Ma túy đang là hiểm họa chung của toàn cầu, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đây là loại tội phạm sản sinh ra các loại tội phạm khác như tài trợ khủng bố, tham nhũng, rửa tiền, cướp của, giết người...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, hoạt động của các đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia đang ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, chính sách phòng, chống ma túy khác biệt trên toàn cầu đã gây ra những khó khăn nhất định trong giải quyết có hiệu quả vấn đề này.
Có thể thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng cam go và quyết liệt, yêu cầu các quốc gia phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng và xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống ma túy là đòi hỏi tất yếu, khách quan và cần được nâng lên tầm cao mới, nhằm đạt được hiệu quả, thiết thực hơn.
Cơ quan chống ma túy Indonesia bắt giữ nhiều vụ tội phạm ma túy. (Nguồn: AFP) |
Trong những năm qua, ASEAN đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mekong đang phải đối mặt với tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy gia tăng đáng báo động. Thế giới và khu vực đang xuất hiện ngày càng nhiều các chất hướng thần mới (NPS) nằm ngoài danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc. Tình trạng lạm dụng các chất kích thích, chất hướng thần, ma túy tổng hợp tăng mạnh trong giới trẻ, khu vực “Tam giác vàng” tiếp tục là điểm nóng về trồng thuốc phiện và sản xuất ma túy tổng hợp.
Trong 5 thập kỷ qua, ước tính sản lượng ma túy hàng năm tại khu vực “Tam giác vàng” đạt 650 tấn thuốc phiện, số lượng này có thể sản xuất ra 60 tấn heroin, 1 tỷ viên ma túy tổng hợp và 20 tấn ma túy đá. Tuy nhiên, số lượng ma túy thu giữ được trong khu vực còn hạn chế và phần lớn được vận chuyển đến các khu vực khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, xu hướng mua bán, vận chuyền trái phép các chất ma túy qua đườnghàng không, đường biển, bưu điện trong khu vực đang gia tăng, đặc biệt tình trạng mua bán ma túy qua các trang mạng trực tuyến cũng đang dần trở nên phổ biến, nhất là các đối tượng phạm tội trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, điển hình là Singapore, Malaysia, Thái Lan. Trong những năm gần đây, khu vực ASEAN cũng ghi nhận những kỷ lục mới về số lượng bắt giữ ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp ở một số nước như Malaysia, Indonesia,Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, tại các nước Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đã triệt phá một số tụ điểm sản xuất ma túy do các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) móc nối với các đối tượng trong nước tạo thành. Tại Myanmar, cơ quan phòng, chống ma túy quốc gia ước tính diện tích trồng cây thuốc phiện hiện nay tại nước này vào khoảng 36.100ha, sản lượng năm 2018 đạt khoảng 520 tấn.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình ma túy thế giới và khu vực, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước ký kết Hiệp định, Thỏa thuận, các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế và các nước đối tác tài trợ trên các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần tăng cường sự gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy ở trong nước.
Cụ thể, trên diễn đàn đa phương về phòng, chống ma túy, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, từ ngày 9 đến 13/9/2019 tại Hà Nội. Hội nghị đã diễn ra trong 4 ngày với 9 phiên họp và 4 cuộc gặp song phương cấp Bộ trưởng.
Ngoài việc thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng 10 nước/đối tác về nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, Hội nghị cũng đã có những phiên họp mang tính chuyên sâu trao đổi nghiệp vụ điều tra, chia sẻ thông tin đối tượng, đường dây vận chuyển ma túy theo tuyến, địa bản xuyên quốc gia.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tháng 9/2019 tại Hà Nội. (Nguồn: CAND) |
Đây là hội nghị bất thường, được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế; kêu gọi các quốc gia trong khu vực cùng chia sẻ trách nhiệm chung trong nỗ lực phòng, chống ma túy; thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với tình hình ma túy thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn đa phương khác của khu vực và thế giới về phòng, chống ma túy như: Việt Nam cùng với nhiều nước ASEAN đã thể hiện quan điểm nhất quán, không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hoá với sử dụng ma túy tại Phiên họp lần thứ 63 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc vào tháng 3/2020 tại Áo; tham dự Hội nghị cán bộ đầu mối triển khai cơ chế hợp tác MOU được tổ chức vào ngày 27/5/2020 theo hình thức họp trực tuyến; tham dự Hội thảo trực tuyến về mạng lưới giám sát ma túy ASEAN lần thứ 9 (ASEAN-NARCO) vào tháng 9/2020; tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên biên bản thoả thuận 1993 về phòng, chống ma túy khu vực Tiểu vùng sông Mekong (MOU 1993) vào tháng 12/2019; chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Tổ công tác phòng, chống ma túy tại cảng biển lần thứ 4 (ASTTE) vào tháng 9/2019; tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 39 tại Campuchia vào tháng 8/2019; tham dự hội nghị những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật về ma túy khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương (HONLEA); tham dự các diễn đàn đa phương khác về phòng, chống ma túy như ADEC, ADLOMICO, IDEC...
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN về phòng, chống ma túy, Việt Nam cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, các cơ quan, đối tác tài trợ tích cực cho công tác đầu tranh phòng, chống ma túy của Việt Nam, Với phương châm hợp tác đi vào thực chất, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phối hợp với các nước triệt phá các vụ ma túy lớn, đặc biệt là các đường dây tôi phạm ma túy xuyên quốc gia.
Cụ thể, trong quan hệ hợp tác với nước bạn Lào và Campuchia ở cấp Trung ương, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia triển khai nhiều sáng kiến nhằm kịp thời ứng phó với tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới ba nước trong đó nổi bật là việc triển khai kế hoạch cao điểm về tuyên truyền tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Ngày 17/12/2020, lực lượng công an Thanh Hóa đã bắt được đối tượng Sùng A Cáng (sinh năm 1984) thường trú tại bản Suối Hộc, xã Trung Lý, huyện Mường Lát tượng đang vận chuyển 12.000 viên hồng phiến từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. (Nguồn: TTXVN) |
Phía Việt Nam cũng đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị ba bên/song phương cấp Bộ trưởng giữa ba nước về hợp tác phòng chồng ma túy lần thứ 18 vào tháng 9/2019 tại Việt Nam: Tổ chức định kỳ, luân phiên Hội nghị giao ban giữa lực lượng chức năng của Việt Nam với lực lượng chức năng của Lào và Campuchia từ cấp Trung ương đến địa phương. Tính đến nay, ba nước đã tổ chức định kỳ, luân phiên 18 kỳ họp cấp Bộ trưởng: 12 kỳ Hội nghị giao ban với Lào và 2 kỳ Hội nghị giao ban luân phiên với Campuchia.
Trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực, phía Việt Nam hàng năm đều tổ chức các lớp tập huân về công tác hành pháp phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy cho cán bộ chức năng của Lào và Campuchia. Ở cấp địa phương, các tỉnh giáp biên với Lào và Campuchia của Việt Nam hàng năm vẫn tô chức các đoàn sang giao ban, thăm hỏi lẫn nhau đồng thời hỗ trợ phía bạn kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy góp phần tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các tỉnh giáp biên của ta với bạn, đồng thời làm giảm tình hình ma túy khu vực biên giới.
Với Thái Lan, Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan (ONCBP) triển khai có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Thư thoả thuận hợp tác giữa hai nước (LOA); tăng cường hợp tác trao đối thông tin qua các khuôn khổ hợp tác như Trung tâm sông Mekong an toàn (SMCC), mạng lưới giám sát ma túy ASEAN (ASEAN - NARCO). Phía Thái Lan cũng đã hỗ trợ Việt Nam thành lập thí điểm trạm kiểm soát ma túy tại Tân Lạc, Hòa Bình; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện, kinh phí hoạt động nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, hằng năm, hai nước đều luân phiên chủ trì tổ chức Hội nghị song phương Việt Nam – Thái Lan về hợp tác phòng, chống ma túy. Tính đến nay, hai nước đã tổ chức thành công 13 kỳ hội nghị góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và trong công tác phòng, chống ma túy nói riêng.
Với Myanmar, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phối hợp với phía Myanmar triển khai hiệu quả các khuyến nghị hợp tác được thông qua tại Hội nghị song phương Việt Nam - Myanmar về hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ năm được tổ chức vào tháng 12-2019 tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Trong đó, hai nước tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp điều tra đầu tranh chung các chuyên án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia, xác minh thông tin về các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy liên quan đến hai nước; nghiên cứu, đề xuất trao đổi các đoàn tập huấn về kinh nghiệm triệt xoá cây có chứa chất ma túy. Hai nước hiện nay cũng tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn hợp tác đa phương khác như ASEAN, MOU, SMCC.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh việc thiết lập đường dây nóng và thường xuyên trao đổi thông tin về phòng, chống ma túy với các cơ quan hành pháp các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng phục vụ trao đổi thông tin nhanh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines...
Các mạng lưới đường đây nóng này bước đầu đã phát huy được hiệu quả, là những đầu mối quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng của Việt Nam kịp thời triệt phá các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia.
Cục Phòng chống tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã phối hợp triệt phá đường dây ma túy tại vùng biển Philippines, tháng 3/2019. (Nguồn: NLĐ) |
Điển hình, Việt Nam đã cung cấp thông tin giúp phía Philippines bắt giữ vụ vận chuyển ma túy trái phép từ cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh đến cảng Manila, Philippines (tháng 3/2019), thu giữ tổng cộng 276kg ma túy tổng hợp; phối hợp với Viện Công tố tối cao Hàn Quốc trao đổi, xác minh thông tin và điều tra mở rộng vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy vào tháng 7/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới sẽ tiếp tục diễn biển phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống ma túy trong nước, lực lượng chức năng của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các nước và đối tác triển khai các giải pháp hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy thực sự đi vào chiều sâu, tập trung, trọng điểm với từng, đối tác, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia trong khu vực ASEAN, trong đó đặc biệt tập trung vào các giải pháp như: (1) Phối hợp triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên phạm vị lãnh thổ mỗi nước và phối hợp đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia có liên quan đến các nước, nhằm mục tiêu chung là ngăn chặn tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, không để hình thành phát triển thị trường ma túy lớn của thế giới; (2) Lập chuyên án đầu tranh chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia; (3) Triển khai các giải pháp kiểm soát tiền chất thông qua các cơ chế hợp tác đa phương, trong kiểm soát tiền chất; và (4) Tăng cường trao đổi thông tin về nguồn gốc, tuyến đường vận chuyển, sản xuất trái phép ma túy, hồ sơ của các tổ chức tội phạm ma túy.
Thứ hai, tăng cường quan hệ hợp tác ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, theo hướng ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự tin cậy lẫn nhau; tạo điều kiện để củng cố quan hệ hợp tác với ASEAN về phòng, chồng ma túy, tạo điều kiện đẩy mạnh trao đổi thông tin, tình hình, xu hướng và chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống ma túy; triển khai có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về vấn đề ma túy như AMMD, ASOD, Kế hoạch hành động phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN phòng, chống tệ nạn ma túy, giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng, giai đoạn 2020-2022;
Thứ ba, triển khai các giải pháp kiểm soát tiền chất thông qua các cơ chế hợp tác đa phương, phòng, chống thất thoát tiền chất, triệt phá các phòng thí nghiệm sản xuất ma túy tổng hợp; kiểm soát chặt chẽ các tổ chức hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đồng thời giải quyết hiệu quả các xu hướng và tuyến vận chuyển mới nổi trong khu vực và thế giới nói chung;
Thứ tư, tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới như Lào và Campuchia triển khai các hoạt động trên cơ sở Hiệp định/Thoả thuận hợp tác mà Việt Nam đã ký kết với các nước: tăng cường trao đổi thông tin một cách cụ thể, chính xác và kịp thời giữa các quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO).