Một người đàn ông Iran chờ đến lượt tiêm vaccine Covid-19 ở một trung tâm thương mại tại Tehran ngày 9/8. (Nguồn: AP) |
Người dân Iran đang phải trải qua một làn sóng dịch tồi tệ nhất từ trước tới nay. Sự tức giận ngày càng gia tăng khi họ nhìn thấy trên Internet và tivi hình ảnh những người phương Tây được tiêm phòng đầy đủ và không cần đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Thẳng thừng từ chối vaccine phương Tây
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Iran vẫn thua xa các nước phát triển như Mỹ trong việc tiêm chủng ngừa Covid-19 cho người dân. Hiện chỉ có 3 triệu trong số hơn 80 triệu người được tiêm vaccine.
Tình trạng thiếu vaccine của Iran, ngoài nguyên nhân tài chính và thách thức về nguồn cung ứng giống một số quốc gia đang phát triển khác, còn xuất phát từ tư tưởng bài vaccine phương Tây của lãnh đạo nước này.
Chính lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã từ chối nhận tài trợ vaccine từ các nước phương Tây và tìm cách sản xuất vaccine trong nước.
Hồi tháng 1, lãnh tụ tối cao Khamenei đã từ chối tiếp nhận vaccine của Mỹ hoặc Anh. Ông Khamenei nói: “Tôi thực sự không tin tưởng. Đôi khi họ muốn thử nghiệm vaccine của họ ở các quốc gia khác”.
Quyết định này cho thấy Iran chủ trương phát triển vaccine của riêng mình, dựa trên phương pháp điều chế vaccine truyền thống thay vì sử dụng công nghệ RNA như Pfizer và Moderna áp dụng. Hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về vaccine Covid-19 do Iran sản xuất.
Ngày 11/8, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 là một ưu tiên “khẩn cấp”, đồng thời kêu gọi nhập khẩu và sản xuất thêm vaccine sau khi Iran ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid19 cao kỷ lục. Số ca mắc mới và tử vong do đại dịch ở Iran đã tăng cao trong những tuần gần đây mà giới chức nước này gọi đây là “làn sóng thứ 5” do biến thể Delta gây ra. |
Trong khi đó, nguồn cung vaccine từ các nước vẫn ở mức thấp, tạo cơ hội cho thị trường chợ đen hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang rất bấp bênh.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đồng nghĩa với việc chính phủ thiếu tiền để mua vaccine nước ngoài.
Lúng túng tìm nguồn cung bên ngoài
Phản ứng trước các chính sách lúng túng của chính phủ, nhiều người Iran thậm chí không còn đeo khẩu trang khi ra ngoài dù biến thể Delta đang làm cho hệ thống bệnh viện ở đất nước này quá tải trầm trọng.
Reza Ghasemi, một người giao hàng 27 tuổi ở Tehran, không đeo khẩu trang, đang hút thuốc bên cạnh chiếc xe máy của anh ta, chia sẻ: “Tiếp theo là gì? Một làn sóng thứ sáu? Một làn sóng thứ bảy? Khi nào nó sẽ kết thúc? Không rõ khi nào tình hình này sẽ chuyển biến tốt hơn".
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Iran đã ghi nhận gần 4 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 91.000 ca tử vong - những con số cao nhất ở vùngTrung Đông.
Trong một thông điệp video được phát sóng hôm 10/8 trên kênh truyền hình nhà nước, ông Ayatollah Ali Khamenei mô tả việc số người chết tăng vọt là "rất đau đớn", kêu gọi các quan chức tăng tốc xét nghiệm virus miễn phí và yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp y tế phòng chống dịch.
Theo các báo cáo, con số thực sự được cho là lớn hơn nhiều. Vào tháng 4/2020, Quốc hội Iran cảnh báo số ca nhiễm của nước này cao hơn "từ 8 đến 10 lần" so với số liệu được công bố. Trong khi đó, theo các quan chức Iran, số người chết vì Covid-19 có thể cao gấp 3 lần vì Iran chỉ thống kê những người chết trong bệnh viện khi đang được điều trị.
Hiện tại, phần lớn người dân Iran được tiêm vaccine do các nước có mối quan hệ thân thiện với nước này sản xuất. Một phát ngôn viên của Bộ Y tế hôm 9/3 tuyên bố rằng Iran có thể nhập khẩu vaccine phương Tây "miễn là chúng không được sản xuất ở Mỹ hoặc Anh".
Hiện Nhật Bản đã tài trợ cho Iran 2,9 triệu liều vaccine AstraZeneca. Trung Quốc đã chuyển cho Iran 10 triệu liều vaccine do nước này sản xuất. Iran cũng đã thỏa thuận với Nga để mua 60 triệu liều Sputnik-V, nhưng cho đến nay, Moscow mới chỉ giao được hơn 1 triệu liều.
Ở Iran, nhiều nhân viên y tế đã được chủng ngừa và phần vaccine còn lại chủ yếu ưu tiên cho người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng như tài xế taxi, nhà báo, người mắc bệnh tiểu đường. Theo thống kê của chính phủ, mới chỉ có 4% người dân Iran được tiêm phòng đầy đủ.
Cơ hội cho vaccine chợ đen
Nhiều người Iran đã phải đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để chích ngừa.
Những người khác tìm cách đến Armenia, nơi chính quyền cung cấp các mũi tiêm miễn phí cho khách du lịch nước ngoài.
Nhiều thông tin cho rằng các liều Pfizer, Moderna và cả các tủ đông bảo quản vaccine chuyên dụng, được buôn lậu qua biên giới từ Irbil, Iraq, hiện đang được bán ở thủ đô Iran.
Hai mũi tiêm Moderna hoặc AstraZeneca có giá 390 USD, trong khi hai mũi Pfizer có giá 1.350 USD. Những người trả tiền mua vaccine có niềm tin rằng các sản phẩm chưa hết hạn và thậm chí cho rằng họ được tiêm vaccine một cách hợp pháp.
Mahsa, một phụ nữ 31 tuổi ở Tehran, cho biết cô được tiêm vaccine Moderna thông qua sự sắp xếp của bạn trai, là bác sĩ làm việc tại một phòng khám.
Cô nói: “Tôi chắc chắn rằng vaccine là chính hãng vì tôi tin tưởng bác sĩ”.
Amirali, 39 tuổi, cho biết anh đã mua vaccine AstraZeneca do Nhật Bản sản xuất từ một bác sĩ Iran, người bí mật tiêm cho người dân để kiếm lời. Vợ anh đã được tiêm vaccine Pfizer khi đến thăm Mỹ.
Amirali nói: “Tôi không chắc khi nào chính phủ sẽ cung cấp vaccine cho nhóm tuổi của tôi, vì vậy tôi phải tự xoay xở cho mình”.
Cả Amirali và Mahsa đều chia sẻ với điều kiện không dùng tên thật vì sợ bị chính quyền trừng phạt.
Tuy nhiên, với những người không có điều kiện kinh tế, họ vẫn chưa nhận được mũi tiêm nào.
Chính phủ dân sự của Iran, hiện đang trải qua quá trình chuyển giao quyền lực cho tổng thống theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, hiện đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình liên quan đến tình trạng kinh tế yếu kém, thiếu nước và mất điện.
Abbas Zarei, người bán phụ kiện điện thoại di động ở phía bắc Tehran, cho rằng chính phủ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ tìm nguồn tiêm vaccine cho người dân, khiến họ phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế do phải tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch.
Zarei nói lên suy nghĩ của nhiều người Iran: “Thật không công bằng. Tôi không quan tâm đến các biện pháp hạn chế nữa".