📞

Họp Đại hội đồng Liên hợp quốc: Để thế giới vượt qua ‘vùng biển động’

Phan Quân 15:00 | 22/09/2022
Thế giới đang trải qua thời khắc khó khăn chưa từng có và khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc là cơ hội để tìm hướng đi mới trong một số vấn đề then chốt.
Phiên Thảo luận chung các khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc là cơ hội để các nước hiểu rõ lập trường của nhau trong các vấn đề cốt lõi với lợi ích quốc gia và thế giới. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Phát biểu khai mạc phiên Thảo luận chung khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ) ngày 20/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhận định thế giới đang đối mặt “hiểm họa lớn”. Khẳng định loài người đang trong “vùng biển động”, với “hàng loạt cuộc khủng hoảng toàn cầu đan xen lẫn nhau”, ông nhấn mạnh đây là lúc các nước xích lại gần nhau, vượt qua chia rẽ, hành động vì trách nhiệm.

Phiên Thảo luận chung khóa 77 ĐHĐ LHQ là cơ hội để tìm hướng đi mới, đặc biệt trong một số vấn đề sau.

Xung đột và đụng độ

Trước hết, đó là các xung đột và đụng độ quân sự, nổi bật là xung đột Nga - Ukraine. Đây là chủ đề “chiếm sóng” phiên Thảo luận chung của ĐHĐ LHQ lần này, khi được đề cập trong hầu hết các phát biểu của lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước trong ba ngày đầu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh sẽ không chấp nhận nền hòa bình do Moscow áp đặt, khẳng định Berlin tiếp tục hỗ trợ tài chính, kinh tế, nhân đạo và quân sự cho Kiev “hết sức mình”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “tất cả thành viên của ĐHĐ LHQ hỗ trợ chúng tôi trên con đường hòa bình, buộc Nga từ bỏ con đường hiện nay” và nhấn mạnh trách nhiệm của mọi nước nhằm tuân thủ Hiến chương LHQ.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine khiến “ai cũng rùng mình”. Ông nhấn mạnh hành động của Nga đã “vi phạm nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên hợp quốc”, đồng thời khẳng định cam kết của Washington và cộng đồng quốc tế trước Moscow.

Trong khi đó, Tổng thống Senegal Macky Sall, nước Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Xung đột Nga-Ukraine và hệ quả đã, đang và tiếp tục xuất hiện trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ của nhiều nguyên thủ, quan chức cấp cao các nước. Đề tài này chắc chắn sẽ là chủ đề chính trong phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và được đề cập ở phần ghi âm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Xung đột Nga-Ukraine là chủ đề “chiếm sóng” phiên Thảo luận chung của ĐHĐ LHQ lần này, khi được đề cập trong hầu hết các phát biểu của lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước trong ba ngày đầu.

Các vấn đề về sử dụng vũ lực như đụng độ Armenia - Azerbaijan hay Kyrgyzstan-Tajikistan đã được đề cập trong phát biểu của lãnh đạo một số nước như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hay người đồng cấp Kyrgyzstan Sadyr Japarov. Điểm nóng Syria, Iraq, Yemen, Eo biển Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, Myanmar hay Biển Đông có thể sẽ xuất hiện trong các phát biểu vài ngày tới.

Phát biểu ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này không tìm kiếm “xung đột” hay một cuộc “Chiến tranh lạnh” mới với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ không kêu các nước “chọn” giữa mình và các đối tác khác. Ông Joe Biden khẳng định Washington “sẽ ứng xử như một nhà lãnh đạo lý trí”. Về eo biển Đài Loan, Mỹ luôn muốn duy trì hòa bình và ổn định, phản đối thay đổi đơn phương về hiện trạng tại khu vực này.

Về lý thuyết, những xung đột, điểm nóng được đề cập tại phát biểu ở ĐHĐ LHQ phản ánh ưu tiên và quan điểm của các nước, với mẫu số chung là tìm kiếm giải pháp song phương cũng như đa phương, vì nền hòa bình bền vững cho thế giới.

Song trên thực tế, trong bối cảnh “chia rẽ giữa các cường quốc” ngày một nghiêm trọng, phát biểu của lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước c là bước cần, nhưng chưa đủ để có thể hạ nhiệt hàng loạt điểm nóng trên thế giới hiện nay.

Covid-19 và hơn thế nữa

Song, đó chỉ là một phần thách thức toàn cầu.

Bên cạnh xung đột Nga-Ukraine, Covid-19 và tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế sau đại dịch toàn cầu này cũng xuất hiện xuyên suốt trong phát biểu của lãnh đạo các nước, từ Hàn Quốc tới Brazil hay Seychelles.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhắc tới hoạt động phòng chống dịch trong nước, nỗ lực đóng góp vào cuộc chiến chống dịch toàn cầu thông qua sáng kiến ACT-A hay 30 triệu USD vào Quỹ tài chính khẩn cấp của Ngân hàng Thế giới.

Trong ngày 21/9, bên lề phiên họp, Ngoại trưởng Indonesia, Australia và Timor Leste cũng thảo luận ba bên về thúc đẩy hợp tác phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực cũng được nhiều nước quan tâm. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Tổng thống quần đảo Marshall David Kabua kêu gọi các nước công nghiệp phát triển và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm hơn với các quốc gia và vùng lãnh thổ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành một thời lượng đáng kể để đề cập tới vai trò, cam kết của xứ cờ hoa về biến đổi khí hậu, với 369 tỷ USD dành riêng cho lĩnh vực này. Ông chủ Nhà Trắng cho biết đang tích cực làm việc với Quốc hội Mỹ để cung cấp 11 tỷ USD/năm để giúp các nước thu nhập thấp hơn đảm bảo mục tiêu chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ông Joe Biden nhấn mạnh cam kết hàng trăm tỷ USD của Mỹ trong chống biến đổi khí hậu tại ĐHĐ LHQ khóa 77 ngày 21/9. (Nguồn: AP)

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đã tham dự hội thảo bên lề ĐHĐ LHQ về vấn đề an ninh lương thực.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định không thể có hòa bình khi còn đói kém và ngược lại, không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại. Nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, an ninh lương thực tiếp tục là vấn đề khẩn cấp, dù Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại hội nghị cấp cao hồi tháng Sáu tại Đức đã cam kết chi 5 tỷ USD cho mục tiêu này. Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ đóng góp 2,9 tỷ USD nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu do hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine.

Hai vấn đề “nóng” này có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong những bài phát biểu tới.

Cũ và mới

Cuối cùng, một vấn đề “cũ mà mới” nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện trong phần còn lại của phiên Thảo luận chung là cải tổ HĐBA LHQ. Đây là chủ đề được nhắc đến không ít lần trong hai ngày vừa qua, thể hiện rõ nét trong phát biểu của Nhật Bản, Đức và Brazil.

Thực tế, câu chuyện về cải tổ và mở rộng HĐBA LHQ đã xuất hiện trong nhiều kỳ họp ĐHĐ LHQ. Đến nay, xung đột Nga-Ukraine càng khiến câu chuyện này thời sự hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng, việc cải tổ HĐBA LHQ có thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Là nguyên thủ đầu tiên phát biểu, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã không mất nhiều thời gian để nêu “giải pháp sáng tạo” cho HĐBA LHQ. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng, đã đến lúc “thảo luận các văn bản về cải tổ HĐBA LHQ”. Thủ tướng Olaf Scholz nhận định các nước Á, châu Phi và Nam Mỹ “cần tiếng nói chính trị lớn hơn trên trường quốc tế”.

Riêng ngày 20/9, có ít nhất sáu lãnh đạo lên tiếng về vấn đề này, bao gồm Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal, quần đảo Marshall, Philippines và Thụy Sỹ.

Phát biểu ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ủng hộ cải tổ và mở rộng HĐBA LHQ, với các đại diện châu Phi và Mỹ Latinh có thêm ghế thường trực. Nước này cũng sẽ “hạn chế sử dụng quyền phủ quyết, trừ những trường hợp hiếm hoi hay bất thường, để HĐBA LHQ hoạt động đáng tin cậy và hiệu quả hơn”.

Thực tế, câu chuyện về cải tổ và mở rộng HĐBA LHQ đã xuất hiện trong nhiều kỳ họp ĐHĐ LHQ. Đến nay, xung đột Nga-Ukraine càng khiến câu chuyện này thời sự hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng, việc cải tổ HĐBA LHQ có thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Phiên Thảo luận chung của khóa 77 ĐHĐ LHQ dự kiến sẽ khép lại vào ngày 26/9. Kỳ vọng rằng những phát biểu tại đây có thể giúp lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước thấu hiểu lập trường, quan điểm của nhau trong những vấn đề cốt lõi với lợi ích quốc gia, góp phần thu hẹp “sự chia rẽ địa chính trị” để cùng nhau vượt qua “vùng biển động”.