Nhỏ Bình thường Lớn

Hội thảo quốc tế Biển Đông lần 4: Củng cố lòng tin giữa các bên liên quan

Từ ngày 19-21/11, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Đông với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Vietnam+)

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC) được ký kết.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng: "Biển Đông căng thẳng đã làm xói mòn lòng tin vốn rất ít ỏi, nhưng các bên liên quan đã phải mất hàng thập kỷ xây dựng mới có được. Lòng tin suy giảm tạo nên mảnh đất màu mỡ để nghi kỵ phát triển. Điều này không có lợi cho bất cứ bên nào". Bởi vậy, ông hy vọng với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia đầu ngành thế giới nghiên cứu về Biển Đông có những đóng góp tích cực trong việc thiết lập thêm nhiều cơ chế hợp tác, "vì lòng tin giữa các biên liên quan đến tranh chấp được củng cố và do đó Biển Đông an ninh hơn, hòa bình và thịnh vượng hơn".

Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Singapore, Đại sứ Rodolfo Serverino, cho rằng "Điều chúng tôi muốn thấy và muốn làm là đảm bảo rằng các tuyên bố đối lập không tồn tại trong mọi xung đột, và vì vậy anh cần phải học cách xây dựng lòng tin vốn cần thời gian và sự trung thực". Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, ĐH Quốc gia Singapore thì hy vọng "Các hoạt động này sẽ giúp xây dựng lòng tin và mang lại các chương trình hợp tác vững chắc".

Tại Hội thảo, các đại biểu còn đặt vấn đề: các nước lấy lợi ích thứ yếu làm nền tảng cho những quyết định chiến lược đã dẫn tới sai lầm trong việc lựa chọn chiến lược. Điều này cũng gây tổn hại đến sự phát triển quốc gia và xây dựng năng lực toàn diện của mỗi nước (GS. Su Hao, ĐH Ngoại giao Bắc Kinh (Trung Quốc). Các học giả Hà Anh Tuấn (ĐH New South Wales, Australia), PGS. Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế Alice Ba (ĐH Delaware, Mỹ) và TS. Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) thì cho rằng sau một thời gian leo thang, những tranh chấp trên Biển Đông trong những tháng cuối năm 2012 đang có xu hướng giảm nhẹ hơn. Tuy nhiên, các học giả này cũng cho rằng, dường như không bên nào chịu mềm dẻo hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông. "Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Sự phức tạp ấy đang gia tăng gấp bội do những biến chuyển của tình hình nội bộ nhiều nước, những biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh ở khu vực", ông Đặng Đình Quý nhận định.

Bởi vậy, các học giả nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, duy trì vai trò đoàn kết của ASEAN nhằm duy trì hiệu quả các khuôn khổ hợp tác khu vực. Một số đại biểu cho rằng ngoài các biện pháp xây dựng lòng tin an ninh biển như việc thiết lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra hải quân chung, cũng cần tận dụng các kênh ngoại giao và quốc phòng hiện đang kết nối các quốc gia trong khu vực, ví dụ như đối thoại chính phủ trực tiếp, tiếp tục các cơ chế đối thoại an ninh khu vực hiện có như ARF, EAS. Bên cạnh đó là vai trò của truyền thông trong việc định hướng dư luận. Các bên liên quan cũng cần phải có trách nhiệm chọn lọc thông tin khách quan và đầy đủ về vấn đề, để đưa ra những thông điệp quan trọng một cách đúng đắn, không kích động tinh thần dân tộc cực đoan làm phức tạp thêm quá trình giải quyết tranh chấp vốn đã gặp nhiều trở ngại.

Theo quan điểm của nhiều học giả, lịch sử QHQT cho thấy không thể dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp như ở Biển Đông. Các nước tham gia tranh chấp phải giữ cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của riêng mình và duy trì sự ổn định ở Biển Đông. Các học giả cảnh báo, thời gian vẫn còn, nhưng ngày càng ít cho các bên tranh chấp ở Biển Đông tìm kiếm giải pháp hòa bình để kiểm soát và giải quyết các tranh chấp.

Lâm An

Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ; gần 30 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam; và các học giả, đại biểu Việt Nam.

Với 10 phiên họp, hội thảo tập trung vào thảo luận các chủ đề chính như Biển Đông trong sự dịch chuyển: Địa chính trị; Những diễn biến gần đây ở Biển Đông; Chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại ở Biển Đông; Quân sự hóa và những hệ lụy; Lợi ích và chính sách của các bên ngoài khu vực Biển Đông; Biển Đông trong quan hệ Mỹ- ASEAN- Trung Quốc; Những khía cạnh pháp lý của vấn đề Biển Đông; Hợp tác ở Biển Đông: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai; Giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và các phương thức hướng tới giải pháp; Các kiến nghị chính sách.