Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu Trung Quốc ngày 10/11. (Ảnh: Đức Khải) |
Ngày 10/11 tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV) phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu Trung Quốc lần thứ hai với chủ đề “Vai trò của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu Trung Quốc nằm trong chuỗi hội thảo thường niên China Talk International do Học viện Ngoại giao chủ trì tổ chức. Hơn 150 đại biểu gồm các học giả và nhà khoa học, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các cơ quan trong nước, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam... tham dự Hội thảo.
Đặc biệt, Hội thảo thu hút được nhiều chuyên gia, học giả nghiên cứu về Trung Quốc hàng đầu thế giới, trong đó, nhiều học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng, uy tín của Trung Quốc.
Tham dự Hội thảo lần này, về phía Học viện Ngoại giao, có Quyền Giám đốc Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Vũ Lê Thái Hoàng; các nhà ngoại giao kỳ cựu như Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Đặng Đình Quý, Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đại sứ Bùi Thế Giang, Đại sứ Nguyễn Vinh Quang…; các nhà nghiên cứu, học giả quốc tế và Việt Nam chuyên về Trung Quốc...
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Phạm Lan Dung phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Đức Khải) |
Phát biểu khai mạc, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Phạm Lan Dung nhận định thế giới đang trải qua những biến động địa chính trị phức tạp, cạnh tranh chiến lược, với một số quốc gia có những góc nhìn khác nhau về hệ thống quốc tế hiện nay. Điều này có thể dẫn đến các xung đột về lợi ích và quan điểm.
Là một phần trong chuỗi sự kiện China Talk, việc Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu Trung Quốc thảo luận về “Vai trò của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu” là vô cùng thiết thực. TS. Phạm Lan Dung mong Hội thảo là “cây cầu” để các học giả trao đổi, nâng cao hiểu biết về vị trí và vai trò của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu.
PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhấn mạnh sự chuyển dịch của Trung Quốc từ tham gia vào quản trị toàn cầu tới đóng một vai trò chủ động hơn. Đề cập thành tựu và tầm ảnh hưởng của cường quốc châu Á, ông cũng nêu bật những thách thức nước này đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi này.
Hội thảo nhấn mạnh đến vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu, các phương cách tham gia và phối hợp, các xu hướng phát triển và khả năng đóng góp của quốc gia này thời gian tới.
Về phần mình, ông Florian Feyerabend, Đại diện Viện Konrad-Adeneur (KAS) tại Việt Nam, nhắc tới sự dịch chuyển đang diễn ra ở Trung Quốc và thay đổi trong cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về nước này. Do đó, đây là cơ hội quý giá để đóng góp, xây dựng góc nhìn toàn diện hơn về Trung Quốc, song song với củng cố cách nhìn nhận của nước này về vị thế của mình trên toàn cầu.
Ông Florian Feyerabend, Đại diện Viện Konrad-Adeneur (KAS) cho rằng Hội thảo là dịp dể trao đổi kiến thức về Trung Quốc, xây dựng một góc nhìn thực tế, phù hợp về vai trò của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu. (Ảnh: Đức Khải) |
Với 19 phần trình bày trong 4 phiên và một phiên chính, trong bầu không khí học thuật thẳng thắn, sôi nổi, Hội thảo đã thúc đẩy chia sẻ kiến thức về Trung Quốc học, qua đó tăng cường hiểu biết của các đại biểu tham dự.
Trong phiên 1 tập trung vào “Góc nhìn của Trung Quốc về quản trị toàn cầu”, các học giả nhận định rằng tầm nhìn của cường quốc châu Á được hình thành và phát triển dựa trên truyền thống, lịch sử, văn hóa, các giá trị, hệ tư tưởng, kinh tế và chính trị. Trong đó, các giá trị truyền thống là yếu tố nổi bật, then chốt trong định hình tư duy chính sách đối ngoại và lợi ích quốc gia trong quản trị toàn cầu.
Tại phiên 2 về “Chiến lược tăng cường sự tham gia của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu”, các học giả cho rằng Trung Quốc đã tích cực tham gia các cơ chế kinh tế tài chính quốc tế. Phiên cũng thảo luận về Tài trợ phát triển vốn chính thức (ODF) của nước này ở Đông Nam Á, hợp tác về an ninh phi truyền thống với Nam Bán cầu, phát triển xanh và bền vững ở khu vực lưu vực sông Mekong, tiến bộ về mặt kỹ thuật của Trung Quốc và tác động tới quản trị số toàn cầu.
Các diễn giả trong phiên thảo luận thứ 2. (Ảnh: Minh Quân) |
Trong phiên chính, Giáo sư Cheng Li, Giám đốc sáng lập Trung tâm về quản trị của Trung Quốc và thế giới, Đại học Hong Kong (Trung Quốc), đã đưa ra một số đánh giá sâu sắc về nền tảng lý luận và thực tiễn áp dụng chính sách ngoại giao nước lớn của Trung Quốc.
Tới phiên 3 về “Các cơ hội và thách thức của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu hiện nay”, các học giả đã thảo luận hợp tác về quản trị toàn cầu trong thế giới “phân mảnh”, nêu ra cơ hội, thách thức đối với cường quốc châu Á về an ninh ở khu vực biên giới. Hội thảo tập trung làm rõ các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Trung Quốc và các nước lớn khác, cũng như vai trò của quốc gia này trong công cuộc gìn giữ hòa bình thông qua trung gian hòa giải và quản lý khủng hoảng.
Ở phiên cuối cùng về “Triển vọng của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu”, các học giả và diễn giả đã cùng nhau làm rõ vị trí của cường quốc châu Á trong một thế giới mới, tác động từ các sáng kiến toàn cầu của nước này tới quản trị toàn cầu. Hội thảo cũng tìm hiểu nỗ lực của Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác Nam-Nam trong khuôn khổ các tổ chức toàn cầu mới nổi, song song với quyền lực mềm và vai trò ngày một lớn của cường quốc châu Á trong quản trị toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Hội thảo đã góp phần giúp các học giả về Trung Quốc kết nối, chia sẻ nhận định đa dạng, đa chiều, qua đó có góc nhìn nhận thực tế, phù hợp về vai trò của cường quốc châu Á trong quản trị toàn cầu nói riêng và thế giới nói chung.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Các điễn giả trao đổi về nguồn gốc tầm nhìn của Trung Quốc về quản trị toàn cầu trong phiên 1. (Ảnh: Minh Quân) |
Hội thảo có sự góp mặt quan trọng của nhiều học giả Trung Quốc học theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Minh Quân) |
Giáo sư Cheng Li đưa ra một số đánh giá đáng chú ý về chính sách ngoại giao nước lớn của Trung Quốc. (Ảnh: Minh Quân) |
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều Đại sứ, các chuyên gia nghiên cứu, am hiểu sâu về Trung Quốc. (Ảnh: Minh Quân) |
...cùng các học giả nước ngoài uy tín về Trung Quốc học và những học giả quan tâm. (Ảnh: Minh Quân) |
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Hùng Sơn (ngoài cùng bên trái) điều hành phiên thảo luận về “Triển vọng của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu”. (Ảnh: Đức Khải) |
TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân) |
Lãnh đạo Học viện Ngoại giao, Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao và các học giả, chuyên gia về Trung Quốc tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Khải) |
Các khách mời, diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân) |