📞
Kỷ niệm 75 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6/3 (1946-2021)

Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 qua Hồi ký của cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (Kỳ 2)

16:05 | 05/03/2021
TGVN. Báo TG&VN trân trọng trích giới thiệu hồi ký của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám (1904-1995), nhân kỷ niệm 75 năm ký Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946-6/3/2021).
Hồ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm với những người dự lễ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Trước lúc ta chuẩn bị tổng tuyển cử trong toàn quốc, Bác và Sainteny bắt đầu có những cuộc gặp nhau. Phải gặp nhau một cách bí mật. Giúp việc Bác, chỉ có tôi. Giúp việc Sainteny, chỉ có Leon Pignon. Chỉ họp buổi tối, sau 20 giờ. Họp trong ngôi nhà hiện nay mang số 38 Lý Thái Tổ, trên một phố vắng người, gần nơi ở của Sainteny và nơi làm việc của Bác. Bảo vệ an toàn và bí mật các buổi họp, do phía ta đảm nhiệm.

Trong các lần gặp nhau giữa Bác và Sainteny một số vấn đề có thể thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc, nhưng trên hai vấn đề cơ bản thì bế tắc:

1. Ta đòi Pháp công nhận Việt Nam là một nước độc lập, Pháp chỉ công nhận ta là một nước tự trị.

2. Ta đòi Pháp công nhận Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, là đất nước Việt Nam; Pháp từ chối với lý lẽ Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.

Cuối tháng Hai 1946, ta được tin Pháp và Tưởng ký một bản thỏa thuận. Pháp đã bằng lòng trả giá cho việc Tưởng rút quân, để quân Pháp vào thay thế. Cái giá đó là:

Pháp trả lại cho Tưởng những nhượng địa của Pháp trên đất Trung Quốc, phần con đường xe lửa Việt Nam ở bên kia biên giới Việt-Trung, bằng lòng cho hàng hóa Trung Quốc được miễn thuế vào cảng Hải Phòng, nới rộng quy chế về những Hoa kiều sống trên đất nước Việt Nam.

Leclerc ra lệnh cho hạm đội Pháp sẵn sàng lên đường ra miền Bắc, đồng thời chỉ thị cho Sainteny phải ký được một thỏa thuận với Chính phủ Hồ Chí Minh, vì nếu Chính phủ Hồ Chí Minh phát động chiến tranh du kích thì sẽ “rối ren lắm!”.

Ngày 5 tháng Ba 1946, có tin hạm đội Pháp đã đến Vịnh Hạ Long, và sáng hôm sau sẽ đến Hải Phòng. Trong các tướng tá Trung Quốc không có sự nhất trí: có kẻ tán thành rút quân, có kẻ không tán thành. Một tên đến gặp Bác, vẻ hốt hoảng, hỏi: “Sao phía Việt Nam không thỏa thuận với Pháp? Nếu xảy ra chiến tranh thì ai chịu trách nhiệm?”

Tối hôm đó, Bác và Sainteny họp đến quá nửa đêm, mà không có kết quả. Phía Pháp đề nghị giải quyết vấn đề Nam Kỳ bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Phía ta đồng ý. Nhưng về vấn đề công nhận độc lập của nước Việt Nam thì Sainteny nói phải chờ quyết định của Quốc hội Pháp. Bác nói: “Rất tiếc, chúng tôi không thể đồng ý với các ông”.

Hai bên chia tay lúc 1 giờ sáng. Hai người Pháp tỏ ý rất lo lắng.

Sáng hôm sau, có tin quân Tưởng đã nổ súng khi hạm đội Pháp tiến vào Cửa Cấm, và hai bên đã bắn nhau.

Phía ta đề nghị với phía Pháp có cuộc họp lúc 12 giờ trưa.

Trong buổi họp, Bác đề nghị thay từ “độc lập” bằng từ “tự do” trong dự thảo hiệp định với một định nghĩa của từ “tự do”. Phía Pháp đồng ý, và hai bên thông qua bản dự thảo Hiệp định sơ bộ.

Sau đây, là tóm tắt nội dung một số điểm:

1. Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có Chính phủ, có Nghị viện, có quân đội, có tài chính của mình, là thành viên của Liên hiệp Pháp và của Liên bang Đông Dương.

2. Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ.

3. Nước Việt Nam thuận cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân Trung Quốc giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp đó sẽ phải rút hết trong hạn 5 năm, mỗi năm sẽ rút 1/5.

4. Hai bên sẽ đình chiến ngay để mở cuộc đàm phán chính thức. Quân hai bên ở đâu vẫn cứ ở đấy.

5. Cuộc đàm phán chính thức sẽ tiến hành ở Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris, với nội dung quan hệ ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài, qui chế của Đông Dương, những quyền lợi kinh tế và văn hóa của nước Pháp ở Việt Nam.

Kèm theo bản Hiệp định sơ bộ, có một bản phụ khoản (accord annexe) qui định số quân Pháp được vào miền Bắc Việt Nam để thay thế quân đội Trung Quốc là 15.000 người, sẽ phải rút hết số quân đó khỏi Việt Nam sau thời hạn 5 năm, mỗi năm rút 1/5.

Vì tình hình khẩn trương, lễ ký Hiệp định sơ bộ tiến hành hồi 16 giờ 30 phút hôm đó tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ. Bác thương lượng với Sainteny rằng: “Khi ký kết, với cương vị Chủ tịch, tôi sẽ ký còn Nguyễn Tường Tam là Bộ trưởng Ngoại giao nhưng ông ta không chịu ký. Vì vậy tôi đề nghị Vũ Hồng Khanh là đại diện của Quốc dân đảng ký thay Tam cho khách quan”. Sainteny đồng ý với đề nghị của Bác.

Lúc tiến hành ký, phía ta không ghi biên bản gì cả. Lúc vào làm thủ tục ký, Bác nói: “Bây giờ ông Giám sẽ đọc bằng tiếng Pháp bản Hiệp định” (mọi thủ tục đều làm bằng tiếng Pháp). Tham gia lễ ký về phía Pháp có Sainteny, Pignon, Caput (1). Ngoài ra còn có đại diện ngoại giao của lãnh sự Mỹ là O’Sullivan, Công sứ Anh là Tresor Wilson, Công sứ Trung Quốc (Quốc dân đảng) là Vương Tử Kiện.

Sau lễ ký, Sainteny nâng cốc chúc mừng Bác. Bác bình tĩnh trả lời: “Cảm ơn ông. Nhưng thật ra, tôi chưa vừa lòng. Ông biết đấy, tôi muốn nhiều hơn, tôi muốn nước tôi độc lập, và chắc chắn nước tôi sẽ độc lập”.

Ba ngày sau, ngày mồng 9 tháng Ba 1946, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị nhan đề “Hòa để tiến”.

Có thể nói rằng đó chính là nội dung câu trả lời vắn tắt của Bác cho Sainteny. Trong hoàn cảnh phức tạp và nguy hiểm phải đối phó cùng một lúc với nhiều thù trong giặc ngoài, ta cần một sự hòa hoãn (không phải là hòa bình, mà là hòa hoãn) để tranh thủ thời gian, củng cố và phát triển lực lượng, để tiếp tục và đảy mạnh cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi vẻ vang.

Tối hôm mồng 6 tháng Ba 1946, Hồ Chủ tịch và anh Võ Nguyên Giáp báo cáo với Hội đồng Chính phủ về việc ký Hiệp định sơ bộ, và chiều hôm sau (mồng 7 tháng Ba 1946) ta tổ chức một cuộc mít tinh tại quảng trường trước nhà hát thành phố. Anh Giáp trình bày nội dung, ý nghĩa của bản Hiệp định. Anh nhấn mạnh lý do khiến ta phải ký là Mỹ, Anh ủng hộ Pháp và Trung Quốc ký thỏa thuận cho quân đội Pháp thay quân đội Trung Hoa. Hiệp định sơ bộ vừa ký có thể ví như Hiệp định Brest – Litovsk ký vào năm 1918 giữa chính quyền XôViết với Đức.

Sau đó, Bác Hồ cũng phát biểu: “Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là độc lập, thống nhất, cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, ta đã nhận cho 15.000 quân Pháp vào thay quân đội Trung Quốc, sau 5 năm Pháp sẽ rút hết quân đội về nước. Chúng ta phải tin vào Chính phủ, phải đoàn kết, tiếp tục chiến đấu. Riêng tôi, tôi hứa với đồng bào tiếp tục trung thành với Tổ quốc, với đồng bào. Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước!”.

Tất cả vạn người nghe Bác đều vô cùng xúc động, vỗ tay và tiếng hoan hô “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang lên như sấm.

Theo tôi, do chưa có kinh nghiệm nên khi duyệt Hiệp định sơ bộ, ta đã để một số chi tiết không chặt chẽ trong nội dung. Ví dụ: Khi có trưng cầu ý dân về vấn đề thống nhất ba kỳ thì nhất định nhân dân Nam Kỳ không muốn mất đất đai của mình cho Pháp và cuộc trưng cầu sẽ có lợi cho ta. Nhưng trong Hiệp định không nói tới thời gian cụ thể việc trưng cầu ý dân càng dài thực dân Pháp càng có lợi và tiếp tục cai trị ở Nam Kỳ. Còn việc trưng cầu ý dân sẽ tổ chức chung trong cả nước hay làm riêng từng miền một? Sự không chặt chẽ và rõ ràng trong Hiệp định sẽ giúp Pháp gây cản trở cho ta. Nếu tổ chức trưng cầu dân ý trong cả nước thì có lợi cho mình vì nếu không may ở Nam Kỳ có ai dại dột ủng hộ Vua An Nam ký nhượng Nam Kỳ cho Pháp thì hai Kỳ ngoài này sẽ bù lại số phiếu. Nếu có trưng cầu ý dân thì phải có hòa bình, còn nếu lúc đó nó đánh mình thì mình phải đánh trả. Trong văn bản cũng không nói tới vấn đề hòa bình khi có cuộc trưng cầu dân ý, như vậy mình mới chỉ ký được với Pháp một hiệp định chưa trọn vẹn. Một hiệp định đúng nghĩa với tên của nó là “Hiệp định Sơ bộ”.

Còn phía Pháp đối với Hiệp định này có những phản ứng gì? Khi D’Argenlieu từ Pháp trở lại Đông Dương, Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba đã được ký kết vừa xong. Biết được tin này, D’Argenlieu phê phán gay gắt Leclerc, D’Argenlieu nói: “Lâu nay nước Pháp nổi tiếng dũng cảm, sao các anh lại đầu hàng nhanh thế?”. Sau chuyện này, hai tên trở thành kẻ thù của nhau. Lúc ký, Leclerc vẫn dưới quyền của D’Argenlieu, nhưng y không xin chỉ thị của viên Cao ủy vì biết nếu xin thì không bao giờ D’Argenlieu đồng ý để cho Sainteny ký. Vì vậy Leclerc và Sainteny bàn với nhau là đi đến việc ký Hiệp định mồng 6 tháng Ba.


(1) Sở dĩ Luis Caput có mặt là theo đề nghị của Bác. Là Thư ký Phân bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIO) ở Bắc Đông Dương, Caput có mặt với tư cách là đại diện cho nhân dân Pháp và Đảng Xã hội Pháp đang cầm quyền ở Pháp.