📞

Hội nghị Istanbul về Syria: “Cú lội ngược dòng” của ông Erdogan

16:41 | 29/10/2018
Một số tờ báo cho rằng Hội nghị chưa đạt được nhiều kết quả đáng kể do vắng bóng chính chủ nhân Syria và Mỹ, vốn có vai trò không nhỏ trong cuộc chiến này.

Hội nghị thượng đỉnh bốn bên về Syria với sự tham gia của các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, được tổ chức vào ngày 27/10 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khi hội nghị diễn ra, các bên đã ra một thông cáo chung kêu gọi duy trì ngừng bắn tại tỉnh Idlib, thiết lập “trước cuối năm 2018” một ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới cho Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: AP)

Dự án Hiến pháp Syria mới là sáng kiến do bộ ba Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đưa ra đầu năm 2018, được coi là cơ sở cho tiến trình chuyển tiếp chính trị, giúp Syria thoát khỏi cuộc xung đột. Tuyên bố chung Istanbul cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Syria và những người tị nạn trở về quê hương.

Riêng về Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố: “Số phận của lãnh đạo Syria sẽ do chính nhân dân nước này, ở trong và ngoài nước, quyết định”.

Vai trò gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ vốn có một vai trò đặc biệt trong cuộc khủng hoảng Syria. Cuộc họp thượng đỉnh vừa qua tại Istanbul cho thấy sự đồng thuận của quốc tế về tương lai của Syria chắc chắn không thể thiếu phần đóng góp của ông Erdogan, đặc biệt trong bối cảnh những tuần gần đây, hình ảnh Ankara đột ngột được cải thiện với cách xử lý được đánh giá “khôn khéo” trong vụ án nhà báo Saudi Arabia bị sát hại.

“Ông Erdogan có mặt trên khắp các màn ảnh truyền hình trong vòng nhiều giờ là chuyện bình thường tại Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện bên cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin, hình ảnh chưa từng có này đã tràn ngập các kênh truyền thông ngày 27/10. Khi một nhà báo đặt câu hỏi về vụ Khashoggi trong buổi họp báo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng rất hài lòng, đã dành nhiều phút để trả lời chi tiết”.

Tổng thống Erdogan đã mong muốn tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về Syria với thành phần tham dự chưa từng có này từ hồi tháng 9. Sau khi bị trì hoãn, cuộc họp của "bộ tứ" cuối cùng đã diễn ra sau 3 tuần tranh luận quốc tế tập trung xung quanh vụ giết hại nhà báo Saudi Arabia. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã làm suy yếu đối thủ khu vực Riyadh, thuyết phục được Moscow là Ankara có thể điều khiển được các lực lượng nổi dậy ở tỉnh Idlib, mời được châu Âu - từng không hài lòng với Thổ Nhĩ Kỳ - quay lại đối thoại.

Đây quả là “cú lội ngược dòng” đối với một vị tổng thống mà mới mùa Hè vừa qua vẫn còn bị chỉ trích về tính cách độc đoán. Hội nghị trên cũng cho thấy Ankara đã lấy lại được lợi thế quý giá trong bối cảnh đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Giới phân tích cho rằng Ankara đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình những tiến triển tại khu vực, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã “mạnh như Nga” tại Syria. Enes Bayrakli, Giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Âu của trung tâm nghiên cứu SETA nói rằng hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đem lại một vài thành tựu không chỉ cho hai nước mà còn cho cả châu Âu. 

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Bình luận về thành công của hội nghị thượng đỉnh Istanbul về Syria, Giáo sư Togrul Ismail (Đại học Kahramanmaras) nhận định rằng sự liên kết của Đức và Pháp cùng những nỗ lực của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để khắc phục vấn đề Syria là thành công đáng kể và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, giáo sư Ismail cho rằng để giải quyết vấn đề Syria không thể thiếu sự đóng góp của Mỹ.

Binh lính Syria và Nga tại một trạm gác ở thủ đô Damascus, Syria. (Nguồn: Newweeks)

Ngoài ra, theo ông, vẫn tồn tại một số vấn đề chưa đạt được sự thống nhất như về thái độ với Tổng thống Syria Bashar Assad và về tình hình lãnh thổ Syria ở vùng phía Đông Euphrates, hiện nằm trong sự kiểm soát của lực lượng do Mỹ hỗ trợ là các đơn vị dân quân người Kurd (Ankara coi là một tổ chức khủng bố, có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ).

“Ở đây, sự lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ đang vượt lên hàng đầu. Nga cũng cho rằng bờ Đông của Euphrates cần được giải thoát khỏi tác động của Mỹ bởi họ hiện diện ở đó một cách bất hợp pháp. Về chủ đề này, Đức và Pháp còn trì hoãn không trả lời, chắc hẳn bởi không muốn làm hỏng quan hệ với Mỹ”, giáo sư Ismail cho biết.

Giới phân tích tỏ ra thận trọng khi đánh giá về kết quả hội nghị, nhất là do sự tham dự của Đức và Pháp, vốn là các bên chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bashar al-Assad. Tobias Schneider, nghiên cứu viên tại Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, nhận định: “Không có gì to tát được kỳ vọng tại hội nghị này”.

Theo ông Schneider, sự kiện này chỉ là cách Nga thể hiện cán cân quyền lực của mình, nước lâu nay muốn hỗ trợ quá trình tái thiết Syria mà Damascus không phải chuyển giao quyền lực đồng thời muốn chi phối các thành phần bên ngoài muốn tham gia thiết lập sự ổn định ở quốc gia Trung Đông này. 

(theo Washington Post, Tân Hoa Xã)