Nguyên soái Liên Xô, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Hội nghị Tehran năm 1943. (Nguồn: Topwar.ru) |
Nguyên soái, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã gạt bỏ những ý kiến khác biệt để đạt được các quyết định quan trọng, đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, giảm bớt thương vong cho quân đội, dân thường.
Sự kiện này và bài học về những bước đi trách nhiệm của các nhà lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay khi các xung đột giữa Nga - Ukraine, Hamas - Israel đang diễn ra vô cùng khốc liệt.
Quyết định về địa điểm
Ở Tây Âu không có nơi nào hoặc là có nhưng rất nguy hiểm cho việc tổ chức một cuộc họp của ba nhà lãnh đạo cường quốc thế giới. Người Mỹ và người Anh không muốn tổ chức hội nghị trên lãnh thổ Liên Xô. Vào tháng 8/1943, Moscow được thông báo rằng cả Arkhangelsk và Astrakhan đều không phù hợp cho một hội nghị như vậy.
Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill đề xuất một cuộc gặp ở Fairbanks, Alaska. Nguyên soái Stalin từ chối rời Moscow đi một quãng đường dài vào thời điểm chiến tranh ác liệt như vậy. Nhà lãnh đạo Liên Xô đề xuất tổ chức cuộc họp ở một quốc gia có đại diện của cả ba nước, chẳng hạn như ở Iran. Ngoài Tehran, Cairo (do ông Churchill đề xuất), Istanbul và Baghdad cũng được nêu lên. Cuối cùng, các nước thống nhất ở Tehran, vì lúc đó thành phố do quân đội Liên Xô và Anh kiểm soát, ở đó cũng có đội quân đồn trú của Mỹ đóng.
Chiến dịch Iran (Chiến dịch Concord) được quân Anh - Liên Xô thực hiện vào cuối tháng 8/1941. Quân đồng minh đóng quân ở Iran do một số cân nhắc về kinh tế và chiến lược quân sự. Một số đơn vị quân đội Liên Xô đóng quân ở miền Bắc Iran. Quân Anh kiểm soát các tỉnh phía Tây Nam Iran. Quân đội Mỹ với lý do bảo vệ hàng hóa được chuyển đến Liên Xô đã tiến vào Iran cuối năm 1942. Một tuyến đường vận tải quan trọng lúc bấy giờ đi dọc lãnh thổ Iran, qua đó hàng hóa chiến lược của Mỹ được chuyển đến Liên Xô. Nhìn chung, tình hình ở Iran tuy phức tạp nhưng kiểm soát được.
Bảo đảm an ninh tại Hội nghị
Nhà lãnh đạo Stalin đến dự hội nghị trên chuyến tàu đi qua Stalingrad và Baku. Thủ tướng Churchill đi từ London đến Cairo, nơi ông chờ Tổng thống Roosevelt để phối hợp lập trường của Mỹ và Anh về các vấn đề chính trong đàm phán với nhà lãnh đạo Liên Xô. Tổng thống Mỹ vượt Đại Tây Dương trên chiến hạm Iowa. Sau chín ngày đi biển, hải đội Mỹ đã đến cảng Oran của Algeria. Ông Roosevelt sau đó đến Cairo. Vào ngày 28/11, phái đoàn của ba cường quốc đã có mặt ở thủ đô Tehran.
Do mối đe dọa từ các đặc vụ Đức, các biện pháp bảo vệ an ninh tăng cường đã được thực hiện. Phái đoàn Liên Xô trú tại Đại sứ quán Liên Xô. Người Anh dừng chân trên lãnh thổ của Đại sứ quán Anh. Cơ quan đại diện ngoại giao Anh và Liên Xô nằm đối diện nhau trên cùng một con phố ở Tehran, rộng không quá 50m. Đại sứ quán Mỹ nằm ở ngoại ô thủ đô, an ninh không bảo đảm nên Tổng thống Mỹ đã nhận lời mời của nhà lãnh đạo Liên Xô ở trong tòa nhà của Đại sứ quán Liên Xô.
Cuộc gặp diễn ra tại Đại sứ quán Liên Xô. Thủ tướng Anh đi dọc theo một hành lang có mái che được xây dựng riêng biệt nối liền hai Đại sứ quán. Xung quanh tổ hợp ngoại giao Liên Xô - Anh, các cơ quan tình báo Liên Xô và Anh đã thiết lập ba vòng an ninh, được hỗ trợ bởi xe bọc thép. Toàn bộ báo chí ở Tehran phải ngừng hoạt động, điện thoại, điện báo và liên lạc vô tuyến đều tắt.
Nước Đức quốc xã, dựa vào hệ thống mật vụ dày đặc, đã cố gắng tổ chức một vụ ám sát thủ lĩnh của các thế lực thù địch (Chiến dịch Bước nhảy xa). Tình báo Liên Xô cùng với các đồng nghiệp người Anh từ MI6 đã chỉ đạo và giải mã tất cả tin nhắn từ các điện tín của Đức về cuộc đổ bộ của một nhóm tấn công. Các điệp viên điện tín của Đức đã bị bắt giữ, và sau đó toàn bộ mạng lưới tình báo Đức (hơn 400 người) bị bắt. Vụ ám sát các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ và Anh đã bị ngăn chặn.
Những vấn đề thảo luận
Quân đồng minh mở “Mặt trận thứ hai” là vấn đề khó nhất. Sau bước ngoặt chiến lược trong Thế chiến II tại Stalingrad và Kursk, tình hình ở mặt trận phía Đông (về phía Liên Xô) tiến triển thuận lợi cho nước này. Quân Đức bị tổn thất không thể bù đắp được và không còn khả năng phục hồi. Giới lãnh đạo chính trị - quân sự Đức mất thế chủ động và nước Đức quốc xã chuyển sang phòng thủ chiến lược. Quân Liên Xô lần lượt giải phóng Donbass và các khu vực khác của Ukraine, vượt qua sông Dniep và chiếm lại Kiev. Người Liên Xô đã đánh đuổi quân Đức ra khỏi Bắc Kavkaz và đổ bộ lên Crimea.
Nhưng chiến thắng còn xa, nước Đức vẫn là đối thủ đáng gờm với lực lượng vũ trang và nền công nghiệp hùng mạnh. Chiến tranh càng kéo dài, tổn thất về người và của đối với Liên Xô và các nước châu Âu càng lớn. Chỉ có thể đẩy nhanh sự thất bại của đế chế phát xít này và các đồng minh thông qua nỗ lực chung của ba cường quốc.
Quân đồng minh hứa sẽ mở mặt trận thứ hai vào năm 1942, nhưng một năm tiếp theo vẫn chưa có động tĩnh gì. Mặt trận đã không được mở do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những tính toán địa chính trị. Về mặt quân sự, quân đồng minh sẵn sàng chiến dịch vào mùa Hè năm 1943. Một đội quân gồm 500.000 binh lính đã được triển khai ở Anh, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, được cung cấp mọi thứ cần thiết, bao gồm các lực lượng hải, lục và không quân. Các tướng lĩnh đều hăng hái xuất trận.
Người Anh và người Mỹ đã xây dựng một kế hoạch chiến lược tấn công từ phía Nam, qua Italy và vùng Balkan. Với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đồng minh sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bán đảo Balkan. Về đề xuất của Liên Xô mở Mặt trận từ nước Pháp, người Anh và người Mỹ thuyết phục phái đoàn Liên Xô rằng cuộc đổ bộ vào miền Bắc nước Pháp rất phức tạp do thiếu phương tiện vận tải, khó khăn cung cấp hậu cần. Kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến và tiến qua vùng Balkan là một kịch bản có lợi hơn. Điều này sẽ cho phép quân đồng minh kết nối trên lãnh thổ Romania và tấn công Đức từ phía nam.
Sau nhiều tranh cãi, vấn đề mở Mặt trận thứ hai đi vào ngõ cụt. Lúc đó, nhà lãnh đạo Stalin bày tỏ sẵn sàng rời khỏi hội nghị khi nói có quá nhiều việc phải làm ở trong nước nên không muốn lãng phí thời gian ở đây.
Thủ tướng Churchill nhận ra rằng không thể yêu cầu hơn nữa và đã thỏa hiệp. Hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ hứa với lãnh đạo Liên Xô sẽ mở mặt trận thứ hai ở Pháp không muộn hơn tháng 5/1944. Thời gian cuối cùng của chiến dịch dự kiến xác định vào nửa đầu năm 1944 (cuối cùng Mặt trận thứ hai - Chiến dịch Overlord – đã bắt đầu ngày 6/6/1944). Trong chiến dịch này, Liên Xô cam kết phải mở cuộc tấn công mạnh ở phía Đông nhằm ngăn chặn sự di chuyển của quân Đức từ Đông sang Tây.
Vấn đề Liên Xô tham chiến với Nhật Bản được hội nghị thống nhất. Phái đoàn Liên Xô, tính đến việc Đế quốc Nhật Bản liên tục vi phạm hiệp ước Xô - Nhật năm 1941 về tính trung lập và hỗ trợ cho Đức và cũng đáp ứng mong muốn của các đồng minh, tuyên bố rằng Liên Xô sẽ tham chiến với Nhật Bản sau khi đánh bại Đức quốc xã.
Vấn đề tương lai của Ba Lan cũng được thảo luận tại Hội nghị. Sơ bộ, các bên đồng ý rằng biên giới phía Đông của Ba Lan sẽ chạy dọc theo con đường có tên gọi là “Đường Curzon". Đường này về cơ bản tương ứng với nguyên tắc dân tộc học: ở phía Tây là những vùng lãnh thổ có dân số Ba Lan chiếm ưu thế, ở phía Đông, những vùng đất có dân số Tây Nga và Lithuania chiếm ưu thế. Về Iran, nhóm Tam cường đã thông qua Tuyên bố Iran. Tài liệu nhấn mạnh mong muốn của Moscow, Washington và London trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iran. Các nước đã lên kế hoạch rút lực lượng đóng quân tại đây sau khi chiến tranh kết thúc.
Tương lai nước Đức là một chủ đề nóng tại Hội nghị. Trong cuộc thảo luận về cấu trúc thời hậu chiến của Tây Âu, các nhà lãnh đạo Mỹ - Anh đề xuất chia nước Đức sau chiến tranh thành nhiều thực thể nhà nước tự trị và thiết lập quyền kiểm soát quốc tế đối với các khu vực công nghiệp quan trọng nhất của Đức như vùng Ruhr, Saarland. Nhà lãnh đạo Liên Xô không đồng ý với ý tưởng này và đề nghị chuyển vấn đề Đức sang Ủy ban tư vấn châu Âu. Sau đó, nhà lãnh đạo Liên Xô vẫn giữ quan điểm duy trì sự thống nhất của nước Đức. Tuy vậy, nước Đức vẫn bị chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức tại các hội nghị Tam cường sau này.
Về vấn đề xây dựng một tổ chức quốc tế để bảo đảm hòa bình lâu dài sau Thế chiến II, Tổng thống Mỹ Roosevelt đề xuất thành lập một tổ chức gọi là Liên hợp quốc (vấn đề này trước đó được thảo luận với Moscow). Hạt nhân của tổ chức quốc tế này là một Ủy ban bao gồm Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc có nhiệm vụ ngăn chặn sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh và xâm lược mới từ Đức và Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo Stalin và Churchill nhìn chung ủng hộ ý tưởng này.
Có thể nói, nghĩa đặc biệt của Hội nghị Tehran đã mãi mãi được ghi vào sử sách ngoại giao.
| Israel truy vết thủ lĩnh cấp cao Hamas; Tổng thống Brazil nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước Ngày 4/12, theo lời một quan chức an ninh cấp cao của Israel, cơ quan tình báo của nước này đang nỗ lực truy vết ... |
| Xung đột Israel - Hamas: Israel chuyển hơn 600.000 tấn hàng đến Rafah; Áo ngưng đóng băng viện trợ Israel tăng cường viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza; Áo ngưng đóng băng viện trợ cho người Palestine. |
| Phép thử gắn kết GCC Diễn ra lần đầu tiên tại Doha (Qatar) sau cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài suốt ba năm và đại dịch Covid-19, Hội nghị ... |
| Tấn công mỏ làm 9 người thiệt mạng ở Peru Bộ Nội vụ Peru sáng 3/12 cho biết, có 9 người thiệt mạng và 15 người bị thương sau khi những phần tử vũ trang ... |
| Tình hình Ukraine: Nguồn tài trợ eo hẹp, Kiev bán tài sản nhà nước, đẩy mạnh tư nhân hóa quy mô lớn - 'món hời'? Một vị Bộ trưởng của Ukraine từng kêu gọi các nhà đầu tư: “Hãy dũng cảm - và bạn có thể kiếm được gấp 20 ... |