc kết từ chính kinh nghiệm thực tiễn của các cán bộ ngoại giao.

Thích ứng linh hoạt

Trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia tích cực, chủ động trong các hoạt động đối ngoại đa phương, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ), đánh giá rằng, mỗi cán bộ ngoại giao hiện nay cần không ngừng nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực cả về chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ số, phong cách chuyên nghiệp, tư duy sáng tạo, chủ động thích ứng linh hoạt với yêu cầu của công tác đối ngoại trước chuyển biến của tình hình.

Tương tự, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng cũng nhấn mạnh đến năng lực linh hoạt và thích ứng của cán bộ ngoại giao. Từ bài học kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ nhân viên Cơ quan đại diện tại địa bàn Israel, tình hình mới đòi hỏi các nhà ngoại giao phải phát huy phẩm chất kiên cường, lạc quan và sáng tạo.

Với tư cách là người đứng đầu chèo lái Đại sứ quán Việt Nam vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 tại Mỹ, Đại sứ Hà Kim Ngọc đề cao khả năng thích ứng với tình hình mới của các cán bộ ngoại giao.

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, trong bối cảnh dịch bệnh, bí quyết để Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ vẫn duy trì được hoạt động hiệu quả là nhờ tạo ra nền nếp làm việc mới, nhanh chóng áp dụng phương thức làm việc trực tuyến, giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực trong công việc.

Đây cũng là yếu tố mà Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi chú trọng đào tạo cán bộ nhằm tạo một môi trường làm việc “bình thường mới”.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng, cần có một cơ chế đào tạo cán bộ trẻ thích ứng với tình hình mới thông qua các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến…

Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của thế hệ ngoại giao “già” trong việc chỉ huy, đào tạo, hướng dẫn thế hệ trẻ vượt qua khó khăn, thách thức

Trong nguy có cơ

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tin rằng, đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội học, gặp gỡ, trình bày và thảo luận trực tuyến, ngoại giao số, ngoại giao 4.0…

Theo Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, các nhà ngoại giao trẻ cần coi hoạt động trực tuyến là kênh hiệu quả để nắm bắt thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ...

Đại sứ Đỗ Minh Hùng nhận định rằng bối cảnh khó khăn đặt ra nhiều thử thách mới nhưng cũng xuất hiện nhiều cơ hội mới: “Ngay cả ở những địa bàn khó khăn như Israel, vẫn có nhiều cơ hội để các nhà ngoại giao trẻ thử sức, phát huy các phẩm chất, năng lực vốn có và rèn giũa, bổ sung các phẩm chất cần thiết khác của một nhà ngoại giao thế kỷ XXI”.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao, thông điệp chung mà các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài gửi đến lớp cán bộ ngoại giao kế cận là: “Mong các bạn hãy dấn thân vì sự nghiệp chung của chúng ta!”.

"Ngày 23/8, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến về sức khỏe tinh thần với chủ đề “Xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại và nhân văn: Chăm sóc sức khỏe tinh thần - Nâng cao năng lực thích ứng của cán bộ ngành ngoại giao trong tình hình mới”.

Tham gia buổi tọa đàm, ngoài các bác sĩ tâm lý hàng đầu, còn có sự tham dự của nhiều Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn nhằm bồi đắp thêm lòng yêu nghề của các cán bộ ngoại giao trẻ, rèn luyện khả năng thích ứng hiệu quả với môi trường sống hiện đại và môi trường làm việc có yêu cầu ngày càng cao, nhiều thay đổi nhanh chóng.


Xem thêm các bài viết của Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam tại đây.