Tàu hải cảnh Indonesia ở biển Natuna, gần đảo Riau. (Nguồn: Antara News) |
Công hàm của Indonesia nhắc lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) - được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) phủ nhận toàn bộ tuyên bố về “Đường 9 đoạn” của Bắc Kinh hòng khẳng định chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông và cùng với đó là những nội dung thể hiện quyền lợi của Philippines.
Công hàm, đề ngày 26/5/2020 được gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, cho rằng, tuyên bố “khẳng định các quyền lịch sử” tại Biển Đông của Trung Quốc “rõ ràng thiếu căn cứ pháp lý quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh Indonesia “không bị giới hạn bởi bất kỳ đòi hỏi nào vi phạm luật pháp quốc tế”.
Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia khẳng định quan điểm của nước này, song Jakarta lần này đã sử dụng những ngôn từ có phần mạnh mẽ hơn.
George Polling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) đánh giá, công hàm trên đã đánh dấu “lần đầu tiên một nước láng giềng của Philippines đứng lên thể hiện rõ sự ủng hộ và tôn trọng đối với chiến thắng của Manila trong vụ kiện chống lại Trung Quốc”.
Trong khi đó, cổng thông tin ABS-CBN của Philippines bình luận, công hàm của Indonesia là một “quả bom ngoại giao”.
Trong những năm gần đây, hàng loạt thuật ngữ pháp lý như “quyền đánh bắt truyền thống” hay “quyền tài phán tại các vùng biển liên quan” liên tục được Trung Quốc sử dụng để hợp pháp hóa các đòi hỏi của nước này tại khu vực bao trùm cả Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia. Vì vậy, Jakarta có lợi ích chiến lược trong việc tiếp tục phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc và duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp hiện hành, phủ nhận hệ thống pháp lý phớt lờ các nguyên tắc quốc tế đã được công nhận mà Trung Quốc cố tình dựng lên.
Biển Đông là một vị trí chiến lược quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Khu vực này cũng là nơi có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu khí. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đang cố gắng tuyên bố hầu hết các khu vực tranh chấp bằng cách tiếp tục mở rộng các tuyên bố "xâm lược" tại các vùng biển này.