Nhỏ Bình thường Lớn

Hiệp định Paris qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II lần đầu tiên công bố những tài liệu gốc của chính quyền Sài Gòn liên quan đến quá trình đàm phán tại Paris về Việt Nam giai đoạn 1968 – 1972.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 – 27/1/2013), Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật biên soạn và xuất bản cuốn sách Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn gồm 2 tập, Tập 1: Đánh và đàm; Tập 2: Ký kết và thực thi. Đây là cuốn sách lần đầu tiên công bố những tài liệu gốc của chính quyền Sài Gòn liên quan đến quá trình đàm phán tại Paris về Việt Nam giai đoạn 1968 – 1972.

Việc ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là kết quả của tiến trình đấu tranh gay go và phức tạp trên cả hai lĩnh vực ngoại giao và quân sự. Trên bàn đàm phán, phía Mỹ liên tục sử dụng thủ đoạn trì hoãn; trên chiến trường, chúng ra sức giành dân cướp đất, đẩy mạnh “Việt Nam hóa chiến tranh” và ném bom đánh phá miền Bắc. Kết hợp đánh và đàm, chúng ta luôn kiên định lập trường buộc Mỹ và chư hầu phải rút quân khỏi Việt Nam và tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam đối với các vấn đề nội bộ của mình. Với thắng lợi của trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối cùng năm 1972, quân và dân ta đã ra một đòn quyết định, buộc Mỹ phải đàm phán một cách thực chất và ký kết Hiệp định.

Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở nghiên cứu, tuyển chọn và hệ thống hóa các tài liệu lưu trữ của ngụy quyền Sài Gòn về quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Gắn với mỗi chủ đề, các tác giả đã dẫn nối, chú giải để giúp người đọc nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn về diễn tiến của quá trình. Trải dài qua hai tập, Ban biên soạn cuốn sách đã giới thiệu đến độc giả, các nhà nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu của các cơ quan của Mỹ ở miền Nam Việt Nam về quá trình đàm phán ở Paris từ năm 1968 đến năm 1972.

Được chia làm 3 phần, phần 1: Tiến trình đi đến bàn đàm phán tại Paris, phần 2: Hoa Kỳ leo thang chiến tranh – đàm phán trên thế mạnh, phần 3: Chặng cuối của đàm phán, tập 1 của cuốn sách tập trung đi sâu và làm nổi bật những diễn biến cam go trong quá trình đàm phán giữa hai bên Việt Nam và Mỹ nhằm đi đến việc ký kết thành công hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một cuộc đàm phán kéo dài 4 năm 8 tháng với 202 phiên họp chính thức và các phiên họp bí mật mà ở đó diễn ra sự giằng co trên cả bàn đàm phán và trên chiến trường.

Trong tập 2 của cuốn sách về Hiệp định Paris, Ban biên soạn giới thiệu đến bạn đọc một số tài liệu của các cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn, các cơ quan của Mỹ ở miền Nam Việt Nam về vấn đề ký kết và quá trình thực thi Hiệp định Paris của các bên liên quan từ sau khi có Hiệp định Paris cho đến đầu năm 1975.

Về bố cục, tập 2 bao gồm 3 phần. Phần một – Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973: giới thiệu tài liệu gốc bản văn Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, cùng các Nghị định thư và Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam. Phần hai – Thực thi Hiệp định: Tại phần này, cuốn sách tập trung giới thiệu cơ cấu thực thi Hiệp định, gồm: Hội nghị hai bên tại La Selle Saint Cloud, hoạt động của Ban Liên hợp quân sự bốn bên, Tổ Liên hợp Quân sự bốn bên, Ban Liên hợp Quân sự hai bên, Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát, hai nội dung của Hiệp định được thực hiện: đó là việc trao trả tù binh, việc triệt thoái quân đội Mỹ và các nước đồng minh. Phần ba – “Ngừng chiến, không ngừng bắn”: Phản ánh hành động của Mỹ tại Việt Nam sau Hiệp định Paris; hành vi của chính quyền Sài Gòn nhằm phá hoại Hiệp định Paris.

Theo Ban biên soạn cuốn sách, dù có thể có những sự kiện chưa thật chính xác, nhất là những tài liệu có tính chất tuyên truyền của đối phương nhưng “Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” đã giúp độc giả tiếp cận với nguồn sử liệu gốc, qua đó hiểu rõ hơn về hoạt động phá hoại Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn và âm mưu tái can thiệp vào Việt Nam của Mỹ sau Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 một cách khách quan.

Giang Ly