Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở New Delhi, Ấn Độ ngày 2/3. (Nguồn: AFP) |
Chẳng thể tìm ra điểm chung
Mối quan hệ Đông-Tây rạn nứt do xung đột Nga-Ukraine và những lo ngại ngày càng tăng về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc đã chi phối Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần này tại Ấn Độ.
Sự rạn nứt ngày càng gay gắt giữa một bên là Mỹ và các đồng minh với một bên là Nga và Trung Quốc dường như càng sâu sắc hơn khi các nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm G20 tập trung tại thủ đô New Delhi vào ngày 2/3.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp Tần Cương (Trung Quốc) và Sergei Lavrov (Nga) đều tham dự và “đấu tranh” để giành được sự ủng hộ từ các thành viên không liên kết của nhóm.
Trong một bài phát biểu qua video trước các ngoại trưởng có mặt tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các thành viên không để những căng thẳng hiện tại phá hủy các thỏa thuận có thể đạt được về an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng nợ.
Ông Modi nói: “Chúng ta đang gặp nhau vào thời điểm có sự chia rẽ sâu sắc trên toàn cầu. Tất cả chúng ta đều có lập trường và quan điểm của mình về cách giải quyết những căng thẳng này. Chúng ta không nên cho phép những vấn đề mà chúng ta không thể cùng nhau giải quyết cản trở những vấn đề mà chúng ta có thể làm được”.
Nhấn mạnh hai mục tiêu chính của trật tự quốc tế thời hậu Thế chiến II là ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hợp tác đều khó nắm bắt, nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định: “Những gì đã xảy ra trong hai năm qua, khủng hoảng tài chính, đại dịch, khủng bố và xung đột cho thấy rõ ràng rằng quản trị toàn cầu đã thất bại trong cả hai nhiệm vụ đó”.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar sau đó có bài phát biểu trước các đại biểu, nói rằng họ “phải tìm ra điểm chung và đưa ra phương hướng”.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov chỉ có cuộc nói chuyện ngắn trong 10 phút bên lề Hội nghị nhưng cho biết đây không phải là một cuộc hội đàm hay thương lượng.
Như tại hầu hết các sự kiện quốc tế kể từ năm ngoái, sự chia rẽ do xung đột ở Ukraine và tác động của nó đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu phủ bóng các tiến trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài hơn 12 tháng qua, sự chia rẽ ngày càng lớn và hiện có nguy cơ trở thành yếu tố nhức nhối chính trong quan hệ Mỹ-Trung vốn đã rạn nứt vì những lý do khác.
Đề xuất hòa bình của Trung Quốc dành cho Ukraine đã nhận được sự khen ngợi từ Nga nhưng bị phương Tây bác bỏ là không giúp ích gì để cải thiện vấn đề.
Các quan chức Washington đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh trong những ngày gần đây xem xét việc cung cấp vũ khí cho Moscow để sử dụng trong cuộc xung đột. Ngày 1/3, Ngoại trưởng Blinken cảnh báo Trung Quốc về việc chuyển giao thiết bị quân sự sát thương cho Nga, nói rằng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu tiến hành những hành động như vậy.
Trả lời phỏng vấn báo chí ở Tashkent (Uzbekistan) trước khi tới New Delhi, Ngoại trưởng Blinken cho rằng, "không có bằng chứng" nào cho thấy Tổng thống Putin thực sự chuẩn bị các biện pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột và ngược lại, tất cả các bằng chứng đều theo một hướng khác.
Trong khi đó, Moscow không ngừng thúc đẩy quan điểm của mình rằng phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang cố gắng chống lại Nga. Trước cuộc họp, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích các chính sách của Mỹ, nói rằng ông Lavrov và phái đoàn sẽ tới Hội nghị Ngoại trưởng G20 để “chỉ trích các nỗ lực của phương Tây”.
New Delhi rơi vào thế khó
Sự đối đầu trên đã khiến Ấn Độ rơi vào tình thế khó khăn trong việc cố gắng hòa giải những khác biệt.
Cuộc họp lần này đặc biệt quan trọng đối với hy vọng của Ấn Độ trong việc sử dụng vai trò Chủ tịch G20 để thúc đẩy vị thế của mình trên toàn cầu cũng như áp dụng lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine để tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như lạm phát gia tăng, căng thẳng nợ, y tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng.
Ấn Độ từng mong muốn vị trí Chủ tịch G20 năm nay tập trung vào các vấn đề như xóa đói giảm nghèo và tài chính khí hậu, nhưng xung đột Ukraine cho đến nay đã lấn át các mục khác trong chương trình nghị sự.
Tuần trước, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Bengaluru, Ấn Độ cũng đã không thống nhất được một tuyên bố chung sau khi Nga và Trung Quốc tìm cách giảm bớt những ngôn từ đề cập cuộc xung đột.
Cuối cùng, Hội nghị đã không thể ra tuyên bố chung do sự chia rẽ giữa các bên về khủng hoảng ở Ukraine. "Đã có bất đồng và chia rẽ liên quan xung đột Ukraine. Chúng tôi không thể hòa giải giữa các bên", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar chia sẻ.
Bên lề các cuộc họp G20, Ngoại trưởng của các thành viên trong Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) nhóm họp vào ngày 3/3. Nhóm này được nhiều người coi là đối trọng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.