'Hết thời' dùng nguồn LNG ưu đãi từ Mỹ, châu Âu muốn có khí đốt chỉ có tự đầu tư. (Nguồn: en-former) |
Trong cuộc khủng hoảng năng lượng, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu cho châu Âu để bù đắp những thiếu hụt từ nguồn năng lượng Nga, đặc biệt sau sự cố các dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) bị phá hoại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng hứa hẹn cung cấp cho châu Âu 15 tỷ m3 LNG trong năm 2022, nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine. Cam kết của ông Biden đã có lúc đối mặt với nhiều hoài nghi, nhưng động lực về giá cả đã khiến các nhà xuất khẩu khí đốt Mỹ hành động mau lẹ hơn những gì giới phân tích từng dự đoán.
Ngành khí đốt Mỹ đã trở nên linh hoạt hơn. Giá bán cho châu Âu cao hơn kha khá đã thúc đẩy các nhà sản xuất LNG của Mỹ sẵn sàng phá hợp đồng với châu Á để chuyển hướng tới châu Âu.
Tuy nhiên, mới đây, nhà đồng sáng lập của một công ty LNG có trụ sở tại Texas đã lên tiếng cảnh báo, châu Âu không nên dựa vào, thậm chí là không thể trông đợi gì từ nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Mỹ nữa, trong bối cảnh họ vẫn phải vật lộn lục tìm khắp thế giới để tìm nguồn cung, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Các nền kinh tế châu Âu đang cạnh tranh, thậm chí là phải tranh giành nguồn khí đốt nhằm thay thế dòng khí từ Nga, nhưng cần sẵn sàng chứng kiến các lô hàng LNG có giá cao gấp đôi, do lạm phát đã đẩy các loại chi phí lên cao, theo Chủ tịch điều hành Charif Souki của Tellurian - Công ty khí đốt tự nhiên có trụ sở chính tại Houston, Texas, Mỹ.
Phát biểu tại một Diễn đàn Năng lượng hôm đầu tuần, ông Souki nói "mơ về những ngày bạn có thể đổ xăng với giá 4 - 5 USD đã là dĩ vãng", Energy Intelligence đưa tin.
“Chúng ta phải suy nghĩ về khoản tiền 10- 12 USD, điều này sau đó có thể biện minh cho các khoản đầu tư mới sau này", Chủ tịch điều hành của Tellurian nói thêm.
Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn vào mùa Đông này và đang tìm mọi cách thay thế lượng khí đốt tự nhiên bị mất, sau khi Nga ngừng dòng khí đốt qua Nord Stream 1. Điều đó khiến giá khí đốt trong khu vực vốn đã cao, nay lại tăng vọt.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA), Mỹ đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu để giúp nước này đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt mùa Đông và trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022.
Các lô hàng khí đốt của Mỹ chiếm hơn 70% lượng nhập khẩu của châu Âu trong năm 2022, tính đến tháng Chín.
Nhưng người đứng đầu EIA Fatih Birol đã cảnh báo rằng, nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ sớm bị cắt giảm trong năm tới, khi nền kinh tế Trung Quốc chính thức trở lại những hạn chế do dịch Covid-19 và tăng cường cạnh tranh về lượng khí đốt hiện có.
"Chúng ta có thể thấy rằng, thị trường LNG vào năm 2023 sẽ khá hạn chế, có thể còn hạn chế hơn so với năm nay", ông Birol cho biết vào tuần trước.
“Nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi... thì châu Âu sẽ khó có thể thu hút được nhiều LNG về kho đến như vậy".
Trong khi đó, theo Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, châu Âu đang phải trả giá khí đốt tự nhiên cao hơn gấp 2-3 lần mà người mua châu Á phải trả.
Chủ tịch Souki của Tellurian cho biết, thị trường LNG toàn cầu là một thị trường thanh khoản, với “400 tàu chở đầy LNG trên mặt nước tại bất kỳ thời điểm nào”, nhưng nếu châu Âu muốn kiểm soát nguồn tài nguyên này thì cần phải đầu tư nhiều hơn vào các dự án, điều này rất dễ dàng ở Mỹ và Qatar.
Ông Souki cho rằng, đầu tư vào các dự án khí đốt của Mỹ có thể là cách châu Âu tăng khả năng tiếp cận nguồn cung. “Châu Âu sẽ chi từ 500 đến 600 tỷ USD vào mùa Đông tới để trợ cấp cho người tiêu dùng. Nhưng với một phần nhỏ của khoản tiền đó, chúng tôi có thể đảm bảo về một nguồn dự trữ khí đốt dài hạn từ Mỹ”, Souki nói, nhưng ông cho rằng, phải có ý chí chính trị để làm điều này, điều mà ông chưa thấy cho đến nay.
"Có cả 100 tỷ USD các dự án khí hóa lỏng ở Mỹ được cấp phép nhưng hiện không tìm được nguồn tài chính. Bạn phải đầu tư nếu bạn muốn kiểm soát nguồn tài nguyên", ông Charif Souki nói thêm.
Trong khi đó, EU ngày 5/10 đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm áp giá trần đối với việc bán dầu Nga cho các nước thứ ba. Khó chồng thêm khó đối với các nền kinh tế châu Âu trong nỗ lực kiểm soát giá từ các nguồn cung năng lượng nổi lên sau quyết định của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), về việc cắt giảm sản lượng.
Theo TASS, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng cho biết, Nga sẽ ngừng bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho quốc gia nào định áp dụng giá trần với dầu của nước này.
"Nếu họ áp đặt hạn chế về giá, chúng ta sẽ không bán dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia áp đặt các hạn chế đó. Chúng ta sẽ không bán hàng mà không có cạnh tranh", ông Novak nói.
| Giá vàng hôm nay 7/10: Giá vàng tăng nhẹ, tâm lý sợ rủi ro lấn lướt, giới đầu cơ tăng tích lũy; giá vàng SJC giảm mạnh Giá vàng hôm nay 7/10 tăng nhẹ, tiếp tục giữ vững ngưỡng 1.700 USD/ounce. Nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn có phần gia ... |
| Giá cà phê hôm nay 7/10: Robusta, arabica đồng loạt giảm mạnh, đồng USD mạnh 'o ép' thị trường hàng hóa Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2022 chỉ đạt 9,04 triệu bao, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cà ... |
| ‘Cuộc chơi’ của Trung Quốc trên thị trường khí đốt - nhà điều phối bất đắc dĩ nhưng bỏ túi bộn tiền Khi phương Tây cố gắng rời xa các nguồn năng lượng của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, Trung ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Mua theo giá Mỹ, bán giá châu Âu, nhà sản xuất LNG Mỹ vẫn khó 'đắc lợi'? Mỹ - quốc gia cung cấp khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, đang tận dụng triệt để cơn sốt LNG ... |
| Xu hướng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi nền kinh tế Trung Quốc, 'thật hay hư'? Gần đây, Trung Quốc liên tục đối diện với ồn ào “vốn nước ngoài tháo chạy”, chuỗi sản xuất chuyển dịch ra bên ngoài. Giới ... |