Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand, Uzbekistan ngày 15/9. (Nguồn: Sputnik) |
Ngày 15/9, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết, nước này đã ký một bản ghi nhớ về nghĩa vụ tham gia SCO, tổ chức đang tiến hành hội nghị thượng đỉnh trong tuần này tại Uzbekistan.
SCO được thành lập năm 2001 như một diễn đàn đối thoại của Nga, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Tổ chức này đã mở rộng 4 năm trước để kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan, với mục đích đóng vai trò lớn hơn, trở thành đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực.
Trên trang Instagram cá nhân, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian nhấn mạnh: "Bằng cách ký vào văn kiện để trở thành thành viên đầy đủ của SCO, Iran đã bước vào một giai đoạn mới về kinh tế, thương mại, hợp tác vận chuyển và năng lượng".
Cùng ngày, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có mặt tại Samarkand (Uzbekistan) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO. Đài truyền hình nhà nước Iran cũng đưa tin Tổng thống Raisi đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
SCO đã phê duyệt đơn xin gia nhập của Iran từ năm ngoái. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Iran tìm cách hình thành cơ chế ngăn chặn các biện pháp trừng phạt bị phương Tây áp đặt liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Trên kênh truyền hình nhà nước Nga, Phó tổng thư ký SCO Grigory Logvinov cho biết, với vai trò hiện nay, Iran sẽ có thể tham gia các cuộc họp của SCO, mặc dù việc trở thành thành viên đầy đủ cần thêm thời gian.
Nền kinh tế Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran được biết với tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.
Đến chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân đã đi vào ngõ cụt sau nhiều tháng hội đàm.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và những lo ngại ngày càng tăng về một Khối Arab-Israel Vùng Vịnh được Mỹ hậu thuẫn có thể dịch chuyển cán cân quyền lực Trung Đông ngày càng xa Tehran đã thúc đẩy các nhà cầm quyền Iran theo đuổi mối quan hệ chiến lược và kinh tế chặt chẽ hơn đối với Nga, quốc gia cũng đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong cuộc gặp với ông Putin, ông Raisi đã khẳng định: "Iran quyết tâm thúc đẩy quan hệ với Nga, từ lĩnh vực kinh tế cho đến hàng không vũ trụ và chính trị".
Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời ông Raisi nhấn mạnh: "Sự hợp tác giữa Tehran và Moscow có thể vô hiệu hóa những hạn chế mà các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra đối với chúng tôi".
Hồi tháng 7, chỉ vài ngày sau khi ông Biden thăm Israel và Saudi Arabia, Tổng thống Nga Putin cũng đã đến thăm Tehran trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ xung đột tại Ukraine nổ ra.
Theo Hãng Thông tấn nhà nước Nga RIA, ngày 15/9, ông Putin đã tuyên bố rằng sẽ có một phái đoàn gồm đại diện 80 công ty lớn đến thăm Iran vào tuần tới. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ ngày càng gắn kết Nga-Iran.