📞

Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nước Arab và Hồi giáo: Nỗ lực ngăn xung đột lan rộng

Nhất Phong 19:45 | 14/11/2024
Mặc dù không đạt được giải pháp cuối cùng, Hội nghị đã thể hiện rõ ý chí và cam kết của nhiều quốc gia trong việc ủng hộ người Palestine và tìm kiếm các giải pháp lâu dài.
Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nước Arab và Hồi giáo diễn ra vào ngày 11/11 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.(Nguồn: AFP)

Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nước Arab và Hồi giáo diễn ra vào ngày 11/11 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Được tổ chức trong bối cảnh xung đột Israel - Palestine leo thang nghiêm trọng, đặc biệt là tại Dải Gaza, Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề nóng của khu vực, bao gồm lên án các hành động quân sự của Israel tại Gaza, bảo vệ quyền lợi của người Palestine và tìm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột.

Sự tham gia của các quốc gia có tiếng nói trong khu vực như Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần quan trọng vào các cuộc thảo luận tại Hội nghị. Nước chủ nhà Saudi Arabia kêu gọi đoàn kết trong bảo vệ quyền lợi của người Palestine và cam kết hỗ trợ nhân đạo.

Trong khi đó, Iran là một trong những quốc gia lên án mạnh mẽ nhất các hành động của Israel và kêu gọi đoàn kết với Palestine. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các biện pháp quốc tế và kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc (LHQ).

Hội nghị chỉ trích việc Tel Aviv sử dụng quyền tự vệ như một cái cớ cho các cuộc tấn công quy mô lớn và nhất trí kêu gọi sự ủng hộ quốc tế để “đóng băng” tư cách thành viên của Israel tại LHQ.

Hội nghị tái khẳng định cam kết ủng hộ Palestine thành lập một nhà nước độc lập với lãnh thổ bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, dựa trên đường biên giới trước năm 1967. Quyền của người Palestine tiếp tục là một vấn đề nóng tại Hội nghị, khi nhiều nước cho rằng, cuộc xung đột chỉ có thể kết thúc khi Israel tôn trọng quyền của người Palestine và kỳ vọng rằng LHQ sẽ can thiệp mạnh mẽ hơn, kêu gọi thông qua nghị quyết bảo vệ người dân Palestine, mở ra các lối tiếp cận nhân đạo cho Dải Gaza.

Trong Tuyên bố chung, Hội nghị kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế để áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel, nhấn mạnh “đây sẽ là một bước đi đưa mọi thứ vào đúng vị trí”. Tuyên bố chung cũng cảnh báo về những nguy cơ xung đột leo thang và mở rộng trong khu vực, vốn đã kéo dài hơn một năm ở Dải Gaza, đang lan sang cả Lebanon cùng với những hành vi được cho là vi phạm chủ quyền của Iraq, Syria và Iran, mà thiếu đi các hành động ngăn chặn quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.

Mặc dù có nhiều điểm đồng thuận, song tại Hội nghị cũng xuất hiện những bất đồng. Một số quốc gia, bao gồm Algeria và Lebanon ủng hộ trừng phạt kinh tế Israel để gây sức ép đối với Tel Aviv. Ngược lại, UAE và Bahrain - các nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel lại phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn, do lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế và an ninh khu vực. Thay vì ủng hộ các biện pháp cứng rắn, các nước này kêu gọi đối thoại và tìm kiếm giải pháp thông qua ngoại giao và đàm phán hòa bình.

Mặc dù không đạt được giải pháp cuối cùng, Hội nghị đã thể hiện rõ ý chí và cam kết của nhiều quốc gia trong việc ủng hộ người Palestine và tìm kiếm các giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, các quốc gia cũng đồng thời phải giải bài toán cân bằng giữa lợi ích quốc gia và sự đoàn kết khu vực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình bền vững cho vấn đề Israel - Palestine cũng như toàn khu vực Trung Đông.