TIN LIÊN QUAN | |
Ngày mai (29/3), khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và CLV 10 | |
Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông phục vụ GMS-6 và CLV-10 |
Tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia (TGPT CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước bổ sung thêm ba tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào TGPT CLV.
Hiệu quả và thực chất
Các địa phương thuộc khu vực TGPT CLV đều ở trên cao nguyên và nằm tại khu vực biên giới của ba nước, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Các tỉnh này hầu như đều có đường biên giới chung từng đôi một và đã hình thành các cặp cửa khẩu nên có sẵn tiềm năng hợp tác. Vì thế, việc hình thành khu vực TGPT CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác TGPT CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh – đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…
Không chỉ mở rộng về diện tích địa lý, TGPT CLV cũng không ngừng có thêm các cơ chế mới, thông qua các Hội nghị cấp cao định kỳ, để sự hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Thủ tướng Lào, Việt Nam và Campuchia tại một Hội nghị Cấp cao CLV. |
Ngay từ Hội nghị cấp cao lần thứ 2 năm 2003 tại TP. Hồ Chí Minh, ba nước đã xác định ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 3 ở Siem Reap (Campuchia) năm 2004, ba nước khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tam giác CLV và nhất trí phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án. Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 10, ngày 28/11/2004, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố Vientiane về xây dựng TGPT và thông qua Quy hoạch tổng thể TGPT.
Năm 2006, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 ở Đà Lạt, ba nước nhất trí tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp huy động nguồn lực bên ngoài. Đến Hội nghị Cấp cao lần thứ 5 (2008) tại Vientiane, ba nước đã ký Bản ghi nhớ về việc xây dựng các Chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực TGPT CLV nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển trong khu vực và thu hút đầu tư bên ngoài.
Năm 2010, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 tại Phnom Penh (Campuchia), lãnh đạo cấp cao 3 nước đã xem xét thông qua Bản Quy hoạch lại khu vực Tam giác phát triển đến năm 2020 thay thế cho bản Quy hoạch cũ năm 2004… Các Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị và chứng kiến lễ ký điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực TGPT giữa ba Chủ tịch Ủy ban điều phối.
Tiếp đó, Hội nghị cấp cao lần thứ 7 tổ chức tại Vientiane năm 2013 đã khẳng định cam kết phát triển khu vực Tam giác thành một điển hình trong hợp tác khu vực của 3 nước, nhất trí đẩy mạnh huy động nguồn lực, trong đó có vận động các nhà tài trợ để phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng.
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 8 (tháng 11/2014) ở Vientiane, các bên đã nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam về mở rộng quy mô hợp tác TGPT thông qua tăng cường kết nối ba nền kinh tế (không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới) khu vực TGPT CLV trên các lĩnh vực như giao thông, viễn thông, điện lực, du lịch, ngân hàng.
Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 9 (tháng 11/2016) đã tập trung rà soát tình hình triển khai các quyết định của Hội nghị cấp cao CLV 8 và trao đổi về định hướng hợp tác trong thời gian tới về kết nối ba nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp cao su, du lịch, hợp tác môi trường. Hội nghị cũng giao Ủy ban điều phối chung hoàn thành “Kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030” trong 2017.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác TGPT CLV, bên cạnh các Hội nghị cấp cao,
ba nước CLV đã nhất trí thành lập Ủy ban điều phối chung TGPT với bốn tiểu ban: kinh tế, xã hội - môi trường, địa phương, an ninh - đối ngoại. Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Ủy ban và ủy viên Ủy ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Tam giác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam giữ vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban.
Đánh giá về cơ chế hợp tác TGPT CLV, tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10 mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết, đã có rất nhiều biên bản quan trọng được đưa ra trong khuôn khổ TGPT CLV. Hợp tác TGPT CLV đã thu được nhiều kết quả cụ thể như kết nối hạ tầng, gia tăng đầu tư…giữa các bên. “Khởi đầu chỉ là những ý tưởng, dần dần đã được phát triển thành những chiến lược, kế hoạch cho đến những dự án cụ thể, thực chất”, Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhận định.
Với sự quyết tâm của lãnh đạo ba nước, hợp tác TGPT CLV đang phát triển tốt đẹp, ngày càng được đánh giá là một điển hình hợp tác thành công, hiệu quả và thực chất.
Vai trò dẫn dắt của Việt Nam
Là một bộ phận cấu thành, Việt Nam luôn tích cực, chủ động đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác trong cơ chế CLV, nhất là mở rộng quy mô hợp tác TGPT. Việt Nam cũng đang tích cực cùng Lào và Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực TGPT giai đoạn 2010-2020.
Bên cạnh đó, là nền kinh tế nổi bật trong khu vực, Việt Nam cũng đang thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt trên tinh thần hợp tác bình đẳng, coi trọng tình nghĩa, truyền thống hợp tác giữa nhân dân ba nước anh em.
Việt Nam cũng đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư tại Lào và Campuchia thông qua nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, trồng và khai thác cao su…Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện có 113 dự án đầu tư tại Lào và Campuchia, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD. Trong đó, Lào có 65 dự án (2 tỷ USD). Và Campuchia có 48 dự án (1,6 tỷ USD).
Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10 do Việt Nam chủ trì sẽ diễn ra từ ngày 29-31/3 tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018. Dự kiến, có khoảng hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các cơ quan truyền thông... tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc tổ chức thành công GMS 6 và CLV 10 sẽ góp phần nâng cao uy tín chính trị, vị thế và vai trò Việt Nam trên trường quốc tế, tiếp nối thành công của Năm APEC 2017. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác Tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và TGPT CLV nói riêng.
Chuyến đi kết nối tình hữu nghị phụ nữ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ... |
Chuẩn bị Hội nghị thanh niên Việt Nam - Lào - Campuchia Từ 05 đến 10/12, tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ tổ chức ... |
Khánh thành cột mốc biên giới tại ngã ba Đông Dương Ngày 18/1/2008, tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đã tiến hành long trọng lễ cắt băng khánh thành cột mốc ... |