TIN LIÊN QUAN | |
Tổng Bí thư: Đưa Kon Tum tiếp tục phát triển nhanh hơn và bền vững | |
Loại bỏ các dự án thủy điện không bảo đảm an toàn |
Trước đây, mỗi làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có riêng cho mình một nhà rông, nơi cả làng sinh hoạt cộng đồng. Nhà rông của người Tây Nguyên xưa cao sừng sững, trụ gỗ to, mái tranh cao vút, bốn bề được kết bằng tre, nứa, lồ ô. Nhà rông như một nơi linh thiêng lưu giữ nhiều kỷ niệm trong mỗi mùa lễ hội của dân làng.
Nhà Rông văn hóa làng Plei Lay, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum phủ tôn trắng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN) |
Việc bêtông hóa nhà rông đã kéo theo nhiều hệ lụy bởi nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng của người bản địa không còn “cái hồn” nữa, người già không thiết tha ngồi hát dân ca trên sàn xi măng, con trẻ chẳng thích chạy quanh trụ bêtông chơi trốn tìm. Tại những làng có nhà rông bị bêtông hóa, tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang xoay quanh ánh lửa bập bùng trong các lễ hội cũng dần lạc điệu...
Thành phố Kon Tum có 57/62 làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông, nhưng có đến 31 nhà rông bị bêtông hóa. Nhà rông vẫn được làm theo kiến trúc xưa nhưng không còn trụ gỗ, mái tranh, liếp tre nay nhà rông được thay thế vật liệu bằng trụ bêtông, mái tôn, tường gạch, nền xi măng.
Ông Hoàng Nguyên Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết: "Trước đây, nhà rông văn hóa xã được thiết kế và làm theo đúng mẫu truyền thống với mái tranh, trụ, sàn, tường gỗ. Đến năm 2015, nhà rông bị hư hỏng nhiều, bà con đã tập trung làm lại. Mặc dù vẫn giữ đúng hình dáng truyền thống nhưng do không có các nguyên vật liệu như gỗ, tranh nên bà con buộc phải đồng ý xây nhà rông theo kiểu tường gạch, mái tôn, trụ bêtông. Đây là ngôi nhà mang hình dáng nhà rông chứ không còn là biểu tượng của đại ngàn như nhà rông truyền thống nữa vì nguyên vật liệu chính là gỗ, tranh không có nên đành thay thế bằng ximăng, sắt thép”.
Xã Ia Chim có tất cả 11 thôn, làng. Nhà rông tại 9 làng đồng bào dân tộc thiểu số đều bị tôn hóa, ximăng hóa. Già A Láo, 87 tuổi ở làng Plei Sar, xã Ia Chim cho biết, khi nhà rông cũ bị hư, cả dân làng đều mong muốn được làm lại nhà rông truyền thống. Thế nhưng, việc tìm kiếm nguyên vật liệu quá khó khăn, cả làng đành phải sinh hoạt dưới mái nhà rông với những khối sắt, khối bêtông nặng nề.
Cùng chung thực trạng trên, huyện Sa Thầy (Kon Tum) có đến 35/38 nhà rông đã bị tôn hóa, bêtông hóa. Ông Trần Văn Tiên, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, ngoài khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu truyền thống, nhà rông truyền thống rất dễ cháy, hư hỏng nên người dân ở các thôn, làng trên địa bàn huyện thống nhất xây dựng nhà rông theo kiểu bêtông hóa.
Ông A Dót làng Rắc, xã Ia Xiêr (huyện Sa Thầy) trầm ngâm khi nhớ về ngôi nhà rông cũ, theo ông, lúc trước mái nhà rông truyền thống là nơi sinh hoạt cộng đồng của cả làng, là điểm tựa tinh thần khi làng có chuyện lớn, bé nhưng nay nhìn nhà rông bị bêtông hóa, người dân trong làng không còn gần gũi nhà rông như xưa, nên các lễ hội truyền thống và những sinh hoạt cộng đồng cũng dần mai một.
Nhà Rông là thiết chế văn hóa cổ truyền, là biểu tượng sinh động, đầy kiêu hãnh của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Nó có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên và là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con. Một khi mái nhà rông không còn “cái hồn,” các bản sắc, ý thức văn hóa khác cũng khó có cơ hội được bảo tồn.
Ông Trương Xuân Nhật, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum) cho biết hiện nay các nguyên vật liệu từ rừng để làm nhà rông như gỗ, tranh đều rất khan hiếm, việc nhà rông bị bêtông hóa là không thể tránh khỏi. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền bà con nên gìn giữ, bảo tồn các nếp nhà rông cũ còn giữ nguyên kiến trúc và vật liệu truyền thống. Những nhà rông mới bắt buộc phải xây dựng theo kiểu hiện đại nên giữ lại kiến trúc truyền thống, mỗi địa phương có thể nghiên cứu, chọn làm một ngôi nhà rông phù hợp với đặc điểm văn hóa từng vùng, từng địa bàn.
“Họa mi Tây Nguyên” hót trở lại Sau những biến cố lớn trong cuộc sống và khoảng thời gian dài ngừng hoạt động nghệ thuật, nữ ca sĩ Siu Black đã quay ... |
Đóng cửa rừng - quyết định hợp lòng dân Suốt tuần qua, dư luận vô cùng hân hoan về chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất ... |
Tây Nguyên với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu để hội nhập. Nhưng để Tây Nguyên - nơi có điều kiện tự ... |