Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc tại thủ đô Vilnius của Lithuania. (Nguồn: Skynews) |
Ngày 11/7, Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc tại thủ đô Vilnius của Lithuania. Hội nghị lần này sẽ có chương trình nghị sự kéo dài, khó khăn và nhiều thách thức, trong đó vấn đề Ukraine gia nhập NATO là rất đáng chú ý.
Cánh cửa dần hé mở
Hội nghị thượng đỉnh NATO là một phép thử quan trọng cho liên minh quân sự này, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đang theo dõi chặt chẽ từ bên lề hội nghị.
Thượng đỉnh NATO lần này có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nhiều lãnh đạo thế giới khác.
Các nhà lãnh đạo sẽ tranh luận điều họ có thể làm, nên làm và sẽ đưa ra tuyên bố công khai về Ukraine.
Cuối tuần qua đã đánh dấu 500 ngày Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Câu hỏi hóc búa đặt ra với NATO là: Làm sao phát đi một thông điệp rõ ràng đến Moscow rằng phương Tây sẽ không khoanh tay đứng nhìn xung đột leo thang khốc liệt hơn nữa.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây nhấn mạnh: “Những gì chúng ta quyết định làm hay không làm hôm nay sẽ thay đổi bộ mặt thế giới trong những thập niên tới”.
Vấn đề gai góc nhất với NATO là việc kết nạp Kiev, được 90% dân chúng Ukraine ủng hộ, các nước Baltic, Trung Âu và Đông Âu đang gây áp lực.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho rằng nếu Tổng thống Zelensky chịu đến dự, sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Điều chắc chắn là một Hội đồng NATO - Ukraine sẽ được thành lập. Tư cách thành viên của liên minh đòi hỏi phải có sự đồng ý nhất trí của tất cả các thành viên và một số thành viên hiện tại, bao gồm cả Mỹ, chưa sẵn sàng ủng hộ một động thái kết nạp Ukraine ngay lập tức.
Điều khoản cực kỳ quan trọng trong Điều 5 của NATO là phòng thủ tập thể. Nếu trao cho Ukraine một tư cách thành viên NATO trong hoàn cảnh hiện tại rất có thể sẽ dẫn đến cuộc xung đột trực diện giữa Nga và NATO, làm tăng nguy cơ leo thang sử dụng hạt nhân. Điều này quốc gia nào, kể cả Mỹ, đều muốn tránh.
Tổng thống Joe Biden đã chỉ ra rằng nếu kết nạp Ukraine vào NATO thời điểm này sẽ là quá sớm. Tư cách thành viên NATO là điều gì đó được đưa ra trong bối cảnh ngừng bắn hoặc hòa bình chính thức, nhưng cho đến lúc đó thì tư cách thành viên NATO của Ukraine có còn nghĩa lý gì?
Nhưng điều này không có nghĩa là NATO không nên làm gì.
Liên minh phải đưa ra một cam kết chính thức, không giới hạn để cung cấp cho Ukraine vũ khí, thông tin tình báo và đào tạo mà nước này yêu cầu. Điều này có thể so sánh với những gì Mỹ đã làm cho Israel lâu nay.
Câu hỏi nên hay không nên
Trong lịch sử của NATO, có lẽ chưa bao giờ tổ chức này lại đứng trước một vấn đề nan giải như vậy: Nên hay không nên khởi động ngay từ bây giờ tiến trình kết nạp Ukraine?
Trước hội nghị thượng đỉnh NATO, đây là một vấn đề gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các nước đồng minh, nhất là kể từ cuối tháng 6, Tổng thống Zelensky đã liên tục hối thúc NATO chính thức có lời mời Ukraine gia nhập khối này.
Thật ra vào năm 2008, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bucharest, NATO đã chấp nhận là trong tương lai Ukraine sẽ được gia nhập khối này.
Nhưng lúc đó lãnh đạo các nước thành viên đã không phê chuẩn “Kế hoạch Hành động để trở thành thành viên” (Membership Action Plan - MAP), một kiểu lộ trình để đưa Ukraine tiến gần đến NATO.
Trong khuôn khổ MAP, các nước ứng viên phải chứng minh đáp ứng được những tiêu chuẩn về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời chứng minh là có đủ khả năng đóng góp về mặt quân sự cho Liên minh.
Kể từ năm 1999, nhiều nước xin gia nhập NATO đã thực thi kế hoạch đó, cho dù đây không phải là điều bắt buộc. Riêng Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia trung lập nhưng đã hợp tác với NATO từ lâu, thì đã được mời gia nhập Liên minh mà không cần phải theo đúng MAP.
Ngày càng có nhiều nước thành viên như Anh đang vận động để Ukraine được kết nạp vào NATO mà không cần thực thi MAP.
Làm như vậy, khối NATO không cần phải khởi động ngay tiến trình kết nạp chính thức, hoặc công bố một lộ trình cụ thể cho Ukraine. Phương Tây cũng đang huấn luyện binh lính Ukraine theo các chuẩn mực của NATO, đồng thời viện trợ cho Kiev ngày càng nhiều vũ khí tối tân.
Một số thành viên Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, muốn một lộ trình cho việc kết nạp Ukraine được công bố ngay từ thượng đỉnh của Liên minh lần này. Ngay cả Pháp cũng đã thay đổi ý kiến. Cho đến tháng 12/2022, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn còn loại trừ khả năng kết nạp Ukraine. Nhưng ngày 28/6 vừa qua, chính ông Macron đã kêu gọi “xác định một con đường để cụ thể hoá việc Ukraine gia nhập NATO”.
Trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuy công nhận “vị trí chính đáng” của Ukraine chính là trong khối NATO, nhưng nói thêm không thể kết nạp Kiev khi xung đột với Nga chưa chấm dứt.
Lãnh đạo NATO cũng đã loại trừ khả năng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ chính thức có lời mời Ukraine gia nhập. Thật ra thì bản thân Tổng thống Zelensky cuối cùng cũng nhận thấy là Ukraine không thể nào được kết nạp vào NATO khi xung đột chưa chấm dứt, nhưng ông vẫn hy vọng thượng đỉnh Vilnius sẽ bắn “một tín hiệu rõ ràng” đến Kiev.
Tổng thống Zelensky cho biết vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh NATO rằng Ukraine sẽ là một phần của liên minh và mong đợi từ cuộc họp một "thuật toán" để Kiev chính thức tham gia.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết các đồng minh phương Tây lớn nhất của Ukraine vẫn đang hoàn thiện một khuôn khổ chung để mở đường cho các đảm bảo an ninh lâu dài cho Kiev và có thể đợi cho đến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này để công bố.