Đoàn Việt Nam tại phiên Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, ngày 10/7. (Ảnh: BC) |
Ngày 10/7, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) thông qua nghị quyết thường niên lần thứ 14 về nhân quyền và biến đổi khí hậu. Đồng tài trợ bởi Bangladesh, Philippines và Việt Nam, Nghị quyết A/HRC/RES/5a6/8 nhấn mạnh mối quan ngại ngày càng tăng của các quốc gia thành viên về tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đối với các quyền và tự do cơ bản của con người.
Việc ba quốc gia châu Á đi đầu trong việc thúc đẩy nghị quyết không phải là điều trùng hợp. Là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trên thế giới, Bangladesh, Philippines và Việt Nam tận dụng vị trí của mình để nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với các vùng ven biển đông dân cư, bao gồm lũ lụt thường xuyên, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, di cư bắt buộc và mất mát về sinh mạng cũng như sinh kế.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. (Ảnh: VL) |
Cách tiếp cận bảo đảm quyền con người
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tích hợp cách tiếp cận dựa trên quyền con người, như được phê chuẩn trong Thỏa thuận Paris, vào các luật và chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu.
Năm nay, các quốc gia đồng bảo trợ nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh vai trò trung tâm của quyền con người để đạt được quá trình chuyển đổi công bằng.
Trọng tâm này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam, khi vào tháng 12/2022, Việt Nam cùng với Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) công bố Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đầy tham vọng, theo đó, số tiền huy động ban đầu cho Việt Nam có trị giá 15,5 tỷ USD.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi công bằng đối với phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm chất lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Chúng ta nhận thức rõ rằng quá trình chuyển đổi xanh không tự động bảo đảm các kết quả toàn diện, có tính bao trùm và công bằng. Một cách tiếp cận hài hòa về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền con người, với sự tham gia có ý nghĩa vào quá trình thiết kế, thực hiện, giám sát các chính sách và chương trình về khí hậu, là cần thiết để bảo đảm lợi ích công bằng.
Cũng như vậy, các nỗ lực thúc đẩy học tập chủ động và giáo dục, đào tạo cho việc làm tương lai hoặc các cơ hội nâng cao kỹ năng rất quan trọng, bao gồm tạo ra công việc tử tế, tăng cường an sinh xã hội, giảm bất bình đẳng và nghèo đói, đặc biệt là đối với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Để đạt được những kết quả này, Nghị quyết kêu gọi cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, nhạy cảm về giới và bao trùm cả tuổi tác và khuyết tật trong hành động về khí hậu, tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp.
Nghị quyết nhấn mạnh tổn thất và thiệt hại, đặc biệt ở các quốc gia dễ bị tổn thương, kêu gọi xây dựng các mục tiêu tài chính, khí hậu tham vọng sau năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bảo vệ các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Việc Chính phủ Philippines tuyên bố cùng Ngân hàng thế giới đồng đăng cai tổ chức các cuộc họp của Hội đồng Quỹ tổn thất và thiệt hại là tín hiệu đáng hoan nghênh và sự công nhận rằng tài chính toàn cầu cần được thiết kế để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Quỹ phải bảo đảm thiết lập được các chế độ bồi thường để xây dựng lại tốt hơn bằng cách sử dụng các nguyên tắc về quyền con người. Cách tiếp cận này cần vượt ra ngoài viện trợ nhân đạo để bao gồm cả sự chuẩn bị và phòng ngừa những tổn thất về cuộc sống và kinh tế xã hội thảm khốc.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam tại lễ bàn giao ao chống chịu biến đổi khí hậu ứng phó với mùa khô hạn sắp tới tại Đắk Lắk. (Nguồn: UNDP Việt Nam) |
Hành động... ngay bây giờ
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu đang gia tăng, đặc biệt là tại các vùng trũng thấp của Việt Nam, thời điểm để biến các cam kết của Nghị quyết A/HRC/RES/56/8 thành những hành động cụ thể là ngay bây giờ.
Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cam kết hợp tác với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức này thông qua các chính sách và hành động khí hậu trên cơ sở nhân quyền.
Điều này bao gồm việc hỗ trợ một quá trình chuyển đổi công bằng dựa trên bằng chứng vững chắc về những rủi ro và cơ hội kinh tế - xã hội của quá trình chuyển đổi, đặc biệt đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, cũng như sự tham gia ý nghĩa của công chúng, đặc biệt là các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Quá trình này bao gồm việc UNDP trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, cộng đồng, nông dân, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, người di cư và người khuyết tật, những người đang tiên phong trong các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu ở cấp địa phương.
Những nỗ lực của họ, cả cá nhân và tập thể, là điều kiện tiên quyết của cách tiếp cận dựa trên nhân quyền đối với giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt con người là trung tâm.
Cuối cùng, UNDP mong muốn hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về doanh nghiệp trách nhiệm năm 2023 của Việt Nam, tránh tác động tiêu cực đến nhân quyền thông qua các thực hành bền vững về môi trường.
Cùng với Philippines và Bangladesh, Việt Nam nhắc nhở cộng đồng quốc tế về sự cấp thiết trong công cuộc giải quyết mối liên hệ giữa quyền con người và biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu, chúng ta hãy cùng hợp lực - Chính phủ, cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, giới học thuật, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế - để biến những cam kết đó thành hiện thực cho các thế hệ người Việt Nam hiện tại và tương lai.
UNDP hỗ trợ Việt Nam xây dựng một khuôn khổ pháp lý chủ động để giải quyết các vấn đề về nhân quyền và chi phí kinh tế của mất mát và thiệt hại (L&D) như một phần của bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo trợ xã hội theo khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hay còn gọi là UNFCCC (United Nations Framework Convention on Climate Change). Các biện pháp bao gồm tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai, huy động nguồn lực và vận hành Quỹ Phòng chống thiên tai để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương… |